Tiến thoái lưỡng nan
Sau khi Australia tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19, nước này đã vấp phải nhiều chỉ trích từ phía Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Financial Times
Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tẩy chay rượu vang và thịt bò Australia. Một vài tuần sau, Trung Quốc giảm nhập khẩu từ 4 công ty của Australia, áp thuế 80% lên lúa mạch Australia và có các động thái hạn chế nhập khẩu than đá từ nước này. Trung Quốc khẳng định các động thái này không liên quan đến cuộc điều tra trên nhưng lý do chính xác về các quyết định này vẫn chưa rõ ràng.
Trong khi đó, mới đây, chính phủ Trung Quốc đã cảnh báo Australia nên "tránh xa" Mỹ giữa bối cảnh Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, đồng thời cho biết Canberra sẽ rơi vào tình thế "vô cùng nguy hiểm" nếu liên quan đến cuộc đối đầu này.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia trong khi Mỹ là một trong những đồng minh chiến lược quan trọng của quốc gia này. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cảnh báo bất kỳ sự ủng hộ nào của Australia với Mỹ đều sẽ khiến nền kinh tế nước này nhận "cú đánh chí tử".
"Nếu chính quyền Tổng thống Trump đẩy thế giới vào một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới", Trung Quốc sẽ buộc phải tiến hành các biện pháp đối phó với Mỹ và đồng minh. Canberra sẽ đối mặt với tình thế vô cùng nguy hiểm khi trở thành một "người chơi" trong câu lạc bộ ngoại giao do Mỹ dẫn đầu giữa bối cảnh nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào nền kinh tế Trung Quốc", bài bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc cho biết.
"Nếu Australia ủng hộ Mỹ trong cuộc "Chiến tranh Lạnh mới", quan hệ kinh tế Trung Quốc - Australia sẽ không thể tránh khỏi một cú đánh chí tử”.
Bài bình luận trên trang Global Times của Trung Quốc cũng không ngần ngại đưa ra những cảnh báo thẳng thắn với Australia rằng: "Canberra nên theo dõi liệu cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào và cân nhắc đến quan hệ chiến lược với Washington".
"Khả năng phòng vệ kinh tế của Australia không bằng Mỹ, do đó, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng chống lại Australia qua các biện pháp đáp trả nếu Canberra ủng hộ Washington. Điều đó tức là Australia có lẽ sẽ chịu tổn thất nhiều hơn Mỹ".
Trước đó, Mỹ đã đe dọa sẽ ngừng chia sẻ tin tức tình báo với Australia nếu bang Victoria của nước này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một trả lời phỏng vấn với Sky News rằng: “Nếu dự án này tác động xấu tới năng lực bảo vệ thông tin liên lạc của các công dân hoặc mạng lưới an ninh của cộng đồng quốc phòng, tình báo thì chúng tôi sẽ ngừng kết nối, chúng tôi sẽ phải tách ra để bảo vệ sự an toàn cho mạng lưới đối với các thông tin quan trọng. Tôi hy vọng các bạn bè và đối tác trên toàn thế giới, đặc biệt là thành viên của nhóm Five Eyes trong đó có Australia sẽ làm điều tương tự”. Chính quyền liên bang Australia sau đó cho rằng bang Victoria đã vượt thẩm quyền khi tự đứng ra ký thỏa thuận quốc tế. (Five Eyes – nhóm 5 nước có hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo gồm: Australia, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ - ND).
Như vậy, sau 4 tháng "quay cuồng" trong đại dịch Covid-19, Australia lại tiếp tục phải đối mặt với một tình thế tồi tệ hơn, đó là mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trên bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Phép thử cam go
Trong một bài phân tích cho Trung tâm Nghiên cứu độc lập, nhà phân tích Alan Dupont nhận định, một sự thay đổi về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới và việc Mỹ - Trung đối đầu trên mọi mặt trận từ thương mại, công nghệ, chiến lược cho tới các giá trị đã "đẩy nhanh cuộc Chiến tranh Lạnh diễn ra sớm hơn", đồng thời tạo ra "một cuộc cạnh tranh cam go để chiếm ưu thế toàn cầu" giữa "các hệ thống chính trị đối lập nhau gay gắt" này.
Về phía Australia, ông Dupont cho rằng đây là "phép thử" mà nước này chưa sẵn sàng khi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Vấn đề bây giờ là chúng ta cần nghĩ lại về gần như mọi khía cạnh trong chính sách bởi đối tác thương mại quan trọng của chúng ta ngày càng thù địch hơn với chúng ta trong khi đồng minh chủ chốt của chúng ta ngày càng khó đoán và ưu tiên cho bản thân họ trước. Đây không chỉ là môi trường an ninh thách thức nhất chúng ta phải đối mặt từ Thế chiến II mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái. Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan không giống với bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta từng trải qua".
Trong khi nhiều nhà kinh tế và các nhà phân tích quan hệ quốc tế cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh khi cho rằng xung đột thương mại là hành vi tự làm tổn hại lẫn nhau thì chuyên gia Dupont nhận định, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể vượt xa những tranh cãi về thương mại.
"Cuộc chiến thương mại và công nghệ chỉ là "triệu chứng" của sự chia rẽ địa chính trị nguy hiểm hơn và sâu sắc hơn".
Theo chuyên gia này, việc nghĩ lại về chính sách đối ngoại của chính phủ Australia từng bắt đầu dưới thời Thủ tướng Malcolm Turnbull và ngày càng trở nên cấp thiết hơn dưới thời Thủ tướng Scott Morrison. Mặc dù một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ diễn ra trên toàn thế giới nhưng trọng tâm của nó sẽ diễn ra tại Ấn Độ - Thái Bình Dương chứ không phải châu Âu. Mỹ và Trung Quốc đều là những quốc gia ở Thái Bình Dương. Sự căng thẳng giữa 2 quốc gia này sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt trong những vấn đề trên biển mà 2 bên có nhiều xung đột lợi ích.
"Nhiều người đánh giá thấp khả năng của ông Trump khi cho rằng ông ấy không hiểu rõ về bản chất thách thức từ Trung Quốc so với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định Mỹ phải đối phó với Trung Quốc trên mọi mặt trận, nếu không thì nước này có thể rơi xuống vị trí thứ 2 trong trật tự thế giới. Đó là một thách thức hiện hữu với Mỹ và tôi cho rằng ông Trump đã nhận ra điều đó. Theo tôi, quan điểm cốt lõi này của ông ấy đã đúng", nhà phân tích Dupont đánh giá.
Tuy nhiên, đúng như tên gọi "Nước Mỹ trước tiên", vấn đề ở đây là Tổng thống Trump dường như quá chú trọng vào lợi ích của nước Mỹ và xa rời nhiều quốc gia khác, những nước cùng có cùng quan điểm với ông về những thách thức gia tăng từ Trung Quốc, trong đó có Australia.
Trong một bài phân tích trên trang Foreign Affairs về quan hệ quốc tế, chuyên gia Kevin Rudd dự đoán chính trường Mỹ sẽ ngày càng "phân mảnh" hơn do đại dịch Covid-19 và nền kinh tế Mỹ sẽ giảm từ 6 - 14% trong năm nay. Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc cũng không sáng sủa hơn là bao khi đại dịch Covid-19 khiến mục tiêu tăng GDP gấp đôi của Trung Quốc trong 1 thập kỷ trở nên bất khả thi, đồng thời tạo ra ảnh hưởng với quốc gia này trên nhiều cấp độ.
"Cuộc khủng hoảng Covid-19 dường như đã "xé vụn" nhiều điều còn sót lại trong quan hệ Mỹ - Trung", nhà phân tích Rudd cho biết.
Đặt trong bối cảnh Mỹ - Trung ngày càng leo thang căng thẳng, việc phụ thuộc vào 2 quốc gia này về an ninh và kinh tế chứa đựng nhiều rủi ro. Australia sẽ thường xuyên cần các đối tác mới, hoặc phải chấp nhận hành động đơn độc.
"Về ngắn hạn tôi khá bi quan khi cho rằng hiện đã quá muộn để đảo ngược xu hướng trong quan hệ Mỹ - Trung”, chuyên gia Dupont cho biết, đồng thời đánh giá: "Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách giảm nhẹ tác động của cuộc Chiến tranh Lạnh này khi không thể ngăn cản nó", trong đó bao gồm các biện pháp nhằm “làm giảm căng thẳng, khôi phục lại hệ thống thương mại, tăng cường vai trò của các quốc gia tầm trung, đối phó với rủi ro xung đột cũng như thực hiện chính sách an ninh và kinh tế hiệu quả hơn".
Theo Kiều Anh/VOV.VN