(Ảnh minh họa)
Nhật Bản có một hệ thống phúc lợi khá toàn diện, có mức bao phủ cao, ví dụ trường hợp mẹ đơn thân thất nghiệp, nuôi hai con đang học tiểu học, có thể nhận được trợ cấp khoảng 2.300 đô-la/tháng. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Trường Đại học Yamagata cho thấy, 20 năm sau khi sự kiện “bong bóng bất động sản” năm 1992 diễn ra, số gia đình có mức thu nhập thấp hơn mức hỗ trợ phúc lợi công cộng đã tăng hơn gấp đôi và hiện tại, có 16% (trong đó, tỷ lệ sống trong gia đình đơn thân là 55%) trẻ em sống dưới mức nghèo khổ. Yukiko Tokumaru, người điều hành Chương trình Giảm nghèo của trẻ em Osaka, cho biết: "Suy thoái kinh tế ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người nghèo, đặc biệt là đối tượng mẹ đơn thân. Ở Nhật Bản, mẹ đơn thân không phải chịu kỳ thị về mặt dư luận xã hội nặng nề như tại các quốc gia châu Á khác, song họ lại rất khó kiếm việc làm bởi đa phần phụ nữ Nhật Bản sẽ nghỉ việc ở nhà làm nội trợ sau khi kết hôn và sinh con”.
"Trẻ em nghèo gần như không thể tiếp cận nền giáo dục Đại học, vì vậy, ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm” – Yukiko Tokumaru cho biết thêm – “Suy thoái kinh tế kéo dài làm cho một bộ phận lao động trẻ chỉ có thể kiếm sống bằng công việc bán thời gian (part-time), không được bảo đảm bởi lưới An sinh xã hội, không có khả năng thăng tiến và không tích lũy được cho cuộc sống sau này. Họ thậm chí còn không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình hoặc sinh con vì thu nhập thấp". Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn vì Nhật Bản đang trong giai đoạn mức sinh thấp, trong khi quốc gia cần nhiều người lao động nộp thuế hơn để trang trải các khoản lương hưu do xu hướng già hóa dân số gia tăng. Dự báo dân số Nhật Bản từ mức 127 triệu người hiện nay sẽ giảm xuống dưới 100 triệu và một phần ba dân số sẽ lớn hơn 65 tuổi vào năm 2060.
Quay trở lại vấn đề gia đình đơn thân khó khăn, gần đây, ngày càng có nhiều hoạt động hỗ trợ cho đối tượng này, đặc biệt là trường hợp mẹ đơn thân (vốn được coi là khó khăn hơn bố đơn thân). Ví dụ, các Trung tâm cộng đồng ở Osaka cung cấp bữa ăn tối miễn phí, không gian vui chơi cho trẻ em và hoạt động giao lưu, giải trí cho bà mẹ. Mẹ đơn thân Masami Onishi, 23 tuổi, hiện làm việc trong một nhà máy sản xuất kim loại tấm, thông qua Tổ chức Nishinari Kids’s Dining Hall đã thuê được một căn hộ nhỏ với hai phòng ngủ với giá cả hợp lý: "Thật dễ chịu khi được gặp gỡ và chia sẻ khó khăn đã gặp phải với những người đồng cảnh ngộ. Tôi nhận ra rằng tôi không phải là người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này. Ở đây, các con tôi và những đứa trẻ khác đều mỉm cười hạnh phúc”.
Tuy nhiên, Junko Terauchi, Chủ tịch Hội đồng Khuyến khích Phúc lợi Xã hội Osaka cho biết, một bộ phận mẹ đơn thân vẫn vì mặc cảm mà giấu giếm hoàn cảnh với gia đình, bạn bè của họ và từ chối sự giúp đỡ của cộng đồng: “Có những mẹ đơn thân cố gắng chưng diện, trang điểm và chăm sóc móng tay để duy trì vẻ bên ngoài ở trạng thái tốt hơn so với hoàn cảnh thực tế. Nhưng cũng chính vì vậy, cơ quan Chính phủ, quan chức địa phương, nhà tài trợ... sẽ cho là họ không giống cần phúc lợi xã hội và từ chối cung cấp các khoản trợ cấp cho họ”. Hệ lụy là con cái của họ thường bị “tẩy chay ngầm” bởi một số bậc phụ huynh có hoàn cảnh khá giả không muốn con cái họ chơi đùa với bạn bè có xuất thân nghèo khổ. Song may mắn là một số thay đổi đang diễn ra từ từ ở cấp cơ sở, với sự vào cuộc nhiệt tình của các Trung tâm cộng đồng; tuy nhiên, thay đổi ở cấp quốc gia dường như là vẫn cần một chặng đường dài. “Nhật Bản được xem là một quốc gia có sức mạnh kinh tế nhưng Chính phủ vẫn vì các khoản nợ công mà cắt giảm phúc lợi xã hội” - Junko Terauchi nhận định - "Cá nhân tôi cảm thấy Nhật Bản dường như là một quốc gia chưa thực sự quan tâm đến người trẻ, đặc biệt là trẻ em, thật đáng quan ngại".
Theo Tùng Anh/Tạp chí Bảo hiểm Xã hội (The Washington Post)