Cơ hội cuối cho INF

Mỹ vừa ra tối hậu thư với Nga về việc tuân thủ trở lại các quy định của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nếu không Washington sẽ rút khỏi hiệp ước. Đây có thể là cơ hội cuối cùng cứu vãn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ - Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tối hậu thư của Washington

Tại cuộc họp báo sau Hội nghị Ngoại trưởng NATO diễn ra tại Brussels ngày 4.12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố, Washington sẵn sàng khởi động tiến trình hủy bỏ Hiệp ước INF vì Moscow đã vi phạm hiệp ước này. Tuy nhiên, ông Pompeo cho hay, trong vòng 60 ngày tới, Mỹ sẽ chấm dứt nghĩa vụ của mình như một biện pháp khắc phục, trừ khi Nga trở lại tuân thủ trở lại hiệp ước. Ông Pompeo còn khẳng định, Mỹ tuân thủ luật lệ và các cam kết quốc tế của nước này.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (phải) và nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev (trái)ký Hiệp ước INF năm 1987

Hội nghị Ngoại trưởng NATO cũng ủng hộ Washington khi ra Tuyên bố chung kết luận rằng, Nga đã phát triển và triển khai hệ thống tên lửa mang tên 9M729, vi phạm Hiệp ước INF và tạo ra nguy cơ đáng kể cho an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Tuyên bố chung nêu rõ, các đồng minh nhấn mạnh rằng tình hình hiện nay, mà theo đó Mỹ và các bên hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước còn Nga thì không, là không bền vững; đồng thời kêu gọi Nga nhanh chóng tuân thủ trở lại Hiệp ước đầy đủ và có thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moscow hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước và Washington biết rõ điều đó.

Theo các điều khoản trong Hiệp ước INF, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày Washington chính thức thông báo quyết định này. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra thông báo về thời điểm Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF.

 

Xói mòn niềm tin

Được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev năm 1987, Hiệp ước INF là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Mỹ - Liên Xô cũ từ thời Chiến tranh Lạnh còn được thực thi đến ngày nay. Sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Mỹ duy trì Hiệp ước INF với Nga và một số nước khác tách ra từ Liên Xô cũ.

Các cáo buộc giữa Mỹ - Nga về việc không tuân thủ Hiệp ước này diễn ra đồng thời với sự suy giảm trong quan hệ song phương thời gian qua. Kể từ đầu năm 2014, Mỹ bắt đầu cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước thông qua việc phát triển và triển khai tên lửa tầm trung mới được phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20.10 về ý định rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ nhằm gây áp lực lên Nga trong việc tuân thủ thỏa thuận chung giữa hai bên về kiểm soát vũ khí chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh.

Nga đã phủ nhận vũ khí mới vi phạm các hạn chế Hiệp ước INF cấm mọi tên lửa hạt nhân có phạm vi từ 500 - 5.500km; đồng thời cáo buộc Mỹ phá vỡ hiệp ước khi triển khai các bệ phóng cho tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis ở Romania và sắp tới sẽ được triển khai thêm ở Ba Lan. Moscow cho rằng, các bệ phóng này có thể được sử dụng cho một tên lửa hành trình tấn công của Mỹ. Ngoài ra, Nga cũng cáo buộc Mỹ sử dụng các tên lửa bị cấm trong các cuộc thử nghiệm tên lửa phòng thủ và một số máy bay không người lái được trang bị vũ khí.

Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho rằng, một khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước, không có lý do gì để Nga tuân theo bất kỳ giới hạn nào. Nga sẽ được tự do triển khai tên lửa hành trình 9M729 và tên lửa đạn đạo tầm trung nếu muốn. Trong khi đó, Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF sẽ có tác động đáng kể đến thế cân bằng chiến lược hiện nay giữa Mỹ và Nga; kéo các thành viên NATO vào cuộc cạnh tranh vũ trang với Moscow, khi buộc những nước này phải tài trợ cho việc phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, sẽ được Mỹ triển khai ở châu Âu sau khi hủy bỏ Hiệp ước. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng, hủy bỏ Hiệp ước INF sẽ là quyết định đáng tiếc và đặc biệt gây quan ngại với châu Âu, khi có thể làm sụp đổ hệ thống ổn định chiến lược và khơi mào cho cuộc đua vũ trang không thể kiểm soát. Nhiều chuyên gia về kiểm soát vũ khí cũng cảnh báo, hủy bỏ Hiệp ước INF sẽ làm tăng xói mòn lòng tin giữa Mỹ - Nga và có thể dẫn tới sự sụp đổ của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, cần được Washington - Moscow xem xét ký lại vào năm 2021.

“Biến số” Trung Quốc

Theo học giả Lyle J. Goldstein, chuyên gia của Trường Cao đẳng Hải chiến Hải quân Mỹ, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF thực tế là tính toán chính trị của Tổng thống Donald Trump, nhằm đặt nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để bàn cách ứng phó với Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Putin, được lên kế hoạch tiến hành bên lề Hội nghị Cấp cao G20 tại Argentina, song cả hai nhà lãnh đạo đều ngỏ ý sớm tiến hành cuộc gặp này trong tương lai gần. Ông Putin cũng cho hay, các hiệp ước INF và START mới chắc chắn là những vấn đề trọng tâm sẽ được hai bên thảo luận.

Vài năm gần đây, cả Mỹ và Nga ngày càng quan ngại trước năng lực quân sự không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc. Trong khi hai bên phải phá hủy các tên lửa hạt nhân tầm trung theo hiệp ước chung giữa hai bên, thì Trung Quốc tích cực củng cố kho vũ khí, với danh mục các tên lửa hạt nhân và thông thường của nước này phần lớn gồm các hệ thống có tầm bắn bị cấm trong Hiệp ước INF. Harry Harris, cựu Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ từng khuyến nghị, Mỹ nên tái đàm phán về Hiệp ước Kiểm soát các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga, do hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh giới hạn khả năng của Mỹ trong việc đối phó với tên lửa hành trình và tên lửa đối đất của Trung Quốc và một số nước khác. Giới chức quân sự Nga cũng từng chỉ ra rằng, Nga đang trong tình thế mất cân bằng với Trung Quốc.

Theo chuyên gia Nathan Levine trên Tạp chí National Interest, rút khỏi INF sẽ giúp “cởi trói” cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ có thể bố trí các hệ thống vũ khí thông thường mới tại những khu vực xa xôi như bắc Nhật Bản, nam Philippines hay thậm chí bắc Australia. Trong khi đó, Nga cũng có thể triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu và sát biên giới với Trung Quốc sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF. Viễn cảnh này chắc chắc sẽ khiến Bắc Kinh không khỏi quan ngại và buộc phải xem xét tham gia đàm phán Hiệp ước INF.

Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều