Điểm tựa để hội nhập mạnh mẽ hơn
CPTPP chính là TPP-11 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định. Mặc dù sân chơi đã thu nhỏ đáng kể nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với mỗi thành viên, thậm chí còn có những đóng góp tích cực vượt ra ngoài khuôn khổ một hiệp định thương mại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang nổi lên toàn cầu. Sự tiến bộ của CPTPP nằm ở việc xóa bỏ những hàng rào đang hạn chế dòng chảy tự do hàng hóa, dịch vụ và vốn đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình dương. Nhờ đó, các nền kinh tế sẽ tích cực cải cách, đổi mới sáng tạo để hội nhập sâu rộng, toàn diện, nắm bắt các cơ hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, giúp các nền kinh tế Ðông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Singapore và Brunei tăng trưởng thêm 2% GDP vào năm 2030. Bên cạnh đó, New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Australia cũng sẽ tăng khoảng 1% GDP.
Các số liệu cho thấy, cái bắt tay của 11 thành viên tham gia CPTPP gồm các quốc gia kể trên và Peru đã tạo ra một khối hợp tác khổng lồ với tổng số dân gộp lại lên tới 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới, quy mô GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, việc tham gia CPTPP là động lực để nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thế giới, nhất là lĩnh vực kinh tế. Nhờ CPTPP, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, tỷ lệ trên có thể lên tới 2,01%. Với mức độ cam kết của các thành viên, những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035. Chưa hết, tổng số việc làm tăng thêm hàng năm sẽ đạt từ 20.000 - 26.000 lao động. Về xóa đói giảm nghèo, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày…
Có thể trong số các thành viên CPTPP, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang ở mức thấp nhất (2.306 USD, năm 2017) cùng với vô vàn rủi ro, thách thức khác sẽ xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng Hiệp định sẽ tạo ra động lực giúp chúng ta vượt qua những bất lợi, vững vàng bước lên “thuyền to ra biển lớn”.
Hỗ trợ Việt Nam tối ưu hóa lợi ích
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, CPTPP không chỉ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, mà còn giúp nước ta củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Sau khi Hiệp định đi vào cuộc sống, mối quan hệ giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP, đặc biệt là các nước có quan hệ đối tác chiến lược sẽ ngày càng sâu sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho cả đôi bên. Điều này được thể hiện rất rõ qua những cảm nhận, chia sẻ của các đại diện ngoại giao tại Việt Nam.
Đại sứ Australia Craig Chittick khẳng định, Australia sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi ích khi tham gia CPTPP. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, ông luôn nhận định nhờ Hiệp định, doanh nghiệp hai bên sẽ có cơ hội hợp tác sâu rộng hơn. Ông đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn tất các cuộc đàm phán CPTPP trước đây, cũng như thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong 45 năm quan hệ ngoại giao song phương, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia, trong khi đất nước chuột túi đang là đối tác thương mại đứng thứ 8 của chúng ta.
Theo Đại sứ Craig Chittick, nhờ quyết tâm chính trị để đảm nhận một cam kết lớn như CPTPP, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội kề vai sát cánh với các nền kinh tế lớn thế giới, dễ dàng nắm bắt hơn những chuyển biến thương mại, đồng thời gửi đến thế giới thông điệp mạnh mẽ rằng, Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành người đi đầu trong lĩnh vực kinh tế - thương mại khu vực.
Nét son cho quan hệ song phương
Đại sứ New Zealand Wendy Matthews cũng nhấn mạnh vai trò của CPTPP trong việc tô thêm “một nét son cho mối quan hệ vốn sẵn tốt đẹp giữa Việt Nam và New Zealand”. Thực tế, hợp tác song phương trước đây đã đạt được nhiều thành tựu nhờ những thỏa thuận thương mại mở giúp tăng cường hội nhập như Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN, Australia và New Zealand. Nhờ đó, thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Hiệp định trên có hiệu lực năm 2010. Chính vì vậy, Đại sứ Wendy Matthews hy vọng, CPTPP sẽ càng tạo thuận lợi hơn cho đà phát triển này.
Theo bà Wendy Matthews, New Zealand luôn nhận thức rõ những lợi ích từ CPTPP cũng như sự cần thiết hợp tác chính trị chặt chẽ với các đối tác trong khu vực khi tham gia Hiệp định. New Zealand và Việt Nam có điểm chung là cởi mở trao đổi, khao khát hội nhập. Điều đó đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói chia rẽ trên khắp thế giới.
Việt Nam là đối tác quan trọng
Canada cũng là một trong những đối tác toàn diện của Việt Nam. Cựu Đại sứ Canada tại Việt Nam Ping Kitnikone nhận định, CPTPP có hiệu lực sẽ giúp Canada và Việt Nam hưởng lợi nhờ các ưu đãi miễn giảm thuế quan cho nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng, từ đó tạo cú hích cho trao đổi thương mại trong tương lai. Bản thân Đại sứ đương nhiệm Deborah Paul cũng chia sẻ, tình hữu nghị Việt Nam - Canada luôn được nhấn mạnh và bền bỉ. Đặc biệt, năm 2018 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương Canada - Việt Nam khi hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và ký kết Hiệp định CPTPP. Điều này đã khẳng định lợi ích lâu dài của Canada tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng.
Thành quả quan trọng nhất của quan hệ Nhật - Việt
Luôn đi đầu trong những nỗ lực hiện thực hóa CPTPP do nhận thức được những lợi ích mà nó mang lại, Nhật Bản là một trong hai quốc gia phê chuẩn Hiệp định sớm nhất, chỉ sau Mexico. Chia sẻ với báo chí, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng, một trong những lợi ích đáng kể của CPTPP là việc bắt tay với các đối tác chiến lược sâu rộng và cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược như Việt Nam. Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao song phương năm 2018, ông đánh giá CPTPP chính là thành quả quan trọng nhất của mối quan hệ hợp tác mật thiết Nhật - Việt. Hiệp định sẽ có nhiều tác động tích cực tới các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đôi bên nhờ những điều khoản tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận thông tin, từ đó có thêm cơ hội kinh doanh.
Cũng theo Đại sứ Umeda Kunio, hợp tác kinh tế của hai nước ngày càng mạnh mẽ, biến Nhật Bản thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp xứ sở Phù Tang hoạt động ở Việt Nam là 3.100, tăng 40% trong 4 năm qua. Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 nhưng lớn nhất của Việt Nam trong số các nước tham gia CPTPP. Ông Umeda tin rằng, sau khi Hiệp định có hiệu lực từ đầu năm 2019, dòng chảy thương mại và đầu tư song phương sẽ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân