|
Ngày 23-24/3/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine, tập trung vào tình hình nhân đạo. Ảnh: TTXVN/phát |
Theo phóng viên TTXVN tại New York, nghị quyết do Ukraine đưa ra và được hơn 100 nước thành viên LHQ bảo trợ là nghị quyết thứ hai được thông qua trong tháng 3 này tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt lần thứ 11 do ĐHĐ LHQ tổ chức.
Các nước thành viên LHQ hy vọng nghị quyết thứ hai, cùng với nghị quyết thứ nhất thông qua hôm 2/3 vừa qua, sẽ tác động tích cực thúc đẩy các bên đối thoại có kết quả thực chất và sớm tiến tới đạt được giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng nghị quyết phản ảnh một chiều những gì đang xảy ra, không đề cập nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng hoảng.
Cũng tại phiên họp này, Đại sứ Ukraine tại LHQ, Sergiy Kyslytsya, đã chia sẻ về tình hình khủng hoảng tại Ukraine và bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ có những hỗ trợ đột phá, kịp thời cho người dân đất nước ông cũng như ngăn ngừa hậu quả khủng hoảng lan ra trên toàn thế giới.
Đại sứ Olof Skoog, Trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ cho biết các nước EU hiện đang để ngỏ biên giới để tiếp nhận những người chạy từ Ukraine sang lánh nạn, bất kể quốc tịch, dân tộc hay tôn giáo.
Đại sứ Ba Lan tại LHQ Joanna Skoczek cảnh báo những hậu quả do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong nước Ukraine. Hiện khoảng 2,2 triệu người Ukraine đã di cư tới Ba Lan để tránh chiến tranh.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế chống lại cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine.
Các nghị quyết của ĐHĐ LHQ gồm 193 nước thành viên không có tính ràng buộc, nhưng có sức nặng về mặt chính trị.
Theo Hải Vân - Quang Huy (TTXVN)