Cuộc đua “song mã”
Trên đây là cuộc tranh luận đầu tiên trong tổng số 8 cuộc mà các ứng cử viên sẽ tham gia trước hội nghị bỏ phiếu bầu người lãnh đạo đảng chính thức diễn ra ngày 7.12 tới. Tại sự kiện vừa qua, tuy khác nhau về chi tiết nhưng tựu chung các ứng cử viên đều nhất trí sẽ làm việc nghiêm túc để cải thiện khả năng hòa nhập của người nhập cư, tập trung phát triển thêm nhà ở giá rẻ, cắt giảm trợ cấp cho một số bang nghèo hơn ở phía Đông nước Đức và thúc đẩy chính sách số hóa của bà Merkel.
Hiện nay, cuộc đua chức Chủ tịch CDU đang dần biến thành trận tỷ thí giữa nữ chính trị gia được xem là “tiểu Merkel”, bà Annegret Kramp-Karrenbauer và triệu phú Friedrich Merz - người luôn tự miêu tả là “người đàn ông của thương mại tự do”. Trong đó, bà Kramp-Karrenbauer, 56 tuổi, đang là ứng cử viên sáng giá nhất, giành được nhiều ủng hộ nhờ cam kết tiếp tục quá trình đổi mới dựa trên nền tảng của đảng. Là người thân cận và có nhiều nét tương đồng với Thủ tướng Merkel, bà sở hữu nhiều kinh nghiệm chính trị khi từng là Thủ hiến bang Saarland. Bà nổi tiếng nhờ nói mạnh về giá trị gia đình cũng như những khó khăn của công nhân. Điều đó nghĩa là bà Kramp-Karrenbauer có cơ hội thu hút được sự ủng hộ của cả cánh hữu lẫn cánh tả trong đảng. Hơn nữa, nữ chính trị gia này còn được cho là sự lựa chọn của bà Merkel. Thủ tướng đương nhiệm đã chỉ định bà Kramp-Karrenbauer làm Tổng Thư ký CDU, vị trí bà từng nắm giữ để bắt đầu sự nghiệp vươn tới đỉnh cao trước đây.
Trong khi đó, ông Merz đặt mục tiêu đưa CDU trở lại tỷ lệ ủng hộ của cử tri trên 40%. Bởi trong hầu hết cuộc khảo sát hiện nay, tỷ lệ đó chỉ loanh quanh ở mức 26 - 27%. Điểm mạnh của ông Merz là những chính sách kinh tế rõ ràng và ông cũng chính là người đầu tiên thể hiện mong muốn sẵn sàng thay thế Merkel sau khi bà tuyên bố sẽ rút lui.
Bộ trưởng Y tế Jens Spahn, người chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel, là ứng cử viên còn lại. Theo ông, chính sách trên của CDU đã giúp “tăng thêm sức mạnh” cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và bài ngoại. Hiện đảng này đã có đại diện ở cả 16 bang của Đức.
Nói chung, tuy cả 3 ứng cử viên đang cạnh tranh nhau nhưng tất cả đều cam kết sau cuộc bỏ phiếu của đảng, họ sẽ vẫn tôn trọng và làm việc ăn ý với nhau. Ông Merz nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chỉ nói tốt về nhau. Cuối cùng, đảng CDU phải chiến thắng”.
Một cuộc thăm dò ý kiến do hãng phát thanh ARD thực hiện hai hôm đầu tuần cho thấy, bà Kramp-Karrenbauer đang được ủng hộ nhiều nhất, 46%. Trong khi đó, theo cuộc khảo sát khác thực hiện hôm thứ Năm, 31% đảng viên CDU đã về phe ông Friedrich Merz, người vừa mới trở lại chính trường sau 10 năm làm việc ở khu vực tư nhân. Bộ trưởng Spahn chỉ nhận được 12% hậu thuẫn.
Rút lui đúng lúc
Tháng 10 vừa qua, bà Merkel cho biết sẽ vẫn tiếp tục là Thủ tướng đại liên minh cầm quyền gồm đảng CDU, đảng Bavarian và đảng Dân chủ Xã hội cho tới hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Bà sẽ rút lui khỏi cuộc đua vị trí này trong nhiệm kỳ sau. Mặc dù việc thôi chức Chủ tịch đảng CDU được xem là một quyết định ngoài ý muốn nhưng nó thể hiện sự kiên định của Merkel sau 18 năm giữ cương vị. Trước đó, đảng trung - tả của bà chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương. Tại cuộc bầu cử bang Hesse, nơi có trung tâm tài chính Frankfur, CDU chỉ giành được 27% số phiếu bầu, thấp hơn 11 điểm phần trăm so với cuộc bầu cử trước đó vào năm 2013. Mặc dù vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội liên bang nhưng số phiếu bầu cho CDU đã ở thấp nhất 50 năm qua.
Để chặn đà lao dốc, CDU nhất thiết phải có nhà lãnh đạo mới. Mặc dù bà Merkel tuyên bố vẫn tại vị đến năm 2021 nhưng theo truyền thống ở Đức, Chủ tịch đảng cầm quyền luôn là Thủ tướng hoặc người ứng cử cho chức vụ này, nên nhiều nhà bình luận tin rằng, rất có thể bà sẽ rời ghế khi CDU bầu được Chủ tịch mới.
Nếu vậy, đây thực sự sẽ là một bước ngoặc trong nền chính trị Đức. Từng được Forbes vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới nhiều năm liên tiếp, bà Merkel đã có công lớn trong việc đưa Đức trở thành nền kinh tế mạnh nhất châu Âu. Tuy nhiên, chính sách nhập cư cho phép người tỵ nạn vào Đức năm 2015 của bà khuấy động làn sóng tranh cãi sau khi xảy ra nhiều vụ việc bất ổn mà thủ phạm là người nhập cư. Có lẽ đây chính là một nguyên nhân khiến người dân Đức trở nên lo âu. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế không thuận cũng khiến hạt nhân của châu Âu phải mệt mỏi đương đầu, như xu hướng tan rã EU sau Brexit, chủ nghĩa dân túy lên ngôi, cuộc chiến thương mại và những rạn nứt xuyên bờ Đại Tây dương với Mỹ khiến bóng ma khủng hoảng tài chính rập rình… Vì vậy, dù ai lên ngôi, người đó không chỉ phải đủ bản lĩnh để vượt qua cái bóng của Thủ tướng đương nhiệm mà còn phải linh hoạt để chèo lái quốc gia khỏi những thách thức bủa vây, duy trì vị thế và uy tín nước Đức trên trường quốc tế.
Theo Thái Anh/Báo Đại biểu Nhân dân