Cắt giảm thuế quy mô lớn
Tại cuộc họp báo ngày 15/3, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Khóa XIII, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết, Trung Quốc sẽ thực hiện kế hoạch cắt giảm thuế và phí trên quy mô lớn trong năm nay, nhằm ngăn chặn xu thế tăng trưởng chậm lại. Trong báo cáo hoạt động của Chính phủ năm nay, Trung Quốc cam kết thực hiện cắt giảm thuế và phí trị giá 2.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 297,5 tỷ USD) và cải thiện điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, như một trong những biện pháp chủ chốt nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, những biện pháp này sẽ giúp hơn 100 triệu thực thể trong thị trường nước này. Qua đó, Trung Quốc có thể duy trì hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Nhằm thực hiện các biện pháp trên, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải siết chặt ngân sách nhằm bảo đảm chi trả cho những lĩnh vực ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong bối cảnh cắt giảm thuế, phí sẽ đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách giảm. Trung Quốc dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho ngân sách công, tăng thu nhập từ lợi nhuận từ các tổ chức tài chính nhất định và các doanh nghiệp nhà nước do Trung ương kiểm soát.
Theo các nhà kinh tế, kế hoạch cắt giảm thuế, phí quy mô lớn của Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước 0,46 điểm phần trăm. Wang Jian, một nhà kinh tế tại Thượng Hải của Shenwan Hongyuan Group nhận định, giảm thuế gần như là cách duy nhất để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp tư nhân, giúp giải quyết những lo lắng chính trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chững lại.
Tháng 5 năm ngoái, Chính phủ nước này đã cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với các ngành sản xuất, vận chuyển, xây dựng, viễn thông và nông sản, sau đó là cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và đưa ra các khoản khấu trừ. Đầu năm 2019, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế hàng năm trị giá 29 tỷ USD cho các công ty nhỏ.
Sức ép từ giảm tốc
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kéo dài giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III.2018 đã giảm tốc xuống 6,5%, mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong “phạm vi hợp lý” vào năm 2019, phù hợp với quyết tâm của Chính phủ trong việc “không để các chỉ số kinh tế vượt ra ngoài phạm vi cho phép”. Tại cuộc họp báo ngày 15/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận, Trung Quốc đang đối mặt với áp lực mới từ sự giảm tốc của nền kinh tế và cần có những phản ứng mạnh mẽ nhằm đối phó với đà suy giảm.
Để tránh đà suy giảm mạnh mẽ, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp chính sách trong năm nay, bao gồm bốn đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ để tăng cường cho vay, cùng với việc áp thuế và phí thấp hơn, đồng thời chuyển sang hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng. Cho đến nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã kiềm chế cắt giảm lãi suất chuẩn bởi ngân hàng trung ương nhận thấy việc cắt giảm này sẽ làm suy yếu nỗ lực của họ nhằm kìm hãm tình trạng nợ chồng chất và gia tăng áp lực lên đồng nhân dân tệ. Thay vào đó, tuần trước PBOC đã tung ra mục tiêu cho vay trung hạn mới nhằm cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Việc Trung Quốc khẳng định bám sát kế hoạch cắt giảm thuế, phí quy mô lớn như biện pháp chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã giúp loại bỏ nhiều đồn đoán về khả năng Bắc Kinh có thể tung ra biện pháp kích thích khổng lồ vào năm 2019. Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, việc không dùng biện pháp kích thích “ồ ạt như lũ” có thể hiệu quả trong ngắn hạn nhưng đi kèm nhiều tác dụng phụ, do đó không được khuyến khích.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn dành chỗ cho những chính sách tài chính và tiền tệ nhằm đối phó với nguy cơ bất ổn về kinh tế trong năm nay. Trung Quốc có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng cũng như lãi suất và một số công cụ khác. Ông Lý Khắc Cường cho biết, những phương án này nhằm bảo đảm nền kinh tế nhận được sự hỗ trợ hiệu quả hơn; đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ xem xét các biện pháp cả ngắn hạn và dài hạn nhằm duy trì ổn định kinh tế.
Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi trong cách tiếp cận của Bắc Kinh được thúc đẩy chủ yếu bởi khối nợ Trung Quốc, khiến việc tài trợ phung phí các dự án và đường sắt gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đặt câu hỏi, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và cuộc chiến thương mại với Mỹ, không rõ cách tiếp cận mới này có đủ để ổn định nền kinh tế hay không? Số liệu cho thấy các biện pháp áp thuế của Mỹ lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lên kinh tế Trung Quốc. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc bắt đầu cho thấy sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu tính tới tháng 11.2018. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng HSBC dự báo, cuộc chiến thương mại leo thang có thể lấy đi 0,7 - 0,8% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019. Theo khảo sát các nhà kinh tế Trung Quốc mới nhất của Nikkei, tăng trưởng kinh tế của nước này được dự báo sẽ giảm xuống mức 6,2% trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2018.
Theo Nhật An/Báo Đại biểu Nhân dân