Con tin của hai “người khổng lồ”
Đây là lần đầu tiên trong 29 năm kể từ khi Diễn đàn thành lập, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC không đưa ra được Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị, do bất đồng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại. Thay vào đó, Thủ tướng nước chủ nhà Peter O’Neill ra Tuyên bố Chủ tịch nhằm tổng kết 2 ngày họp. Tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Hội nghị, giải thích lý do Hội nghị Cấp cao APEC 2018 không đưa ra Tuyên bố chung, Thủ tướng Peter O’Neil cho biết: “Bạn biết đấy, có đến hai người khổng lồ trong phòng”.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Papua New Guinea Rimbink Pato, xung đột về tầm nhìn khiến các thành viên không thể thống nhất dự thảo Tuyên bố chung, nhất là khi Trung Quốc và Mỹ hé lộ những tham vọng cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời không có dấu hiệu giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trước đó, Hội nghị Cấp cao APEC đã chứng kiến cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sử dụng bài phát biểu tại Diễn đàn để công kích chính sách thương mại của nhau.
Điều đáng nói là ngay cả khi Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 26 đã khép lại, tranh cãi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn không ngừng, khi cả Trung Quốc và Mỹ đổ lỗi cho bên còn lại. Trong tuyên bố được đăng trên trang mạng chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho rằng, thất bại của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC không nhất trí được Tuyên bố chung là do một số nền kinh tế muốn áp đặt chủ nghĩa bảo hộ và lập trường đơn phương trong dự thảo văn kiện này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Naeuert khẳng định, Mỹ hoàn toàn sẵn sàng đồng thuận về dự thảo tuyên bố của APEC, nhất trí thúc đẩy thương mại tự do và công bằng. “Thật không may là không phải tất cả các nền kinh tế đều ủng hộ lập trường này” - bà Naeuert cho biết.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 không chỉ bị biến thành vũ đài khẩu chiến, mà còn trở thành “con tin” trong cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo South China Morning Post, nguyên nhân khiến Hội nghị Cấp cao APEC tại Papua New Guinea không ra được Tuyên bố chung bắt nguồn từ một câu trong dự thảo Tuyên bố chung, đề cập cụm từ “những hành vi thương mại thiếu công bằng”. Cụm từ này hay được Mỹ sử dụng để viện dẫn lý do cho cuộc chiến áp thuế mà Washington khơi mào với Bắc Kinh kể từ đầu năm. Trung Quốc không đồng tình với ngôn từ được sử dụng ở phần kết luận của dự thảo Tuyên bố chung, trong khi 20 nền kinh tế khác đều ủng hộ bản dự thảo.
APEC lựa chọn hướng đi
Giới quan sát ngoại giao cho rằng, không khí căng thẳng tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua không chỉ phản ánh cuộc chiến thương mại đang leo thang Mỹ - Trung Quốc, mà cả sự đối đầu địa chính trị ngày càng tăng giữa hai cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm khi Phó Tổng thống Pence nói rằng, Mỹ sẽ mang đến “lựa chọn tốt hơn” cho các quốc gia trong khu vực và công bố kế hoạch cùng với các đồng minh chủ chốt ở Thái Bình Dương đầu tư xây dựng mạng lưới điện trị giá 1,7 tỷ USD tại Papua New Guinea. Đây là một trong những bước đi đầu tiên của kế hoạch đối phó với ảnh hưởng kinh tế và chính trị của sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ còn phối hợp với Australia tái phát triển một căn cứ hải quân và tổ chức cuộc họp của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, với mục tiêu kiềm chế sức mạnh kinh tế - quân sự của Trung Quốc ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đầu tháng 11 vừa qua, cựu Bộ Trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson đã cảnh báo nguy cơ “tấm rèm sắt về kinh tế” chia rẽ thế giới, nếu Mỹ và Trung Quốc không thể thu hẹp bất đồng chiến lược. Điều này có thể khiến hai nền kinh tế lớn nhất từ chối trao đổi công nghệ, vốn và đầu tư, đảo ngược những thành tựu kéo dài hàng thập kỷ qua từ việc toàn cầu hóa. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại mối lo ngại trên và cho rằng, căng thẳng giữa Mỹ -Trung Quốc đang leo thang đến mức độ mới mà một ngày nào đó Đông Nam Á sẽ phải “chọn bên này hoặc bên kia”.
Theo giới phân tích, những nền kinh tế nhỏ hơn tại châu Á - Thái Bình Dương từ lâu đã tìm cách cân bằng quan hệ với mỗi quốc gia, nhằm gặt hái lợi ích từ trao đổi thương mại với Trung Quốc, trong khi dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đặt ra tình huống khó xử, khi mà các quốc gia sẽ phải lựa chọn hợp tác với bên nào. Trong khi đó, rào cản thuế quan của Mỹ cũng đang gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản phẩm đã được thiết lập trong khu vực này. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hệ thống thương mại đa phương đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, APEC phải củng cố đoàn kết và khẳng định vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn.
Trước những nghi ngại cho rằng, cạnh tranh Mỹ - Trung gây chia rẽ các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam - chủ nhà đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 - đã khẳng định, các nước thành viên tin tưởng APEC vẫn là một diễn đàn quan trọng, có quy mô lớn nhất ở khu vực. Theo Phó Phát ngôn viên Nguyễn Phương Trà, việc Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26 không ra được Tuyên bố chung là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, triển khai cam kết của các lãnh đạo cấp cao tại Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017, trong đó có các vấn đề như là kết nối kinh tế toàn diện, thúc đẩy kinh tế số hay tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thành viên đóng góp vào tiến trình hợp tác kinh tế của APEC, để cơ chế này có thể đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu.
Theo Nhật An/Đại biểu Nhân dân