|
Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018, trong đó, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực tham gia đàm phán và ký kết. Ảnh: THX/TTXVN phát |
Đây là khẳng định của nghị sĩ Alfredo Femat Bañuelos, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mexico về thành tựu đối ngoại của Việt Nam.
Nghị sĩ Femat nhấn mạnh chính đường lối đối ngoại này đã giúp Việt Nam nâng cao vai trò trụ cột tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như tại các diễn đàn đa phương khác. Năm 2020, Việt Nam đã đảm nhận xuất sắc cương vị Chủ tịch ASEAN dù tổ chức này phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có an ninh, biến đổi khí hậu và cũng như nhu cầu định hình tương lai cho sự phát triển của khu vực với tư cách là một cộng đồng ASEAN thống nhất. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico khẳng định việc tiến hành các cuộc họp trực tuyến hiệu quả và duy trì vai trò trung tâm trong bối cảnh đại dịch là những thành tựu lớn nhất của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN.
Đánh giá hiệu quả chính sách ngoại giao kinh tế của Việt Nam, Hạ nghị sĩ Femat nêu rõ kể từ khi thực hiện cải cách kinh tế vào những năm 1980, Việt Nam đã phát triển nhanh hơn các nước trong khu vực. Việt Nam cũng đã vượt qua những cú sốc kinh tế bên ngoài, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu năm 2008. Theo ông, Việt Nam là một điển hình về tăng trưởng và ổn định kinh tế, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình đạt 7,6% trong những năm 1990 và đạt gần 7% trong 2 thập niên qua.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mexico nhấn mạnh việc Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 là bằng chứng rõ ràng về nỗ lực thúc đẩy kinh tế và tham gia tiến trình hội nhập khu vực. Điều này cũng đã định vị ngành công nghiệp Việt Nam theo chiều hướng tốt. Phần lớn năng lực sản xuất hiện đại của đất nước được duy trì trong các hoạt động sản xuất, chế biến và lắp ráp, công nghệ và dịch vụ. Giá trị gia tăng của hàng dệt may nằm trong khoảng 40% và chỉ dưới 10% trong các sản phẩm điện tử và thiết bị vận tải. Ông khẳng định đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao kinh tế thành công của Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu trên khắp các châu lục. Theo ông Femat, thành tựu của ngoại giao kinh tế giúp Việt Nam vững bước trên con đường trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam thể hiện qua việc ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 hiệp định với các đối tác trên toàn thế giới. Trong số các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết có Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Mexico cũng là một thành viên.
Ông Femat cũng đề cao ngoại giao văn hóa của Việt Nam, với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo ông, việc thực hiện tốt ngoại giao văn hóa giúp dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên thế giới đến gần nhau hơn.
Nghị sĩ Femat khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà ngoại giao văn hóa xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa truyền thống lịch sử, văn hóa, những giá trị và vẻ đẹp con người, củng cố quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Từ nền móng do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, nền ngoại giao Việt Nam đã có sự chuyển mình toàn diện, điều này đã thể hiện rất rõ ở Mexico, với sự gia tăng không ngừng về lượng khách du lịch Mexico đến Việt Nam.
Người dân Mexico ngày càng quan tâm và mong muốn tìm hiểu thêm về di sản thiên nhiên, lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận của Việt Nam để thu hút du lịch và chia sẻ tài sản thiên nhiên, lịch sử và văn hóa của mình với các quốc gia khác trên thế giới.
Nghị sĩ Mexico kết luận những thành công trên lĩnh vực ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã minh chứng văn hóa là chìa khóa, phương tiện để tiếp cận, đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới.
Theo Việt Hùng-Hồng Hạnh (TTXVN)