Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus.
Trong tuyên bố đưa ra vào tối ngày 14/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump nói rằng quá trình đánh giá sẽ bao gồm cả “vai trò của WHO trong việc xử lý sai nghiêm trọng và che đậy sự lây lan của virus corona chủng mới”.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc mà đại dịch Covid-19, căn bệnh do virus corona chủng mới gây nên, đang gây ra một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua trên phạm vi toàn cầu, và Tổng thống Trump đang ra sức bảo vệ cách ứng phó trước đại dịch của mình ở nước Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh rằng, nước Mỹ chi 400 – 500 triệu USD tiền tài trợ cho hoạt động của WHO mỗi năm, trong khi Trung Quốc “chỉ đóng góp khoảng 40 triệu USD”.
“Nếu như WHO thực hiện tốt công việc của họ là đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá về tình hình thực địa, và nêu ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, thì dịch bệnh có lẽ đã được kiềm chế ngay tại nguồn mà không khiến nhiều người chết đến vậy”- Tổng thống Mỹ nói.
Kể từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Trump đã tỏ rõ sự hoài nghi về nhiều tổ chức quốc tế. Ông từng đặt câu hỏi về việc cấp ngân sách cho Liên hợp quốc, rút khỏi các thỏa thuận về khí hậu toàn cầu và chỉ trích Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - tuyên bố rằng tất cả tổ chức trên đều rút tiền từ nước Mỹ.
Trong hôm 14/4, ông Trump nói rằng nếu WHO hành động hợp lý hơn, ông có thể đã ban bố một lệnh cấm tiếp nhận đối với những người đến từ Trung Quốc sớm hơn. Ông nói rằng WHO đã đưa ra một quyết định “tai hại và nguy hiểm” khi phản đối lệnh hạn chế tiếp nhận những người đến từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào WHO, nhưng không đặc biệt đưa ra phản ứng gì trước tuyên bố rằng Mỹ sẽ ngừng khoản tiền tài trợ cho hoạt động của cơ quan này. “Chúng tôi cần câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi cần sự minh bạch và chúng tôi cần WHO làm tốt công việc của họ, thực hiện chức năng chính của họ, đó là đảm bảo rằng thế giới sẽ nhận được thông tin chính xác, hiệu quả, nhanh chóng về các vấn đề y tế toàn cầu. Và họ đã không thực hiện được nhiệm vụ đó”- ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn với Fox News.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo từng phản ánh lại sự thất vọng của chính quyền Mỹ với WHO liên quan tới cách ứng phó dịch Covid-19, trong hàng loạt cuộc phỏng vấn được thực hiện trước khi ông Trump ra quyết định ngừng tài trợ.
Chỉ vài tuần trước đây, ông Pompeo cùng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh về sự đóng góp của Mỹ trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 toàn cầu, trong đó có vai trò của Mỹ như “nước tài trợ nhiều nhất cho WHO kể từ khi tổ chức này được thành lập vào năm 1948”.
WHO đã phản ứng trước những cáo buộc trên, đồng thời kêu gọi các nước thành viên không nên chính trị hóa đại dịch Covid-19. “Mỹ và Trung Quốc nên chung tay chống lại kẻ thù nguy hiểm này”- Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố hồi tuần trước.
Sau khi Tổng thống Trump ra quyết định tạm ngừng tài trợ cho WHO, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đưa ra phản ứng của ông, trong đó chủ yếu nói về sự nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và kêu gọi các nước thành viên không nên giảm nguồn lực tài trợ cho WHO.
“Đây không phải thời điểm…không phải lúc để giảm các nguồn lực tài trợ cho hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới hay bất kỳ tổ chức nhân đạo nào khác trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới”- ông Guterres nói, đồng thời kêu gọi sự đoàn kết để chống lại đại dịch đã khiến hơn 126.000 người tử vong trên toàn thế giới.
Theo Khánh Duy/Đại đoàn kết