Vai trò, hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ Bộ An ninh nhân dân Lào
Một là, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng có vai trò củng cố bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng, thế giới quan khoa học; giáo dục lối sống cũng như phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ - chiến sĩ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, khôn khéo, quyết đoán trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Để đạt được các mục tiêu này, cần thực hiện các nội dung như sau:
+ Trong mọi tình huống, cán bộ, chiến sĩ phải có sự tin tưởng và giữ vững lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chiến đấu giành quyền làm chủ, mang hạnh phúc, tiến bộ về cho nhân dân, quan tâm giáo dục lý luận Mác - lênin làm cơ sở cho tư tưởng của Đảng, làm kim chỉ nam dẫn trong công tác xây dựng xã hội chủ nghĩa mới và hiện đại từng bước.
+ Nâng cao tinh thần quyết tâm bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ an ninh về mặt chính trị, trật tự an toàn xã hội; có ý thức cảnh giác cao, đập tan các âm mưu thù địch chống phá cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
+ Giữ vững lòng yêu nước, độc lập để phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa.
+ Có lòng trung thành với Đảng với nhân dân và nhiệm vụ đổi mới toàn diện của Đảng, quan tâm ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và sự bất bình đẳng trong các đơn vị địa phương; tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của đơn vị, giữ được kỷ luật và sự bí mật của đất nước.
+ Có ý thức đổi mới, trách nhiệm cao với nhiệm vụ công tác của mình, vượt qua khó khăn, có sự bình tĩnh, sáng suốt, nhạy cảm với các công việc khó khăn, có sự vững vàng về mặt chính trị - tư tưởng, làm công tác có hiệu quả.
+ Có ý thức tổ chức, có kỷ luật chặt chẽ, tôn trọng tổ chức, có trách nhiệm, có sự trung thành giữ được bí mật của Đảng, Nhà nước và của quốc gia.
+ Phải có tinh thần quần chúng rộng rãi, làm trung tâm đoàn kết xây dựng lực lượng, bao giờ cũng phải lắng nghe quần chúng, biết kiểm tra bản thân mình và giúp người khác để cùng nhau tiến bộ.
Hai là, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ - chiến sĩ trong lực lượng an ninh nhân dân có vai trò bồi dưỡng lòng yêu nước và tăng cường sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Phục vụ Đảng, phục vụ đất nước bằng sự trung thực.
+ Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ - chiến sĩ có vai trò nêu cao lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu chế độ dân chủ và giữ vững sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, thống nhất và thực hiện theo đường lối của Đảng, có sự trung thành với Đảng, với đất nước; biết phân biệt bạn hữu và thù địch rõ ràng, có trách nhiệm cao với nhiệm vụ cách mạng của Đảng.
+ Có sự tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của quần chúng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ và nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo và tăng cường sự đoàn kết toàn dân, để nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ đất nước và nhân dân.
+ Xây dựng sự đoàn kết thống nhất, bảo vệ, tăng cường sự đoàn kết bên trong, chân thành giúp đỡ nhau, thực hiện chế độ tự phê bình bản thân mình và người khác thường xuyên để cùng nhau tiến bộ, có tinh thần phấn đấu nghiên cứu, học tập tự giác và rút kinh nghiệm học tập với bạn bè để nâng cao trình độ, phục vụ xây dựng đất nước phồn vinh, tiến bộ từng bước.
Ba là, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ - chiến sĩ, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng cần mạnh mẽ, toàn diện, chiến đấu ngăn chặn tư tưởng sai trái.
Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ - chiến sĩ là sự nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về mặt chính trị - tư tưởng, sự tổ chức và kế hoạch lãnh đạo. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng của Đảng góp phần xây dựng đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn tư tưởng sai trái, tư tưởng bè phái, cá nhân chủ nghĩa. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã góp phần vào xây dựng sự thống nhất trong Đảng, đảm bảo sự vững chắc và ổn định của đất nước. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng còn có vai trò động viên quần chúng nhân dân cùng nhau xây dựng xã hội phồn thịnh, nhân dân giàu có, đất nước phát triển tiến bộ và xã hội công bằng.
Giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ có vai trò củng cố bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và khoa học
Trong giai đoạn mới của cách mạng, sự tăng cường về công tác giáo dục chính trị - tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ có vai trò củng cố bản lĩnh chính trị, xây dựng đạo đức cách mạng và phong cách làm việc khoa học của cán bộ - đảng viên thành đội ngũ hùng mạnh. Đảng và Nhà nước bao giờ cũng nhấn mạnh chủ trương đào tạo hàng ngũ cán bộ - chiến sĩ, đặc biệt là về bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ và kiên quyết trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chú trọng nắm bắt tình hình tư tưởng, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ
Nắm chắc tình hình tư tưởng là cơ sở để chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp giáo dục phù hợp, kịp thời, tránh bị động, bất ngờ. Cần thống nhất rằng, tư tưởng của con người tuy rất trừu tượng nhưng được định hình từ những hiểu biết, trải nghiệm trong môi trường sống trước đó và hoàn toàn có thể xác định được thông qua lời nói, thái độ, hành vi trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, nếu nắm chắc tên tuổi, tính cách, quê quán, hoàn cảnh gia đình, quan hệ xã hội và bám sát hoạt động học tập, sinh hoạt của từng cán bộ, chiến sĩ thì hoàn toàn có thể nắm bắt được tư tưởng của họ.
Muốn nắm chắc tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ phải theo sát các hoạt động của người đó. Vì vậy, cơ quan Bộ phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, các lực lượng để nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ.
Để làm được điều này, cần sử dụng các phương pháp, phương tiện quản lý như: nghiên cứu lý lịch của cán bộ, chiến sĩ, trao đổi trực tiếp; thông qua chế độ giao ban, phản ánh hàng tháng, sinh hoạt của các tổ chức; đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp, bạn bè, người thân của cán bộ, chiến sĩ… Trên cơ sở nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, cần tiến hành phân loại để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Khi có biểu hiện tư tưởng không bình thường, như: tâm trạng hoang mang, bi quan, lo lắng, bức xúc nảy sinh… cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan chức năng phải kịp thời lắng nghe, đối thoại, phân tích làm rõ đúng sai, giải quyết kịp thời các nguyên nhân gây ra bất ổn về tư tưởng.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ
Đối với các chuyên đề lý luận và nghị quyết của Đảng, cần biên soạn nội dung dành cho đối tượng học để làm, để biết và tin tưởng, bởi nội dung nghị quyết rất rộng lớn, trừu tượng không phải ai cũng thực hiện được. Mặt khác, để đi vào cuộc sống nghị quyết còn phải được cụ thể hoá và có những điều kiện bảo đảm nhất định. Vì vậy, tính thiết thực của nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng hiện nay là phải làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng mối quan hệ giữa lý tưởng và hiện thực, giúp họ loại trừ được nỗi hoài nghi, lo lắng, kiên định lòng tin và quyết tâm thực hiện lý tưởng.
Kiến thức chính trị cần phải trở thành cơ sở giúp cán bộ, chiến sĩ thường xuyên lý giải được các hiện tượng trong đời sống chính trị của đất nước và quốc tế. Trong giáo dục các luận điểm, nguyên lý, quy luật trừu tượng cần dẫn chứng, minh họa bằng các ví dụ lấy từ đời sống chính trị diễn ra hàng ngày, liên hệ nó với cuộc sống ngay tại nơi cán bộ, chiến sĩ đang học tập và rèn luyện.
Đa dạng hoá hình thức giáo dục chính trị - tư tưởng thực chất là vận dụng quan điểm tổng hợp trong giáo dục chính trị - tư tưởng. Vì vậy, sử dụng kết hợp các hình thức là một trong những giải pháp cơ bản nhằm cụ thể hoá quan điểm đa dạng hoá nói trên. Yêu cầu của sự kết hợp là phải hài hoà, nhuần nhuyễn, phát huy được điểm mạnh của từng hình thức mà không triệt tiêu, hạn chế hiệu quả lẫn nhau, đặc biệt phải bảo đảm sự thống nhất về mặt nội dung giáo dục. Hình thức truyền thống là những hình thức giáo dục có hiệu quả đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn xây dựng và trưởng thành của lực lượng an ninh. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu của cán bộ, chiến sĩ ngày càng cao và phong phú, chú trọng những gì thiết thực hơn. Vì vậy, cần phải đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức truyền thống, làm cho chúng có tính thuyết phục hơn, nhiều hàm lượng trí tuệ hơn, hấp dẫn hơn.
Tăng cường đầu tư hiện đại hóa đi đôi với quản lý, sử dụng hợp lý phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị - tư tưởng hiện nay luôn gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin. Để khắc phục tính một chiều, đơn điệu, trừu tượng của phương pháp thuyết trình, diễn giảng truyền thống cần phải chuyển căn bản phương tiện phục vụ truyền thống sang phương tiện nghe nhìn hiện đại trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội. Như vậy, tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm tiện ích là một xu hướng tất yếu, chi phối quá trình đổi mới giáo dục chính trị - tư tưởng hiện nay. Tuy nhiên, hiện đại hoá phương tiện dạy học không có nghĩa là chỉ quan tâm đầu tư, mua sắm các thiết bị, mà quan trọng nhất là quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả của chúng.
Ở cơ quan Bộ có các thiết chế văn hoá: Câu lạc bộ, nhà truyền thống, hệ thống panô, áp phích, truyền thanh, truyền hình, chiếu phim, báo chí... Các đơn vị cần tận dụng tối đa các thiết chế đó để tổ chức những hình thức vui chơi, giải trí trong những giờ nghỉ, sinh hoạt cá nhân để giáo dục chính trị với những mức độ phù hợp, nhẹ nhàng nhưng có hiệu quả.
Các đơn vị cần quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí từ ngân sách được cấp theo quy định, thu chi, quyết toán theo đúng chế độ tài chính. Đặc biệt, cần gương mẫu thực hiện sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, đối tượng theo quy chế của Bộ.
Xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng
Cơ quan Bộ cần thực hiện quyền làm chủ của cán bộ, chiến sĩ nhằm phát huy tối đa trí tuệ, tài năng sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Mọi chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ đều được công khai. Mọi ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của họ đều được lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của đơn vị lắng nghe, thấu hiểu. Làm được điều đó sẽ góp phần củng cố niềm tin vào Đảng và chế độ, đồng thời hoá giải được các mâu thuẫn nội bộ, giải quyết có hiệu quả nguồn gốc nảy sinh tiêu cực trong tư tưởng và hành động của mọi đối tượng, xây dựng tình cảm gắn bó, đoàn kết, yêu thương trong tập thể cơ quan.
Quan tâm lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời, triệt để những băn khoăn, dao động của cán bộ, chiến sĩ. Duy trì nghiêm kỷ luật, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện buông lỏng kỷ cương, che giấu khuyết điểm và những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vi phạm dân chủ, vi phạm kỷ luật gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị.
Các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ cần chăm lo xây dựng tình đồng chí, đồng đội thân thiết, gắn bó với nhau như ruột thịt, quan tâm giúp đỡ, cùng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tọa đàm, câu lạc bộ, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao lành mạnh… để tăng cường sự hiểu biết, gắn bó lẫn nhau giữa các cán bộ, chiến sĩ.
Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, biểu dương cái tốt với kiên quyết đấu tranh với các hành vi tiêu cực. Các đơn vị cần phát huy tốt việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các tổ chức, sử dụng dư luận tập thể để loại trừ ra khỏi môi trường đơn vị những biểu hiện lạc hậu về tư tưởng, đạo đức, những ảnh hưởng của lối sống tư sản, tàn dư của tư tưởng phong kiến, mê tín, dị đoan, những quan điểm thực dụng đề cao đồng tiền, coi nhẹ giá trị đạo đức, nhân cách và lý tưởng cách mạng.
Nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ thuộc cơ quan Bộ An ninh nhân dân Lào là một vấn đề có ý nghĩa vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị - tư tưởng, vấn đề cấp bách hiện nay là đề cao trách nhiệm và phát huy tính tiền phong gương mẫu của Đảng ủy và người chỉ huy. Đó là một biện pháp đơn giản, khả thi mà không tốn nhiều thời gian công sức, tiền bạc bởi nó có sẵn trong bản thân mỗi chủ thể giáo dục. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng là hoạt động tác động vào ý thức, tâm hồn con người, nếu không quan tâm đến tâm tư, tình cảm của đối tượng sẽ không thu được hiệu quả như mong muốn, vì vậy phải nắm chắc tư tưởng, kịp thời định hướng, giáo dục, tháo gỡ những băn khoăn, trăn trở của cán bộ, chiến sĩ. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp là biện pháp không mới nhưng cần phải bám sát mục tiêu xây dựng, củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ. Với ưu thế từ những nét đặc thù là cơ quan chiến lược, các đơn vị thuộc cơ quan Bộ hoàn toàn có thể xây dựng thành các mô hình tiên tiến, vượt trước để toàn lực lượng học tập, noi theo, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị - tư tưởng.
Sonthavixay Her
ThS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền