Bảo vệ trẻ em trước mặt trái của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tác động không nhỏ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực thì AI cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, nguy cơ nhất là với trẻ em. Do đó bên cạnh việc tận dụng những lợi thế mà AI mang lại, cần có những giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là bảo đảm sự phát triển lành mạnh của trẻ em. 

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/3 đã thông qua nghị quyết đầu tiên của Liên hợp quốc về trí tuệ nhân tạo (AI). (Ảnh AFP)

Hiện nay các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên phổ biến và thu hút nhiều người sử dụng. Điển hình trong số đó là ứng dụng trò chuyện (chatbot), chỉnh sửa ảnh, làm clip,... Tuy nhiên, các công cụ này hầu như không yêu cầu sự cam kết nào từ phía người dùng vì thế bất cứ ai cũng có thể tham gia song cũng từ đây họ phải đối mặt với những nguy cơ, rủi ro.

Là đối tượng ham thích khám phá những điều mới lạ, trẻ em thụ hưởng nhiều cơ hội do trí tuệ nhân tạo mang lại nhưng đồng thời cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những mối nguy hiểm từ các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, trong đó có AI. Mới đây, các chuyên gia của Kaspersky (một hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga) đã đưa ra cảnh báo về những mối đe dọa an ninh mạng năm 2024, trong đó đáng chú ý là những cảnh báo về tần suất sử dụng trí tuệ nhân tạo của trẻ em ngày càng tăng cao trong khi công nghệ mới này tồn tại không ít mặt trái.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công an, hiện có khoảng 2/3 số trẻ em (trên tổng số 24,7 triệu trẻ em) đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối internet. Một khảo sát trước đó của Google thực hiện năm 2022 cũng cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động là 13 tuổi.

Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong đại dịch Covid-19, độ tuổi sử dụng internet của trẻ em Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình từ 6-7 tuổi. Như vậy, trẻ em Việt Nam sử dụng internet sớm, trong khi chưa được hướng dẫn, giáo dục, tiếp cận kiến thức cơ bản về các rủi ro tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo, gây ra những hệ lụy khó lường.

Thời gian gần đây nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ mất an toàn thông tin cá nhân, quyền riêng tư không được bảo đảm và những tác động tiêu cực đến tâm lý, hành vi của trẻ em khi tương tác với các ứng dụng AI. Thực tiễn cho thấy, rủi ro bị phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân luôn thường trực, bởi với thuật toán thông minh, AI có thể dễ dàng xâm nhập vào đời sống riêng tư, thu thập mọi thông tin cá nhân của trẻ từ sở thích, hình ảnh riêng tư... khiến cho đời sống của trẻ trở nên thiếu an toàn.

Đặc biệt, trẻ em chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng nên dễ bất cẩn chia sẻ thông tin cá nhân, biến mình thành nạn nhân của các vụ xâm nhập dữ liệu trái phép. Ngoài ra, việc quá phụ thuộc vào AI khiến trẻ ít tương tác với môi trường ngoài xã hội, giảm khả năng suy nghĩ, học tập và làm việc chủ động, sáng tạo.

Việc tương tác quá nhiều với công nghệ còn khiến trẻ mất dần khả năng kết nối giữa con người với con người, giảm kỹ năng xã hội, giao tiếp trực tiếp cũng như khả năng xây dựng các mối quan hệ, dẫn đến hậu quả tiêu cực cho sự phát triển toàn diện, đặc biệt là trong cảm xúc và hành vi của trẻ.

Trẻ sẽ không biết cách thể hiện cũng như kiềm chế cảm xúc của bản thân. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ có nguy cơ tiếp cận với những thông tin có nội dung sai lệch, tin giả hoặc nội dung người lớn như khiêu dâm, bạo lực...

Các ứng dụng của AI cung cấp cho người sử dụng những thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau trên internet và trong số đó có những thông tin không chính xác, thậm chí không được đánh giá theo độ tuổi người sử dụng để đề xuất câu trả lời phù hợp.

Thí dụ như đã có trường hợp trẻ tham khảo các thông tin ăn kiêng không phù hợp từ ứng dụng chatGPT và thực hiện theo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, nếu không biết chọn lọc thông tin phù hợp, các em sẽ phải đối diện với những hệ lụy khôn lường.

Trước những tác động tiêu cực từ trí tuệ nhân tạo, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em được bảo vệ an toàn, có cơ hội phát triển lành mạnh. Ngày 21/3/2024 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết đầu tiên của Liên hợp quốc về trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu ủng hộ nỗ lực quốc tế trong việc bảo đảm công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi ích cho mọi quốc gia và được sử dụng một cách an toàn, bảo đảm và đáng tin cậy.

Cũng trong tháng 3/2024 đạo luật đầu tiên về AI đã được Liên minh châu Âu thông qua đã đề cập đến tác động của công nghệ này đối với trẻ em - đối tượng được xác định thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất trong thời đại AI. Theo đó, việc sử dụng những hệ thống AI không được thiết kế theo nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm có thể bị cấm nếu được cho là vi phạm quyền riêng tư của trẻ hay mang tính phân biệt đối xử.

Các tiêu chuẩn đề ra cần thật sự rõ ràng hơn với từng đối tượng trẻ em, song việc đưa ra đạo luật này đã phần nào cho thấy quyết tâm và mong muốn bảo vệ trẻ em được phát triển an toàn trước những mặt trái của AI.

Tại Trung Quốc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập nhóm công tác với các đại diện từ một số công ty hàng đầu về chiến lược AI của nước này cùng xây dựng các nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các sản phẩm AI, đồng thời tác động đến các công ty và tổ chức khác cùng thực hiện mục tiêu tương tự.

Tại Việt Nam, dù chưa có những quy định riêng về trí tuệ nhân tạo và tác động của AI tới trẻ em nhưng các cơ quan chức năng luôn nỗ lực kịp thời đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn trẻ cách thức tương tác an toàn với công nghệ này.

Từ những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều giải pháp cụ thể đã được triển khai thực hiện như: Đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em trên các nền tảng; thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng...

Hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tiêu biểu có thể kể ra như Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/5/2020 về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em...

Đây là những cơ sở quan trọng và cần thiết phản ánh nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh, góp phần giảm thiểu những rủi ro với trẻ em.

Việc nắm bắt kịp thời và đề ra các biện pháp nhằm đối phó với những tác động của AI đến trẻ em là rất quan trọng, giúp trẻ vừa được hưởng lợi từ các giá trị mà AI mang lại nhưng đồng thời cũng được bảo vệ an toàn trong quá trình tương tác, sử dụng.

Để làm được điều này rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và các nhà cung cấp dịch vụ, tạo ra một môi trường công nghệ an toàn cho trẻ.

Cụ thể về phía các bậc cha mẹ, bên cạnh việc tăng cường giám sát cần có định hướng trong việc tiếp cận, sử dụng AI của con em mình. Thay vì để trẻ sử dụng công nghệ AI chỉ cho mục đích giải trí, dễ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực thì các bậc cha mẹ cần khuyến khích trẻ em sử dụng công nghệ AI một cách tích cực, sáng tạo; hướng trẻ tiếp cận với những phần mềm, ứng dụng hữu ích phục vụ cho học tập, nghiên cứu, tăng cường khả năng tư duy, sáng tạo...

Song song đó, thường xuyên trò chuyện, tạo môi trường gia đình thân thiện, có sự kết nối chặt chẽ để trẻ sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, cha mẹ có thể ứng dụng một số công cụ công nghệ để hỗ trợ chặn lọc các thông tin không phù hợp cho trẻ.

Đối với trẻ em, việc sử dụng AI đòi hỏi sự thận trọng và luôn cần sự quan tâm giám sát, phòng ngừa từ phía người lớn. Dù vậy, giám sát quá mức hoặc cấm trẻ sử dụng không phải là giải pháp tối ưu, mà quan trọng nhất là phải trang bị cho các em kiến thức để hiểu về AI, từ đó biết cách sử dụng một cách trách nhiệm, an toàn vì sự phát triển của bản thân và xã hội.

Điều này không chỉ có ý nghĩa bảo vệ các em mà còn là “trao quyền” cho các em, giúp các em có công cụ để chủ động định hình tương lai của chính mình. Khi tham gia môi trường mạng, trẻ cũng nên cẩn trọng với việc chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng, cẩn trọng khi truy cập vào các đường link lạ...; chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp các rắc rối trên không gian mạng để có sự hỗ trợ đúng cách.

Về phía các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hành lang pháp lý cụ thể về AI, ban hành các quy định liên quan đến kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành ứng dụng, phần mềm có sử dụng công nghệ AI. Trong đó, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải có những cảnh báo về nội dung liên quan đến trẻ em.

Cần có sự đầu tư, hỗ trợ từ Chính phủ cùng các cơ quan chức năng nhằm xây dựng và đưa chương trình đào tạo về AI cho trẻ em, xem đây là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để trẻ nhận biết các rủi ro tiềm ẩn, từ đó tham gia môi trường mạng một cách tự chủ, thông minh.

Theo Minh Anh/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều