Phán quyết được mong đợi
Phản ứng trước phán quyết trên, Tổng thống Donald Trump ca ngợi, đây là phán quyết tuyệt vời cho nước Mỹ, cho phép nước này có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, ông Donald Trump cho rằng, phán quyết này không bất ngờ mà đã được ông tiên đoán từ lâu. Giờ đây Quốc hội cần phải thông qua một đạo luật mạnh mẽ nhằm cung cấp chương trình chăm sóc sức khỏe cho những người có tiền sử về vấn đề sức khỏe.
Theo phán quyết của thẩm phán Reed O’Connor tại Tòa án liên bang quận Fort Worth, bang Texas, ngày 14.12, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền vi hiến khi có điều khoản quy định cá nhân có nghĩa vụ mua bảo hiểm. Thẩm phán O’Connor cho rằng, luật thuế sửa đổi được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2017 đã xóa bỏ việc phạt tiền những người không có bảo hiểm y tế, do đó, toàn bộ đạo luật Obamacare mất hiệu lực pháp lý. Phán quyết được đưa ra trong vụ kiện do một nhóm gồm các thống đốc bang và tổng chưởng lý, đều là thành viên thuộc đảng Cộng hòa đâm đơn nhằm thách thức Obamacare.
Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm đảo ngược hoặc thay thế Obamacare. Phán quyết của tòa được đưa ra ngay trước khi thời hạn đăng ký mua bảo hiểm y tế theo chương trình Obamacare cho năm 2019 hết hạn vào ngày 15.12. Vì vậy, đây là đòn giáng mạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Obamacare, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho những người đã, đang hoặc sắp tham gia chương trình này. Báo New York Times cho biết, số lượng người đăng ký tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare tại 39 bang thông qua cổng HealthCare.gov năm nay đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Seema Verma, quản trị viên đương nhiệm của các Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid trấn an dư luận, phán quyết về đạo luật Obamacare chưa có hiệu lực và chương trình chăm sóc sức khỏe này hiện không thay đổi gì.
Cuộc chiến pháp lý
Đạo luật Obamacare nhằm giúp khoảng 20 triệu người dân Mỹ có bảo hiểm y tế. Kể từ khi được triển khai, Obamacare đã giúp giảm tỷ lệ người trưởng thành không phải người cao tuổi ở Mỹ không có bảo hiểm y tế từ 18,2% xuống 10,3% trong 8 năm. Tuy nhiên, đây cũng là đạo luật về chăm sóc sức khỏe gây nhiều tranh cãi ở Mỹ, do điều khoản về nghĩa vụ cá nhân của đạo luật này quy định những công dân Mỹ không mua bảo hiểm y tế sẽ bị phạt tiền. Bên cạnh đó, Obamacare khuyến khích chính quyền các bang mở rộng diện được cấp bảo hiểm Medicaid sang các đối tượng nghèo, sử dụng nguồn trợ cấp của chính phủ liên bang. Một trong những chi tiết gây tranh cãi nhất của đạo luật này là việc các công ty bảo hiểm không được phép từ chối cấp bảo hiểm cho những người có tiền sử vấn đề về sức khỏe như ung thư, bệnh tim, tiểu đường… cũng như không được tăng phí bảo hiểm đối với những trường hợp này. Đạo luật này còn khiến những người có khả năng mua bảo hiểm trực tiếp từ nhà cung cấp phải mua với giá cao hơn, nhằm giúp chi trả cho các khoản trợ cấp dành cho những người nghèo hơn mua bảo hiểm từ những nguồn do chính phủ quản lý.
Các thành viên đảng Cộng hòa gọi đây là kiểu “tái phân phối thu nhập” giữa người giàu và người nghèo, đồng thời chỉ trích Obamacare can thiệp quá sâu vào quan hệ giữa người bệnh và bác sĩ. Theo số liệu của Statista, số tiền mỗi người Mỹ chi trả cho các dịch vụ y tế là cao nhất trên thế giới và từ lâu đã có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống chăm sóc y tế của nước này cần phải được cải cách.
Phán quyết của thẩm phán tòa án liên bang ở Texas sẽ không chỉ chấm dứt phạm vi bao phủ của ACA đối với những người có một số vấn đề về sức khỏe trước khi tham gia bảo hiểm, mà còn loại bỏ việc bảo đảm người tham gia bảo hiểm được hưởng những quyền lợi về chăm sóc sức khỏe mà đạo luật này cho là cần thiết như dịch vụ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe thai sản, chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, chăm sóc trẻ em, điều trị các bệnh tâm thần, lạm dụng thuốc hay chất kích thích…
Giới quan sát cho rằng, phán quyết này khơi mào cho cuộc chiến pháp lý giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa xung quanh đạo luật Obamacare. Ngay sau khi có phán quyết, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã lập tức chỉ trích quyết định này và tuyên bố sẽ gửi kháng cáo lên Tòa án Tối cao. Lãnh đạo đảng Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi chỉ trích, phán quyết này là đòn tấn công của đảng Cộng hòa nhằm vào hệ thống y tế hợp túi tiền của đất nước. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy, thành viên Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Trợ cấp lương hưu của Thượng viện chỉ trích, những người chống lại chương trình chăm sóc sức khỏe trong đảng Cộng hòa đang cố tình ngăn cản người lao động nghèo tiếp cận chăm sóc y tế, tăng chi phí bảo hiểm cho người cao tuổi và làm cho việc sở hữu bảo hiểm khó khăn hơn với những người mang bệnh từ trước. Trong phán quyết năm 2012, 5/9 thẩm phán tại Tòa án Tối cao đã ủng hộ việc duy trì Obamacare và những người này hiện vẫn còn đương chức. Nói với các phóng viên tại Virginia ngày 15.12, Tổng thống Donald Trump cho biết, đảng Cộng hòa sẽ thảo luận với đảng Dân chủ về vấn đề này nếu Tòa án Tối cao duy trì phán quyết trên.
Theo Ngọc Khánh/Báo Đại biểu Nhân dân