Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters
Khát vọng hòa bình
Hà Nội được chọn làm nơi họp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai trong hai ngày 27 và 28/2/2018. Vì sao Hà Nội được chọn mà không phải nơi đâu khác? Các phóng viên của hàng trăm tờ báo, hãng thông tấn trên thế giới đã nêu ra rất nhiều lý do: Việt Nam là quốc gia có nền chính trị - xã hội ổn định nhất; có nền an ninh đảm bảo nhất; Việt Nam đã từng tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế. Việt Nam có quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ và Bắc, Nam Triều Tiên. Việt Nam được tất cả các bên liên quan tin cậy. Việt Nam có đường lối đối ngoại rộng mở, không hận thù với bất cứ nước nào và cũng không bị nước nào hận thù. Người Việt Nam rất cởi mở và thân thiện. Việt Nam vẫn giữ được tốc độ phát triển kinh tế cao trong nhiều năm… Các phóng viên, các nhà ngoại giao, các chính khách thuộc mọi xu thế chính trị, từ tả sang hữu, từ cực đoan đến bảo thủ đều thống nhất cho rằng, việc chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai là phương án hợp lý nhất.
Nhiều đoàn viên chức ngoại giao, chuyên gia kỹ thuật, an ninh, hậu cần, y tế của hai nước Mỹ, Triều Tiên dồn dập đến Việt Nam, khảo sát rất kỹ tình hình các con đường mà hai đoàn sẽ đi qua, các nơi lưu trú và nơi tiến hành hội đàm... Có thể nói không sót một bụi cây, đám cỏ nào ở các nơi mà các đoàn khảo sát không rà tới. Càng gần tới ngày diễn ra Hội nghị, cả thế giới hướng về Hà Nội, Việt Nam để theo dõi sự kiện. Hơn 3.000 phóng viên của 218 hãng thông tấn trên thế giới đã cử những phóng viên xuất sắc, nổi tiếng của họ đến để theo dõi và tường thuật sự kiện. Chỉ trong ba ngày (26, 27, 28/2/2019) đã có hơn 20.000 tin, bài ảnh về hội đàm Mỹ - Triều Tiên, về Việt Nam và về Thủ đô Hà Nội được phát đi khắp thế giới.
Tất cả những yếu tố trên đã trở thành động lực mạnh mẽ khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm cao của những người dân Việt Nam. Đặc biệt, người dân Hà Nội rất đỗi tự hào với vai trò là người đại diện, thay mặt cho cả nước tiếp đón sự kiện. Có những người nước ngoài từng nghe những điều ca ngợi về Việt Nam, nhưng chưa một lần đặt chân đến. Nay, họ mới có dịp trực tiếp chứng kiến những điều mà khách du lịch nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ. Có phóng viên nói, không nơi đâu yên bình bằng Việt Nam. Không khí yên bình và mến khách của người dân Việt Nam khiến cho người nước ngoài thoải mái đi lại, mà quên đi mọi lo sợ như khi đi vào những đất nước mà xã hội bị chìm vào trong mất ổn định.
Việt Nam chỉ có 20 ngày để tổ chức sự kiện với khối lượng công việc đồ sộ, tính ra phải mất nhiều tháng mới có thể hoàn thành. Nhưng với lòng tự hào dân tộc, với tinh thần trách nhiệm cao, mọi viên chức, mọi người dân, không ai bảo ai, đều ý thức tự nguyện tham gia góp phần đem lại thành công cho sự kiện. Hà Nội, qua một thời gian ngắn, bỗng nhiên thay đổi thành một thành phố rực rỡ cờ, hoa tươi rói dưới ánh nắng dịu dàng của mùa Xuân. Mọi con đường, góc phố đều được dọn dẹp sạch sẽ, bày thêm chậu hoa, cây cảnh. Nhân viên, viên chức các tổ chức môi trường, điện lực, thông tin, tuyên truyền hối hả làm việc ngày đêm, quên cả mệt nhọc để hoàn thành một cách tốt nhất công việc được giao. Những thay đổi bên ngoài, đồng thời là những thay đổi về nội tâm. Với những gương mặt thân thiện, với những nụ cười trên môi, những phụ nữ trong tà áo dài truyền thống, đông đảo nhân dân cầm cờ hoa của ba nước Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên vẫy chào khi phái đoàn đi qua hoặc xuất hiện. Người dân Hà Nội rất sẵn sàng giúp đỡ các phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp. Có những chủ quán cung cấp thức ăn, thức uống miễn phí cho các phóng viên tại các điểm săn đón các sự kiện nóng hổi. Có những anh lái xe ôm sẵn sàng phục vụ miễn phí để đưa các phóng viên đi con đường ngắn nhất để kịp đến nơi họp báo tổ chức sự kiện. Các phóng viên nước ngoài luôn được người Việt Nam tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần phỏng vấn ai đó để có những tin tức sốt dẻo nhất về cuộc họp, về đất nước và con người Việt Nam về Thủ đô Hà Nội. Người người đều muốn đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự kiện quan trọng này.
Có thể nói, từ người giữ cương vị cao nhất của Nhà nước, cho đến mọi người dân, tất cả đều thể hiện tinh thần tự nguyện, tự giác và tinh thần trách nhiệm cao đối với sự kiện.
Một câu hỏi được đặt ra là điều gì đã tạo nên sự thay đổi lớn trong dư luận, thái độ của nhân dân Việt Nam và thế giới đến vậy? Câu trả lời không khó. Đó là khát vọng hòa bình đang thúc đẩy mọi người hành động. Mâu thuẫn ở Đông Bắc Á, mà điểm nóng nhất là mâu thuẫn Mỹ - Triều Tiên được đánh giá là một trong những nơi ấp ủ nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới lần ba. Trong thâm tâm của nhân loại sẽ không có gì tuyệt vời hơn nếu mâu thuẫn Mỹ - Triều Tiên được gạt bỏ. Điều này mở ra một hy vọng lớn cho nhân loại trong việc tìm cách dập tắt các lò lửa chiến tranh đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Từ hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần một tại Singapore (12/6/2018 đến hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội (27/2/2019) chỉ có hơn 8 tháng. Thời gian này là quá ngắn so với thời gian hơn 60 năm, từ 25/6/1950 - ngày nổ ra chiến tranh, cho đến nay 2019, hai nước Mỹ - Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng đình chiến chưa ký kết hòa bình. Điều này có nghĩa chiến tranh Mỹ - Triều Tiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không cần tuyên bố. Nhiều nhà quan sát cho rằng cả Mỹ lẫn Triều Tiên đã có những bước đi nhanh từ Hội nghị thượng đỉnh lần một sang Hội nghị thượng đỉnh lần hai. Ông Trump đã từng tuyên bố rằng, ông sẽ quyết làm được những việc mà nhiều Tổng thống tiền nhiệm chưa làm được. Chủ tịch Kim cũng từng cam kết rằng, ông không muốn để vấn đề chia cắt Triều Tiên và chính sách hạt nhân cho con cháu giải quyết. Phải chăng cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều có những lý do cụ thể về đối nội lẫn đối ngoại, thôi thúc họ cần tìm ra những phương sách để sớm chấm dứt tình trạng thù địch dai dẳng, căng thẳng đã quá lâu. Có nhiều người đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai này không phải là không có cơ sở. Đó không phải là ảo tưởng.
Hẫng hụt nhưng không bi quan
Theo thông báo được chính thức được công bố trước đó, đến trưa ngày 28/2/2019, cuộc hội đàm giữa hai đoàn sẽ kết thúc. Hai đoàn sẽ cùng ăn trưa với nhau và đến 14 giờ thì hai đoàn sẽ ký thỏa thuận và ra tuyên bố chung. Nhiều dự đoán khả quan được nêu ra. Nếu mâu thuẫn giữa Triều Tiên với Mỹ được giải quyết, thì nó sẽ trở thành mẫu hình cho đường lối đối ngoại “biến thù thành bạn” mà Việt Nam đã áp dụng thành công. Tinh thần lạc quan cao đến mức có người dự đoán rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai nhất định sẽ gặt hái được thành công nhiều ít không thể nói trước. Nhưng có thể khẳng định hai đoàn không thể ra về tay không!
Đồng hồ đã chỉ quá 12 giờ trưa, nhưng hội đàm vẫn chưa kết thúc. Chủ nhân và các đầu bếp khách sạn nơi sẽ tổ chức bàn tiệc cho hai đoàn nóng lòng chờ đợi. Tại trung tâm báo chí, hàng ngàn phóng viên liên tục đứng lên, ngồi xuống. Tất cả dán mắt vào màn hình với nhiều hồi hộp. Mỗi phút trôi qua dài dằng dặc. Không ai đoán được điều gì đã xảy ra.
Đồng hồ nhích dần đến 1 giờ chiều. Từ khách sạn, nơi tiến hành cuộc hội đàm, thông tin đưa đến: “Buổi ăn trưa bị hủy bỏ. Không có thỏa thuận giữa hai đoàn. Không có ký kết và tuyên bố chung của hai đoàn”. Hai đoàn: Mỹ và Triều Tiên cùng rời khách sạn vào lúc 14 giờ. Tổng thống Trump sẽ có cuộc họp báo và lên đường về nước vào 16 giờ. Tất cả phóng viên hối hả thu xếp để kịp đến nơi họp báo. Họ đang băn khoăn thì chủ nhà Việt Nam đã kịp huy động nhiều xe buýt chở tất cả phóng viên đến nơi họp báo đúng giờ. Mở đầu cuộc họp báo, Tổng thống Trump tuyên bố, ông hết sức cám ơn chính quyền và nhân dân Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành hội đàm. Ông không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, về lòng mến khách, về tình cảm thân thiện của người dân Việt Nam đối với nước Mỹ và cá nhân ông. Ông tuyên bố ngắn gọn về lý do không có thỏa thuận và tuyên bố chung, bởi vì Triều Tiên muốn Mỹ hủy bỏ mọi cấm vận nhưng chỉ muốn hủy bỏ một phần chương trình hạt nhân của nước này. Ông Trump cho rằng, ông chỉ đơn giản bước đi khỏi một thỏa thuận không tốt. Điều này không có nghĩa là quan hệ giữa hai nước Mỹ - Triều Tiên đã đến mức cùng đường. Tổng thống Trump cho rằng, Chủ tịch Kim chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận lớn. Về sau, cụm từ “thỏa thuận lớn” được nói rõ là Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn chính sách hạt nhân của họ.
Tuy không có thỏa thuận, không có tuyên bố chung, nhưng cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên đều vui vẻ bắt tay nhau trước lúc rời khách sạn và dành cho nhau những nhận xét, đánh giá tốt đẹp. Trong cuộc họp báo chiều 28/2/2019 tại khách sạn, ông Trump tuyên bố: “Quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn “ấm áp” và ông “tin tưởng” ông Kim. Những nét thiện cảm thể hiện rõ trên gương mặt của hai người. Những khoảnh khắc sinh động này được các ống kính của nhiều phóng viên chớp lấy và nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Không có những lời lên án nhau hoặc những hành động cử chỉ thiếu thân thiện thường thấy trong các cuộc đàm phán không thành công. Vì vậy, dư luận thế giới nói chung không cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều Tiên lần thứ 2 thất bại. Hôm 3/3/2019, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Giôn Bôn-tơn không cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là một thất bại. Một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết, tiến trình đàm phán vẫn tiếp tục và vẫn có tiềm năng cho những cuộc gặp mặt trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai không đạt kết quả là một sự bất ngờ lớn đối với dư luận và kỳ vọng của thế giới và các bên tham gia đàm phán. Trước đó không một ai trong cuộc hoặc ngoài cuộc có thể tiên đoán ra điều này. Do vậy, khi các bên đàm phán ra về tay không đã gây nên sự hẫng hụt lớn. Dẫu vậy, thay cho những cảm giác thất vọng, bi quan, những niềm hy vọng vào những cuộc hòa đàm tiếp theo giữa hai bên Mỹ - Triều Tiên để tìm kiếm hòa bình vẫn được dư luận thế giới và các bên đối tác tin tưởng là sẽ được tiếp tục.
Những dự đoán về chiều hướng diễn biến sau Hội nghị
Quan hệ Mỹ - Triều Tiên là một đề tài nóng bỏng. Báo chí thế giới tiếp tục đưa ra rất nhiều dự đoán về chiều hướng diễn biến sẽ xảy ra sau Hội nghị thượng đỉnh. Nhiều người cho rằng, hội nghị hòa đàm Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai không đem lại kế quả là tất yếu. Hận thù, nghi kỵ lẫn nhau đã kéo dài trên 60 năm. Không có phép lạ nào có thể bỗng chốc xóa đi những ký ức đau buồn đã hằn sâu trong tâm trí giữa hai dân tộc Mỹ - Triều Tiên.
Trong cuộc hòa đàm Mỹ - Triều Tiên, Trung Quốc cố gắng dựng lên hình ảnh là Trung Quốc không gây sức ép với Triều Tiên. Nhưng có người cho rằng, đã có “yếu tố Trung Quốc” tác động đến kết quả của hòa đàm. Với Trung Quốc, việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa sẽ là con bài mặc cả có sức nặng với Mỹ và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Trung Quốc cũng không muốn Triều Tiên giàu mạnh hơn về kinh tế và thoát ly khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Một Triều Tiên từ bỏ chính sách hạt nhân và giàu mạnh, tự lực, tự chủ về kinh tế, thoát ly khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ làm cho Trung Quốc mất đi lá bài quan trọng để mặc cả với đối phương. Không có gì để buộc Trung Quốc phải vội vã việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Căng thẳng càng kéo dài càng có lợi cho Trung Quốc.
Việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai chưa đem lại kết quả cụ thể nào và có gây ra sự hẫng hụt mạnh, nhưng không đẩy dư luận chung đến chỗ thất vọng, bi quan. Nó không làm cho tình hình xấu hơn sau Hội nghị thượng đỉnh lần một. Nó còn làm lóe lên những tia hy vọng mới. Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận trên các vùng biển kề cận với Triều Tiên. Triều Tiên tuyên bố sẽ không tiếp tục phóng thử tên lửa. Những tuyên bố này đã góp phần duy trì không khí hòa dịu giữa hai bên vừa được nhen nhóm lên tại Hội nghị thượng đỉnh lần một.
Sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, Hàn Quốc đang xúc tiến kế hoạch mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong. Cùng với việc nối lại đường sắt xuyên suốt Nam - Bắc Triều Tiên, các bãi mìn, các hệ thống loa phát thanh dọc theo giới tuyến quân sự đều được dỡ bỏ. Số đồn bốt dọc theo giới tuyến cũng được giảm bớt. Điều này cho thấy cả hai miền Nam - Bắc Triều Tiên đang cố gắng thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, thay cho chính sách đối địch căng thẳng đã tồn tại bao nhiêu năm nay.
Giới chức lãnh đạo cũng như dân chúng Triều Tiên đều cảm nhận được, việc từ bỏ chính sách hạt nhân, mạnh dạn thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở và phát triển kinh tế là những chìa khóa để đưa Triều Tiên thoát khỏi sư bao vây cấm vận và trở thành nước giàu mạnh. Không ai có thể cản trở Triều Tiên thực hiện các đường lối này cho dù phải mất nhiều năm1. Với đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên, Triều Tiên có đầy đủ điều kiện khả thi để đưa đất nước họ trở nên giàu mạnh về kinh tế. Một tương lai sáng lạn đang chờ đón Triều Tiên nếu họ rút ra được những bài học của Việt Nam.
Lê Đức Tiết
Luật sư, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình giữa Mỹ và Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973. Sau đó, Mỹ vẫn tiến hành bao vây, cô lập Việt Nam. Đến ngày 2/3/1994, Mỹ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam. Ngày 25/7/2013 tại Nhà Trắng, Chủ tịch Việt Nam và Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam. Con đường biến thù thành bạn của Việt Nam phải trải qua hơn 40 năm mới trở thành hiện thực.