Dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 hôm 1/4 tiếp tục lây lan mạnh, cướp đi hàng nghìn sinh mạng trên khắp thế giới. Đặc biệt trong số các nạn nhân ngày 1/4 có một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi. Đây cũng là một trong những nạn nhân trẻ tuổi nhất trên tổng số hơn 47.000 người tử vong do đại dịch Covid-19.
|
Nhân viên y tế (trái) chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Italy. Ảnh: France24. |
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã phải thừa nhận, hành tinh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi thể chế đa phương lớn nhất thế giới này thành lập cách đây 75 năm.
Thế giới hiện ghi nhận tổng cộng hơn 930.000 ca mắc Covid-19, trong đó Mỹ chiếm tới gần 1/4. Bất chấp các biện pháp cách ly được áp dụng đối với gần một nửa dân số toàn cầu, song tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 dường như vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Hơn 13.000 người tử vong tại Italy, 9.000 người tại Tây Ban Nha, 4.500 người tại Mỹ hay 4.000 người tại Pháp, có thể nói thế giới chưa bao giờ phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng y tế cướp đi nhiều sinh mạng như vậy.
Sau trường hợp của trẻ sơ sinh 9 tháng tuổi tại Chicago và một trẻ 13 tuổi tại Anh, thì cái chết ngày 1/4 của một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi tại bang Connecticut đặc biệt gây chấn động, bởi trẻ em dường như tới nay vẫn là đối tượng ít chịu tác động nhất của virus SARS-CoV-2.
Thống đốc bang Tây Bắc nước Mỹ này, ông Ned Lamont đã phải thốt lên: “Thật đau lòng”.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thì bày tỏ lo ngại sâu sắc khi chứng kiến sự gia tăng “gần như theo cấp số nhân” của các ca mắc Covid-19: “Trong 5 tuần qua, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng có thể nói là theo cấp số nhân của số ca mắc mới. Dịch bệnh đã lây lan ra hầu hết mọi quốc gia, lãnh thổ và khu vực, trong khi số ca tử vong cũng tăng hơn gấp đôi trong tuần qua. Trong vài ngày tới, số ca mắc chắc chắn sẽ vượt con số 1 triệu và số ca tử vong vượt 50.000 người”.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi người dân chuẩn bị cho những tuần “rất khốc liệt” ở phía trước. Xứ cờ hoa đang trở thành tâm dịch tiếp theo sau châu Âu và chính phủ Mỹ dự báo, Covid-19 có thể cướp đi sinh mạng từ 100.000 đến 240.000 người tại nước này.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha đã vươn lên dẫn đầu về số ca tử vong mới trong ngày do Covid-19 khi phải chứng kiến thêm 864 ca tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Chính quyền nước này lo ngại nguy cơ quá tải số ca cần chăm sóc đặc biệt, trong bối cảnh năng lực đáp ứng y tế bị hạn chế. Tuy nhiên tín hiệu tích cực là số ca nhập viện cấp cứu đã giảm và theo Trung tâm khẩn cấp y tế Tây Ban Nha, dường như nước này đã qua giai đoạn đỉnh dịch và số ca mắc mới đang trên đà giảm.
Tại Italy, dù cũng giống như nước láng giềng Tây Ban Nha khi chứng kiến thêm một ngày số ca nhiễm mới giảm, song vấn đề gây lo ngại nhất lúc này lại là chính ở những bệnh nhân đang hồi phục. Nhiều người trong số này đã rời viện ngay khi bệnh tình không còn đe dọa tính mạng dù vẫn có khả năng lây truyền virus cho những người khác. Chủ tịch Hiệp hội Lão khoa Italy Antonelli Incalzi cảnh báo, trong một cuộc chiến như hiện nay, thì chúng ta không thể cho phép sự xuất hiện của những ổ dịch mới có nguy cơ biến các trung tâm hồi sức thành “một quả bom virus” lây truyền cho những người khác.
Chậm chân hơn các quốc gia láng giềng châu Âu khác trong thực hiện biện pháp cách ly người dân, chính phủ Anh hôm 1/4 chứng kiến một ngày gia tăng mạnh số ca tử vong mới, với hơn 560 ca, nâng tổng số ca tử vong tại nước lên 2.000 người.
Trong phát biểu gửi tới người dân ngay tối qua, người đứng đầu chính phủ Anh bày tỏ tin tưởng đất nước sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này: “Chúng ta vừa trải qua một ngày buồn, với hơn 560 ca tử vong mới, một con số kỷ lục theo ngày. Nhưng hãy tin tưởng một điều rằng nếu tiếp tục các biện pháp đang triển khai hiện nay, nếu tiếp tục tuân thủ các quy định đặt ra, thì chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong những tuần và những tháng tới”.
Để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, hơn 3,75 tỷ người (48% dân số toàn cầu) đã được kêu gọi hoặc bắt buộc cách ly tại nhà. Trong khi vẫn chưa có vaccine hay phương pháp điều trị, thì đây vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất và được nhiều nước triển khai từ những quốc gia phát triển như Mỹ hay Italy, Tây Ban Nha, đến những quốc gia châu Phi kém phát triển hơn như SierraLeone.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 1/4 thừa nhận, hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi thể chế đa phương lớn nhất thế giới này thành lập cách đây 75 năm. Ông đồng thời cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ kép của một dịch bệnh đe dọa toàn thế giới và tác động kinh tế có thể dẫn tới một cuộc suy thoái chưa từng có./.
Theo Thu Hoài/VOV1