Các trường học khắp thế giới áp lực trước mùa khai giảng

“Trẻ em không nên trở thành người thất bại trong đại dịch", đó là phát biểu mới đây của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong bối cảnh một năm học mới sắp bắt đầu ở nhiều quốc gia khắp thế giới.
 

Học sinh trở lại trường Trung học Posung ở Seoul, Hàn Quốc, hồi tháng 5/2020. Ảnh: Getty Images 

Trẻ em thường sợ thất bại còn cha mẹ chúng thì không thể chờ đợi thêm nữa. Nhưng khi mùa Hè sắp kết thúc mà đại dịch COVID-19 vẫn hiển hiện, các chính phủ trên khắp thế giới đang phải chật vật tìm ra phương thức tốt nhất để đưa học sinh trở lại trường trong học kỳ mùa Thu này.

Hôm 26/8, Liên hợp quốc đã cảnh báo về “tình trạng khẩn cấp giáo dục toàn cầu” nếu trẻ em không thể trở lại trường học sau nhiều tháng phải ở nhà. Các giáo viên thì lo ngại về sự an toàn và thiếu kế hoạch dự phòng trong bối cảnh các ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng.

“Chúng tôi có ấn tượng rằng các chính trị gia Đức đang chịu áp lực mở lại trường học mà không biết làm thế nào để làm điều đó tốt nhất" - ông Heinz-Peter Meidinger, người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Đức, nói với NBC News.

Meidinger, hiệu trưởng một trường học ở bang Bavaria, miền Nam Đức, nói thêm rằng các nhà giáo dục lo lắng việc các trường học ở Đức đang được mở lại hết công suất. Ít nhất 41 trường ở thủ đô Berlin đã báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 trong nhân viên và học sinh kể từ khi mở cửa trở lại vào đầu tháng 8 này.

Mặc dù số ca tử vong và mắc COVID-19 ở Đức thấp hơn đáng kể so với một số nước láng giềng châu Âu, nhưng nước này hiện đang đối mặt với đợt gia tăng đột biến về số ca lây nhiễm, với khoảng 1.500 trường hợp mới được báo cáo hàng ngày, cao nhất kể từ tháng 4.

 

Học sinh lớp 11 đeo khẩu trang trong lớp ở trường trung học Phoenix, Dortmund, Đức. Ảnh: AFP/Getty

Đức có một hệ thống liên bang tương tự như Mỹ, có nghĩa là các quy tắc phòng dịch, như đeo khẩu trang, sẽ khác nhau giữa các bang. Nhưng không giống như ở Mỹ, nơi các kế hoạch trường học rất khác nhau và hầu hết những quận nội thành lớn sẽ bắt đầu năm học mới với phương thức online sau một “mùa hè dữ dội”, Đức đã ưu tiên cho phép các trường học mở cửa trong khi vẫn cấm công chúng tham gia các sự kiện thể thao, giải trí.

Hôm 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Trẻ em không nên trở thành những người thua cuộc trong đại dịch”.

Hiệp hội Giáo viên Đức đã kêu gọi có những quy định khác nhau về việc học tập cho học sinh dưới 10 tuổi, nhóm mà họ cho rằng nên được tham gia học tập thể hơn so với học sinh lớn, là đối tượng có thể sử dụng công nghệ hiện đại, các công cụ kỹ thuật số để học tại nhà. Bằng chứng từ một nghiên cứu lớn được thực hiện tại Hàn Quốc công bố hồi tháng 7/2020 cho thấy trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ít hơn nhiều so với người lớn, trong khi nhóm học sinh lớn từ 10-19 tuổi lại có nguy cơ lây nhiễm ít nhất là tương đương với người lớn.

Tại Anh, nơi chính phủ tập trung vào chiến lược phong toả các quận có tỷ lệ lây nhiễm cao, Thủ tướng Boris Johnson cho biết học sinh tại những khu vực như vậy ở xứ England sẽ phải đeo khẩu trang bắt buộc. Tại xứ Scotland, nơi giáo dục được quản lý bởi cơ quan lập pháp riêng, tất cả học sinh trên 12 tuổi phải đeo khẩu trang tại khu vực chung khi di chuyển giữa các lớp học.

Nước Anh đã trải qua giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, với hơn 40.000 người chết và thiệt hại kinh tế lớn hơn nhiều nước láng giềng. Mặc dù đã tránh được một số đợt tăng mạnh như vừa xảy ra ở các nước châu Âu khác, Anh cũng báo cáo số ca mắc mới cao nhất kể từ mùa Xuân năm nay.

Jerry Glazier, người phát ngôn của Nghiệp đoàn Giáo dục Quốc gia, liên đoàn lao động lớn nhất của Anh dành cho giáo viên, cho biết các đồng nghiệp của ông “quan tâm đến các vấn đề sức khỏe tâm thần” của trẻ em và vẫn cam kết duy trì mở cửa trường học càng lâu càng tốt.

 

Thủ tướng Anh Boris Johnson dang rộng hai tay trong lớp học khi ông đến thăm Trường Tiểu học Công giáo St Joseph ở Upminster, London đầu tháng 8/2020. Ảnh: AFP/Getty Images

Nếu các trường học phải đóng cửa một lần nữa, ông Glazier cho biết các giáo viên rất lo lắng về tình trạng ước tính "700.000 em nhỏ không đảm bảo mức độ truy cập internet hoặc công nghệ ở gia đình cho việc học trực tuyến. Ông nói thêm, chính phủ đã chậm trễ trong thực hiện cam kết cung cấp thêm máy tính xách tay cho trẻ em ở khu vực bị phong toả trước kỳ nghỉ hè.

Tại Pháp, 12,9 triệu học sinh sẽ trở lại trường vào ngày 1/9 bất chấp số ca nhiễm mới tăng mạnh trong những tuần gần đây. Tất cả giáo viên, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ phải đeo khẩu trang cả ngày, các trường học sẽ có hành lang một chiều và hạn chế tụ tập.

Tại Tây Ban Nha, trong bối cảnh các đợt lây nhiễm mới bùng phát, cộng với những lo lắng ngày càng tăng của các bậc phụ huynh và sự chỉ trích từ các công đoàn giáo viên, giới chức Tây Ban Nha đang điều chỉnh kế hoạch trước khi các trường học bắt đầu mở cửa trở lại vào ngày 4/9. Ngành giáo dục đã ký hợp đồng với thêm 11.000 giáo viên, cho xây dựng các phòng học tạm trong sân trường để tạo ra những “bong bóng” nơi nhóm học sinh được phép tương tác với nhau mà không tiếp xúc với người ngoài. 

 

Học sinh được đo thân nhiệt khi trở lại lớp học tại trường tiểu học Seryun, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Xinhua / Getty Images

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát của đại dịch, 208 triệu học sinh, tương đương 75% tổng số học sinh của cả nước, đã trở lại lớp học. Những em còn lại dự kiến sẽ trở lại trường vào ngày 1/9.

Trong khi đó, ở nước láng giềng Hàn Quốc - từng được coi là một hình mẫu về ngăn chặn thành công COVID-19, các kế hoạch cho học kỳ mới đã bị đảo lộn do những lo ngại về làn sóng dịch thứ hai quét qua quốc gia này. Hơn 400 trường hợp nhiễm mới đã được ghi nhận vào ngày 27/8- cao nhất kể từ tháng Ba - sau một tuần Hàn Quốc có số ca nhiễm mới ở mức 3 con số.

Do vậy, học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở khu vực Vùng Thủ đô Seoul một lần nữa được hướng dẫn tham gia các lớp học trực tuyến cho đến ngày 11/9.

Anh Sam K. Yi, giáo viên lớp 6, cho hay trường của anh “đang tích cực chuẩn bị để thực hiện luân phiên giữa học trực tuyến và ngoại tuyến". 

Theo ông Lee Sang-soo, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách chương trình giảng dạy quốc gia tại Bộ Giáo dục Hàn Quốc, các trường học sẽ cung cấp thêm các chương trình kèm cặp riêng cho những học sinh gặp khó khăn trong việc tham gia lớp học trực tuyến. Ông Lee cũng nhấn mạnh rằng "sức khỏe và sự an toàn với học sinh của chúng tôi phải được đặt lên hàng đầu."

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều