|
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại tỉnh Sindh, Pakistan, ngày 7/9/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Shoukry đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu trực tuyến khai mạc Diễn đàn khu vực các nước Arab nhằm tài trợ cho hành động khí hậu do Ủy ban kinh tế và xã hội Tây Á của LHQ (ESCWA) tổ chức tại thủ đô Beirut của Liban.
Ông Shoukry cho biết tầm nhìn của Ai Cập đối với Hội nghị thường niên COP27, sẽ diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh, ở Biển Đỏ vào tháng 11 tới, tập trung vào việc thực hiện các cam kết về khí hậu một cách nhanh chóng và hiệu quả cũng như đưa các sáng kiến vào thực tế.
Ông Shoukry cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa các cam kết và thỏa thuận vào khuôn khổ các quan hệ đối tác để tạo ra những mô hình thành công thực sự trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Soukry nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa 5 Ủy ban khu vực của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ và Ai Cập - nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch COP27, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến việc giảm lượng khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính và cung cấp tài chính cần thiết để ứng phó với biến đổi khí hậu .
Diễn đàn tại Beirut là sự kiện thứ tư trong số 5 hội nghị bàn tròn khu vực do Ai Cập khởi xướng trong vai trò Chủ tịch COP27, phối hợp với các Ủy ban khu vực của LHQ, các đại diện cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu và Liên minh tài chính Glasgow vì khí thải ròng bằng 0 (GFANZ) tổ chức nhằm chuẩn bị cho COP27.
Bộ trưởng Kế hoạch Hala El-Said, Bộ trưởng Tài chính của Ai Cập Mohamed Maait và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohamed đang tham dự hội nghị bàn tròn về biến đổi khí hậu tại Liban.
Cũng tại sự kiện trên, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của LHQ tại Ai Cập Mahmoud Mohieldin, đã có bài phát biểu trong đó nhấn mạnh hợp tác giữa các nước Arab có thể giúp vượt qua những thách thức và đạt được các mục tiêu về khí hậu. Ông Mohieldin hy vọng rằng diễn đàn Arab này sẽ tạo ra các dự án khu vực hiệu quả và có thể ứng dụng được trong thực tiễn nhằm thu hút các nhà tài trợ.
Tại COP27, Ai Cập kỳ vọng sẽ biến các cam kết liên quan đến khí hậu thành hành động để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính độc hại và thích ứng với biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris. Được thông qua tại COP21 bởi hơn 190 quốc gia trong đó có Ai Cập, Thỏa thuận Paris có hiệu lực vào năm 2016 với mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức1,5 độ C.
Kể từ đó, vấn đề tài chính khí hậu luôn được đưa ra thảo luận tại cuộc họp COP, trong bối cảnh các nước phát triển chưa thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm (kể từ năm 2020) nhằm giúp các nước đang phát triển triển khai các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, trong khuôn khổ COP27 sắp tới, Ai Cập sẽ công bố một loạt các sáng kiến của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi trong lĩnh vực thực phẩm, nước và năng lượng.
TTXVN