|
Cơ sở khai thác dầu thô Syncrude ở phía Bắc Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong năm nay, những nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu mâu thuẫn với cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh Nga giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang các nước châu Âu sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Climate Analytics (cơ quan cùng với Viện NewClimate lập ra tổ chức CAT), ông Bill Hare nêu rõ việc các nước trên khắp thế giới đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), khiến nguy cơ lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức nguy hiểm.
Theo tổ chức CAT, các dự án nằm trong kế hoạch có thể gây ra 10% "ngân sách carbon còn lại" của thế giới vốn được đặt ra để hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong số các dự án này có dự án khai thác khí đốt mới tại Canada và dự án tăng năng lực nhập khẩu LNG tại Đức.
Hiện nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Giới khoa học cho rằng nếu mức nhiệt này tăng trên 1,5 độ C sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều so với những tác động xấu như cháy rừng, lũ lụt và nước biển dâng xảy ra hiện nay.
Tính đến tháng 10 vừa qua, lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu của Nga đã giảm xuống còn 7,5%, so với mức 40% trong những năm gần đây. Nhằm thay thế nguồn cung của Nga, nhiều nước trong khu vực đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng các cơ sở khai thác nhiên liệu hóa thạch.
TTXVN