|
Hàn Quốc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất trên thế giới. Ảnh: Getty Images |
Theo đài BBC (Anh), Ji-Eun bắt đầu cảm thấy khó ngủ sau một thời gian dài quen với lịch làm việc dày đặc. Cô mệt mỏi đến mức không có thời gian thư giãn. Trung bình, Ji-Eun làm việc từ 7 giờ sáng đến khoảng 10 giờ đêm. Nhưng vào những ngày bận rộn hơn, nhân viên quan hệ công chúng 29 tuổi sẽ phải thức đêm làm việc ở văn phòng đến tận 3 giờ sáng. Cô chia sẻ: “Tôi gần như đã quên mất cách thư giãn”.
Trái ngược với sự nhộn nhịp thường thấy ở khu Gangnam xa hoa của thủ đô Seoul, không khí tại phòng khám Dream Sleep vô cùng căng thẳng. Cô Ji-hyeon Lee, bác sĩ tâm thần chuyên về giấc ngủ, cho biết phòng khám của cô thường tiếp nhận những bệnh nhân mất ngủ nghiêm trọng. Có người phải uống tới 20 viên thuốc ngủ mỗi đêm. Cô chia sẻ: “Thường mất thời gian để đi vào giấc ngủ, nhưng người Hàn Quốc muốn ngủ thật nhanh và vì vậy họ đã uống thuốc”.
Nghiện thuốc ngủ là một đại dịch quốc gia. Hiện không có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính có tới 100.000 người Hàn Quốc đang nghiện thuốc ngủ. Khi vẫn không thể ngủ được, nhiều người phải sử dụng cách uống rượu kết hợp với thuốc. Điều này thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng..
“Nhiều người thường gặp chứng mộng du. Họ đến tủ lạnh và ăn nhiều đồ ăn một cách vô thức, bao gồm cả thực phẩm chưa nấu chín. Thậm chí có trường hợp một người bị mộng du đã gây ra vụ tai nạn xe hơi ở trung tâm Seoul”, bác sĩ Lee nói.
Ngoài ra, bác sĩ Lee đã quen với việc chứng kiến những người đau dạ dày mãn tính gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý sau chấn thương. Một số bệnh nhân cho biết họ đã mất ngủ hàng chục và chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm. “Họ tuyệt vọng nhưng vẫn nuôi hy vọng khi họ đến đây. Đây là một tình trạng thực sự đáng buồn”, cô nói.
Nguyên nhân của tình trạng mất ngủ
|
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đã phải tìm kiếm sự trợ giúp vì chứng rối loạn giấc ngủ. Ảnh: Getty |
Hàn Quốc là một trong những quốc gia thiếu ngủ nhất trên thế giới. Đất nước này cũng có tỷ lệ tự tử, tiêu thụ rượu mạnh và số lượng người sử dụng thuốc chống trầm cảm cao nhất trong số các quốc gia phát triển.
Giới chuyên gia cho biết có những nguyên nhân lịch sử cho những thống kê này. Chỉ trong vài thập niên, từ một trong những quốc gia nghèo nhất, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nước có công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Họ cũng sở hữu sức mạnh mềm đáng kể, với ảnh hưởng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực văn hóa đại chúng. Điều này đã thúc đẩy một nhóm người dân nỗ lực cống hiến, làm việc chăm chỉ hơn và gấp gáp hơn. Kết quả là nhiều người Hàn Quốc đã làm việc quá sức, căng thẳng và thiếu ngủ.
Giờ đây, một ngành công nghiệp đã phát triển nhằm phục vụ những người không ngủ được. Đó là ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ với ước tính trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2019.
Ngành công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ đang phát triển
|
Các ngôi đền Phật giáo thường tổ chức các khóa tu về giấc ngủ. Ảnh: BBC |
Ở Seoul, tất cả các cửa hàng bách hóa đều bày bán các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, từ ga trải giường đến các loại gối cải thiện chứng mất ngủ tối ưu. Trong khi đó, hiệu thuốc luôn có sẵn các loại thuốc ngủ và thuốc bổ từ thảo dược.
Từ đó, các phương pháp tiếp cận công nghệ điều trị chứng mất ngủ cũng ngày càng phát triển. Cách đây hơn 2 năm, Daniel Tudor đã phát triển ứng dụng thiền Kokkiri nhằm giúp đỡ những người trẻ Hàn Quốc thường xuyên gặp áp lực.
Trong lịch sử, những người trẻ ở nước này coi thiền như một thú tiêu khiển của người già, không phải hoạt động mà một nhân viên văn phòng có thể thực hành. Daniel cho biết anh đã phải cải thiền như một ý tưởng phương Tây để thu hút giới trẻ hơn.
Hyerang Sunim, một nữ tu sĩ Phật giáo, là người hỗ trợ điều hành khóa tu tại Temple-Stay, nằm ở ngoại ô Seoul. Hyerang chia sẻ tại đây, những người thiếu ngủ có thể tham gia thiền định và tiếp cận giáo lý Phật giáo.
Trong quá khứ, những hoạt động này chỉ dành cho người về hưu, những người muốn học giáo lý và cầu nguyện. Giờ đây, đối tượng tham gia có xu hướng trẻ hơn, bao gồm cả những người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, một số ngôi đền Phật giáo này đã bị chỉ trích vì thu lợi từ những khóa tu này.
Hyerang Sunim nói: “Tất nhiên là có những lo ngại, nhưng tôi nghĩ những lợi ích mà hoạt động này mang lại nhiều hơn. Trước đây, chúng ta hiếm khi thấy những người trẻ tuổi chủ động đến và tìm hiểu giáo lý Phật giáo. Nhưng hiện tại, họ đang nhận được rất nhiều thứ từ những hoạt động tương tác và thiền định tại ngôi đền này”.
Cần phải thay đổi...
Lee Hye-ri đã tham dự một khóa tu Phật giáo sau khi áp lực công việc trở nên quá nặng nề. Người phụ nữ này chia sẻ rằng cô đã học được cách chịu trách nhiệm với những áp lực của mình. Cô nói: “Mọi thứ bắt đầu từ tôi và tất cả vấn đề đều bắt đầu từ bản thân tôi. Đó là những gì tôi đã hiểu được khi đến đây”.
Nhưng tìm ra giải pháp để giải quyết những áp lực này có thể là một vấn đề. Một số người tin rằng thiền định hoặc thư giãn không thể giải quyết vấn đề và nguyên nhân gây ra tình trạng này là do văn hóa làm việc không hợp lý và áp lực xã hội. Họ nghĩ rằng giải pháp hợp lý chỉ có thể thông qua những thay đổi cơ bản với xã hội.
Ji-Eun đã bị mất ngủ và căng thẳng đến mức phải nghỉ việc. Giờ đây, cô đã làm việc theo giờ giấc hợp lý hơn với tư cách là một freelancer. Đại dịch cũng giúp cô có nhiều thời gian làm việc tại nhà. Ji-Eun đã tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp tại phòng khám hỗ trợ giấc ngủ của bác sĩ Lee để kiểm soát chứng mất ngủ của mình.
“Làm việc chăm chỉ đến nỗi chịu áp lực không đem lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta nên dành thời gian để thư giãn”, Ji-Eun chia sẻ.
Theo Hải Vân/Báo Tin tức