|
Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới lên tới trên 27.000 ca trong ngày 2/5. Ảnh: AP |
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 27.363 ca mắc và 1.537 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.158.393 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 67.290 trường hợp.
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 là 245.567 sau khi ghi nhận thêm 2.588 trường hợp trong ngày 2/5. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 25.100 sau khi ghi nhận thêm 276 trường hợp trong ngày 2/5.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 2/5 cho biết, Chính phủ nước này sẽ sớm thông qua 1 khoản ngân sách trị giá 16 tỷ Euro, tương đương 17,57 tỷ USD để giúp chính quyền các địa phương đối phó với những thiệt hại kinh tế và xã hội từ dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo Thủ tướng Tây Ban Nha, từ ngày 4/5 tới, việc đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc đối với người dân nước này khi họ di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Việc bắt buộc người dân đeo khẩu trang được đưa ra sau khi Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các hạn chế xã hội trong việc phòng bệnh, khi bắt đầu từ ngày 2/5, người dân được tự do ra đường, để đi dạo và chơi thể thao.
Italy ngày 2/5 ghi nhận thêm 1.900 ca mắc mới và 474 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 209.328, trong đó có 28.710 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha nhưng là nước có số ca tử vong do dịch bệnh này cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 2/5 là 168.396 sau khi ghi nhận thêm 1.050 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 166, nâng tổng số ca tử vong lên 24.760.
Mặc dù các chỉ số liên quan dịch Covid-19 đang có xu hướng tích cực, nhưng xét về tổng thể, Pháp vẫn đang trong tình trạng y tế đặc biệt. Số ca bệnh nhiễm Sars-CoV-2 hiện phải điều trị tại bệnh viện là hơn 25.800 ca. Số ca chuyển biến nặng, phải cấp cứu là hơn 3.800 ca.
Thống kê trong các phòng hồi sức cấp cứu cho thấy, số người nhập viện cấp cứu vì tất cả các nguyên nhân đang là hơn 6.400 người. Con số này vẫn còn vượt quá khả năng vốn có của nước Pháp là 5.000 giường bệnh cấp cứu trên toàn quốc. Ở một số vùng, số người bệnh cấp cứu vì Covid-19 vẫn rất cao, đặc biệt là Thủ đô Paris và các tỉnh lân cận, nơi chiếm tới khoảng 41% số ca cấp cứu vì Covid-19 trên toàn quốc.
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, nước Pháp sẽ bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc. Tuy nhiên, trước tình hình y tế vẫn còn khó khăn, phức tạp, Chính phủ nước này quyết định sẽ kéo dài tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng nữa.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2/5, Bộ trưởng Y tế Pháp - ông Olivier Véran cho biết, theo ý kiến đồng thuận của Hội đồng khoa học, dự Luật được đệ trình trong phiên làm việc sáng 2/5 của Hội đồng Bộ trưởng, đề xuất gia hạn tình trạng y tế khẩn cấp thêm 2 tháng, tới ngày 24/7.
Số ca mắc Covid-19 tại Đức đã là 164.967 trường hợp. Cụ thể, ngày 2/5 nước này ghi nhận thêm 890 ca mắc mới và 76 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Đức hiện tại là 164.967 trong đó có 6.812 ca tử vong.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/5 khẳng định, nước này sẽ đóng góp “tài chính đáng kể”, để đảm bảo rằng, vaccine Covid-19 một khi được phát triển sẽ được sản xuất hàng loạt để có thể tới tay được tất cả mọi người.
“Ngày nay, vẫn cần khoảng 8 tỷ euro để phát triển vaccine. Đồng thời chúng ta phải tạo điều kiện để đảm bảo rằng số lượng lớn vaccine có thể được sản xuất ngay lập tức khi được phát triển.
Đó là lý do tại sao cần một liên minh đủ lớn để cam kết thực hiện công việc này vào ngày 4/5 tới. Hiện cần rất nhiều sự đóng góp để có tài chính sản xuất vaccine, thuốc điều trị và cả những công cụ chẩn đoán.
Đức sẽ có đóng góp tài chính đáng kể. Chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới, vốn đóng vai trò then chốt ở đây. Chúng tôi khẳng định rằng, chỉ có hành động chung - hành động đa phương và quốc tế - mới có thể giúp chúng ta vượt qua đại dịch này”, bà Merkel khẳng định.
Anh cũng thêm 4.806 ca mắc và 621 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 2/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 182.260 trường hợp, trong đó 28.131 ca tử vong.
Với tốc độ này, dự đoán trong ngày hôm nay (3/5), hoặc chậm nhất là ngày mai (4/5), Anh sẽ vượt qua Italy để trở thành quốc gia có số nạn nhân Covid-19 cao nhất châu Âu và cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Ngoài số ca tử vong, số lượng người nhiễm bệnh tại Anh dự tính cũng sẽ gia tăng nhanh chóng, sau khi Chính phủ Anh đạt được năng lực tiến hành 100.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Những con số này đang tạo áp lực rất lớn lên Chính phủ Anh, bởi theo giới chuyên gia, điều này cho thấy là Chính phủ Anh đã lựa chọn chiến lược sai lầm trong giai đoạn đầu của đại dịch.
So với các nước khác tại châu Âu, Anh là một trong nước cuối cùng áp đặt lệnh phong toả để ngăn chặn virus lây lan, dù nhiều người đã cảnh báo rằng, việc Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson lựa chọn chiến lược “miễn dịch cộng đồng” có thể khiến vài trăm ngàn người Anh thiệt mạng.
Do việc hành động chậm trễ, Chính phủ Anh cũng đã không đạt được mục tiêu hạn chế số nạn nhân thiệt mạng dưới mức 20.000 người đã đề ra giữa tháng 3. Các tính toán cho thấy, tổng số nạn nhân Covid-19 tại Anh có thể lên tới khoảng 36.000 – 40.000 người.
Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 96.448 sau khi ghi nhận thêm 802 trường hợp trong ngày 2/5. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 6.156 trường hợp.
Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 9.623 ca mắc và 34 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 124.375 trường hợp, trong đó 1.222 trường hợp tử vong.
Tâm dịch Moscow đã ghi nhận tổng cộng 62.658 ca mắc, trong đó có 5.358 ca mắc mới. Thị trưởng thành phố Moscow, ông Sergei Sobyanin cho biết số ca mắc Covid-19 thực tế ở thủ đô là khoảng 2% dân số trong tổng số hơn 12,6 triệu người.
Trong bối cảnh số ca mắc mới tiếp tục tăng lên, còn tỷ lệ các ca hồi phục thấp, chính quyền thành phố Moscow quyết định sẽ trưng dụng các bệnh viện thành phố, bệnh viện liên bang và các cơ sở y tế tư nhân làm bệnh viện dã chiến nhằm bổ sung thêm 10.000 giường bệnh cho công tác điều trị Covid-19.
Người dân được khuyến cáo sử dụng khẩu trang và găng tay khi di chuyển trên tàu điện ngầm, phương tiện công cộng được sử dụng phổ biến nhất tại thủ đô.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.875 trường hợp, trong đó có 4.633 ca tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới.
Số ca mắc Covid-19 tại các nước châu Á khác vẫn tiếp tục tăng.
Ấn Độ và Hàn Quốc có số ca mắc Covid-19 lần lượt là 39.699 và 10.780.
Trong khi đó, Philippines hiện đã có 8.928 ca mắc, trong đó có 603 ca tử vong. Các con số này ở Malaysia lần lượt là 6.176 và 105, ở Indonesia là 10.843 và 831, ở Singapore là 17.548 và 17./.