Bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam thực hiện chuỗi ca phẫu thuật cho bệnh nhân là cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, trong không khí thi đua chào năm mới, tiếp nối những thành tích đã đạt được trong năm 2021, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 (BVDC 2.3) của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thực hiện thành công liên tiếp 4 ca phẫu thuật cho những bệnh nhân là cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc người Nam Sudan, qua đó tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực của Việt Nam đối với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung và cho đất nước Nam Sudan nói riêng.
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 tham gia đợt huấn luyện. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN 
Trong 4 ca phẫu thuật, có 3 trường hợp phẫu thuật viêm ruột thừa đều là những trường hợp được chẩn đoán đợt cấp của viêm ruột thừa mạn, với triệu chứng lâm sàng không điển hình. Các bệnh nhân đều có triệu chứng đau hố chậu phải trong thời gian dài khoảng một năm nay, với nhiều đợt cấp tính. Họ đã đi khám bệnh nhiều nơi, như Bệnh viện dã chiến cấp 3 tại Uganda, bệnh viện tại Kenya, Ai Cập... nhưng vẫn chưa được chẩn đoán xác định và điều trị hiệu quả. Những cơn đau ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của họ. Các bệnh nhân đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam trong tâm trạng khá lo lắng.

Bệnh nhân đầu tiên là cán bộ an ninh Liên hợp quốc. Sau quá trình khám kỹ lưỡng, theo dõi sát các triệu chứng và kết hợp với kết quả chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng, các bác sĩ đã nghĩ tới chẩn đoán viêm ruột thừa mạn tính - bệnh lý rất hiếm gặp, tuy nhiên cũng đã được nhắc đến trong y văn. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán xác định và chỉ định phẫu thuật, tư vấn và giải thích kỹ với bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công đã giải tỏa được nỗi lo lắng và đem lại niềm hạnh phúc cho bệnh nhân.

Sau sự thành công của ca phẫu thuật đầu tiên, 2 bệnh nhân tiếp theo cũng là người Nam Sudan, là đồng nghiệp của bệnh nhân đầu tiên, với những triệu chứng tương tự, họ đến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 với mong muốn giải quyết dứt điểm những cơn đau dai dẳng. Với sự cẩn trọng trong khám bệnh và chẩn đoán, kết hợp với kinh nghiệm điều trị bệnh nhân trước đó, Khoa Ngoại của Bệnh viện đã đưa ra chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật thành công cho hai trường hợp bệnh nhân này. 

Do triệu chứng lâm sàng không điển hình, chưa loại trừ có bệnh lý khác kết hợp, các bệnh nhân đều được theo dõi rất sát sao trong giai đoạn hậu phẫu, không chỉ trong những ngày đầu mà trong suốt quá trình nằm viện, cũng như nhận được sự tư vấn để tự theo dõi khi đã xuất viện. Ngoài ra, kỹ thuật gây tê TAP-block giúp giảm đau sau mổ cũng được thực hiện với tất cả các bệnh nhân sau phẫu thuật, giúp người bệnh thấy dễ chịu và giảm bớt lo lắng, để họ có thể tập vận động sớm. ây là điều cần thiết đối với những trường hợp phẫu thuật bụng.

Ca phẫu thuật thứ 4 là trường hợp áp xe cạnh hậu môn, kích thước khoảng 10 cm. Bệnh diễn biến khoảng hai tháng, bệnh nhân đã được khám nhiều lần tại Bệnh viện dã chiến cấp 1 của Liên hợp quốc nhưng điều trị không cải thiện. Tình trạng áp xe gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân cũng như gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và có nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn toàn thân. Bệnh nhân tới Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam và đã được các bác sĩ khoa Ngoại chẩn đoán, sau đó tiến hành phẫu thuật kịp thời, rạch tháo mủ khối áp xe, chăm sóc vết thương hậu phẫu tốt và được xuất viện sớm. 

Trong thư cảm ơn gửi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 khi xuất viện, ông Bwangani Issac, cán bộ an ninh Liên hợp quốc có viết: "Bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam, phái bộ UNMISS tại Bentiu có chất lượng dịch vụ y tế thật tuyệt vời. Tôi rất hài lòng khi gặp những bác sĩ, điều dưỡng chuyên nghiệp. Chất lượng dịch vụ y tế của họ khó mà diễn tả được bằng lời, sự tư vấn cũng luôn luôn hoàn hảo. Các món ăn Việt Nam cũng rất tuyệt vời, đặc biệt là món cháo... Cuối cùng tôi xin bày tỏ sự đánh giá cao đối với Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, với sự tuyển chọn kỹ lưỡng của họ, họ đã cử những bác sĩ, điều dưỡng tốt nhất đến Nam Sudan để góp phần bảo vệ sự sống cho những nhân viên Liên hợp quốc, những người đang giúp đỡ người dân Nam Sudan".

Không chỉ bệnh nhân Bwangani Issac, tất cả các bệnh nhân sau quá trình điều trị đều bày tỏ niềm hạnh phúc và sự hài lòng. Họ đã dành những lời cảm ơn sâu sắc tới các cán bộ nhân viên khoa Ngoại nói riêng và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 của Việt Nam nói chung, cũng như những tình cảm đặc biệt tới đất nước, con người Việt Nam - những người đang góp phần đem tới hạnh phúc cho người dân ở các quốc gia còn nhiều khó khăn như Nam Sudan.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều