|
Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mất cân bằng trong phân phối vaccine đang là điểm nghẽn trong chiến dịch ứng phó đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến COVAX, chương trình vaccine do Liên hợp quốc bảo trợ từng đặt mục tiêu cấp 2 tỉ liều vaccine cho các nước nghèo trong năm 2021.
Trước khi Mỹ và Anh công bố gói hỗ trợ vaccine mới nhất, COVAX mới tiếp nhận được khoảng 150 triệu liều vaccine, kém xa so với mức 250 triệu liều cần có trong cuối tháng 9. Dưới đây là cam kết của các nước G7.
Mỹ: Tổng thống Joe Biden hôm 10/6 công bố kế hoạch đặt mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để viện trợ cho 92 nước thu nhập thấp và Liên minh châu Phi. Quá trình chuyển gia sẽ được thực hiện sẽ được thông qua sáng kiến Covax, với 200 liều cung ứng trong năm 2021 và 300 triệu liều còn lại trong năm 2022.
Anh: Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, G7 cam kết đóng góp khoảng một tỉ liều vaccine giúp thế giới hoàn thành chủng ngừa vào cuối năm 2022. Ông cam kết Anh sẽ đóng góp ít nhất 100 triệu liều vaccine từ nay đến năm 2022, trong đó có 5 triệu liều sẽ được chuyển giao trong vài tuần tới.
EU, bao gồm Đức, Pháp, Italy: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU đóng góp ít nhất 100 triệu liều cho các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp tính đến cuối năm nay. Trong số này Pháp và Đức mỗi nước cam kết đóng góp 30 triệu liều, Italy 15 triệu liều. Riêng Pháp trước đó đã tặng 184.000 liều vaccine AstraZeneca cho Senegal thông qua chương trình COVAX.
Nhật Bản: Chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga khẳng định sẽ góp 30 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX. Tuần trước, Nhật Bản cũng đã chuyển giao cho Đài Loan/Trung Quốc 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Canada: Canada hiện đang đàm phán với các đối tác để chia sẻ nguồn vaccine dư thừa của nước này thông qua sáng kiến Covax. Nhưng Canada chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào về cam kết cũng như số lượng vaccine dự tính sẽ đóng góp.
Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức (aljazeera)