Trẻ em không được cha mẹ chăm sóc cần nhận được sự quan tâm phù hợp (Ảnh: Lifelineaid)
Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới đang sống trong các trại trẻ, đang nhận được sự chăm sóc chính thức hay không chính thức, hoặc bị tách khỏi cha mẹ. Nhiều trẻ em khác có nguy cơ bị mất đi sự chăm sóc từ cha mẹ do tác động của đại dịch HIV/AIDS, xung đột vũ trang, nghèo đói, bệnh tật hay li hôn. Trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ đang sống cùng họ hàng hay được nhận nuôi có nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng và không được quan tâm. Sức khỏe của những trẻ em này thường không được theo dõi thường xuyên. Một môi trường chăm sóc thiếu đầy đủ có thể làm suy yếu sự phát triển thể chất và tinh thần, tình cảm và xã hội của một đứa trẻ, khiến trẻ dễ bị lạm dụng, bao gồm cả lạm dụng tình dục và bạo lực thể xác, cũng như bóc lột sức lao động. Những rủi ro thậm chí còn cao hơn khi trẻ nhận thấy mình không được bất kỳ hình thức chăm sóc nào, bị tách khỏi gia đình trong các tình huống khẩn cấp hay xung đột vũ trang.
Đối với thách thức này, Nghị quyết của Liên hợp quốc tuy không ràng buộc về mặt pháp lý nhưng có thể trở thành chỉ dẫn được quốc tế công nhận đối với các quốc gia và các bên liên quan trong việc bảo vệ quyền trẻ em thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, hoặc đang có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của cha mẹ. Nếu cộng đồng toàn cầu thực sự cam kết đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững thì những đối tượng như trẻ em và thanh thiếu niên không có sự chăm sóc của cha mẹ cần được sự tập trung nỗ lực giúp đỡ từ các chính phủ, tổ chức trên thế giới. Nghị quyết được thông qua sẽ phản ánh các cam kết của các chính phủ nhằm thực hiện quyền của trẻ em và thanh thiếu niên được nhận sự chăm sóc từ gia đình hoặc những sự chăm sóc thay thế khác.
Nghị quyết này mang đến cho các quốc gia thành viên cơ hội để điều chỉnh và cải thiện hơn nữa các chính sách chăm sóc trẻ em đã và đang được thực hiện trên toàn cầu một cách có trật tự, lâu dài và toàn diện. Với lợi ích từ Nghị quyết, các quy định có trong Hướng dẫn của Liên hợp quốc về “Chăm sóc thay thế cho trẻ em” sẽ là cốt lõi trong mỗi bước hành động của các quốc gia. Hướng dẫn khuyến khích các quốc gia thực hiện trách nhiệm của mình để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em và các gia đình, chú ý đến vấn đề kinh tế, xã hội và các điều kiện văn hóa thường dẫn đến sự tách biệt đối với trẻ. Hướng dẫn cũng phác họa sự đa dạng của chăm sóc chính thức và không chính thức (như từ họ hàng, từ khu dân cư hay trẻ em sống độc lập có sự giám sát), sự chăm sóc thay thế phù hợp nhất đối với trẻ.
Trẻ em bị chia cắt cha mẹ do xung đột vũ trang (Ảnh: CNN)
Các quốc gia được khuyến khích bước đầu tiên cần làm là ngăn chặn sự chia cắt giữa trẻ và những người chăm sóc. Những người chăm sóc trẻ có năng lực hạn chế sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Bên cạnh đó, đối với trẻ em dễ bị tổn thương, chính phủ các quốc gia sẽ có hình thức chăm sóc và bảo vệ thích hợp, giải quyết những vấn đề về phân biệt đối xử và những tình trạng khác có thể dẫn đến việc bỏ rơi một đứa trẻ.
Những hình thức chăm sóc thay thế khác nhau đã và đang được áp dụng đối với trẻ em không được cha mẹ chăm sóc. Mỗi hình thức đều có những điểm lợi và bất lợi riêng. Họ hàng chăm sóc được mô tả là hình thức chăm sóc trẻ em do một người thân hoặc thành viên trong gia đình. Đây thường là một sự sắp xếp không chính thức và là hình thức chăm sóc phổ biến nhất đối với trẻ em không có cha mẹ chăm lo. Họ hàng chăm sóc được coi là hình thức tốt nhất bởi trẻ em ngay lập tức nhận được sự chăm lo sau khi bị mất sự chăm sóc từ cha mẹ, đồng thời giúp trẻ tiếp tục thiết lập mối quan hệ với gia đình, cho phép trẻ em ở lại trong cộng đồng. Họ hàng chăm sóc thường dài hạn và đôi khi vĩnh viễn. Những thành viên gia đình nhận chăm sóc trẻ cần được hỗ trợ đầy đủ và có thể truy cập vào các tài nguyên trong hệ thống bảo trợ xã hội cho trẻ em.
Chăm sóc tạm thời, hỗ trợ nghỉ ngơi hay chăm sóc thay thế khẩn cấp thường là hình thức chăm sóc ngắn hạn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Hình thức này cung cấp sự hỗ trợ cho các gia đình gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em hay trong những tình huống khẩn cấp. Hình thức chăm sóc này cung cấp một mức độ chăm sóc và hỗ trợ phù hợp với nỗ lực để giúp trẻ em đoàn tụ với gia đình hoặc sắp xếp cho trẻ một môi trường sống và chăm sóc cố định. Chăm sóc thay thế tạm thời sẽ đảm bảo sự an toàn cho trẻ trong khi tích cực tìm kiếm các giải pháp chăm sóc lâu dài khác cho trẻ.
Nhận con nuôi là một hình thức chăm sóc vĩnh viễn (Ảnh: Adoption Network)
Nhận con nuôi là hình thức chăm sóc vĩnh viễn, trong đó trách nhiệm nuôi dạy trẻ được thực hiện bởi một người nào đó không phải là cha mẹ của trẻ. Đây là một quy trình pháp lý cho phép trẻ nhận nuôi được hưởng tất cả các đặc quyền thuộc về con đẻ, bao gồm cả quyền thừa kế. Trước khi được nhận làm con nuôi, nhiều trẻ em đang được nhận các hình thức chăm sóc thay thế khác như họ hàng chăm sóc hay chăm sóc thay thế ngắn hạn. Vì việc nhận con nuôi là vĩnh viễn, điều quan trọng cần đảm bảo là tất cả các lựa chọn và quyết định đều cần tham khảo ý kiến của trẻ em.
Chăm sóc thay thế liên quốc gia là hình thức phức tạp chỉ được đưa ra khi các lựa chọn chăm sóc thay thế khác trong cộng đồng đã được áp dụng nhưng chưa đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Chăm sóc liên quốc gia thường được áp dụng trong các tình huống khẩn cấp hoặc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra các quyết định mang tính lâu dài hay vĩnh viễn về việc chăm sóc trẻ em. Xung đột và các tình huống khẩn cấp gây khó khăn trong việc theo dõi hiệu quả của các hình thức chăm sóc.
Một hình thức chăm sóc thay thế khác là chăm sóc tại nhà có liên quan đến các tổ chức cung cấp hỗ trợ chăm sóc trẻ em và thanh thiếu niên. Một số tổ chức thuộc quản lý của nhà nước và nhiều tổ chức khác là các cơ sở chăm sóc độc lập, được thành lập để chăm sóc trẻ ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, thiên tai, HIV/AIDS. Ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi HIV/AIDS thì số lượng các trại trẻ mồ côi và trung tâm trẻ em đã tăng lên trong những năm gần đây, đáp ứng số lượng trẻ em bị mất một hoặc cả cha lẫn mẹ, hay đang sống trong các gia đình không thể chăm sóc cho trẻ.
UNICEF hỗ trợ việc chăm sóc trẻ em Việt Nam (Ảnh: Unicef)
Tại Việt Nam, nhiều tổ chức như UNICEF và các tổ chức phi chính phủ khác đang hỗ trợ xây dựng một hệ thống chăm sóc thay thế cho trẻ em, nhằm đảm bảo hệ thống này phù hợp với các tiêu chuẩn và thực hành quốc tế. Điều này được thực hiện qua các hoạt động tăng cường luật pháp quốc gia, tạo môi trường chăm sóc và nuôi dưỡng thay thế cho trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, trẻ khuyết tật và những trẻ dễ bị tổn thương khác.
Hồng Nhung biên dịch