Sự gia tăng đáng kinh ngạc của các công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, ô tô điện và máy bơm nhiệt đang định hình lại cách chúng ta cung cấp và sử dụng năng lượng, từ nhà máy, phương tiện giao thông đến các thiết bị gia dụng và hệ thống sưởi ấm.
Hệ thống quang điện sẽ tạo ra nhiều điện năng hơn toàn bộ hệ thống điện của Hoa Kỳ hiện nay; thị phần năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 30% sẽ dần tăng lên tới 50%; máy bơm nhiệt và các hệ thống sưởi ấm bằng điện khác sẽ bán chạy hơn nồi hơi đốt nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu và các khoản đầu tư vào các dự án mới về điện gió ngoài khơi nhiều gấp ba lần so với các nhà máy điện đốt than và khí đốt.
Tất cả những thay đổi này chỉ dựa trên những chính sách mà các chính phủ trên toàn thế giới thiết lập. Nếu các quốc gia thực hiện đầy đủ và đúng hạn các cam kết về năng lượng và khí hậu thì tiến trình năng lượng sạch sẽ diễn ra nhanh hơn nữa. Tuy nhiên, vẫn cần các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để duy trì mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C. Sự kết hợp giữa động lực ngày càng mạnh mẽ đằng sau các công nghệ năng lượng sạch và sự thay đổi cơ cấu kinh tế trên toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, than, dầu và khí đốt tự nhiên.
Theo kịch bản mới, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch trong nguồn cung năng lượng toàn cầu, vốn duy trì trong nhiều thập kỷ qua ở mức khoảng 80% sẽ giảm xuống còn 73% vào năm 2030, lượng khí thải CO2 từ tiêu thụ năng lượng sẽ đạt đỉnh vào năm 2025.
Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới và không gì có thể ngăn cản được. Đây không còn là điều phải nghi ngờ, mà chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn. Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, các chính phủ, công ty và nhà đầu tư cần ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch thay vì cản trở chúng. Có những lợi ích to lớn đang chờ đợi chúng ta như các cơ hội việc làm mới, an ninh năng lượng đảm bảo hơn, không khí trong lành hơn, khí hậu ổn định hơn và khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu dễ dàng hơn. Xem xét đến những căng thẳng và biến động đang diễn ra trên thị trường năng lượng truyền thống hiện nay, những tuyên bố rằng dầu khí là lựa chọn an toàn hoặc bảo đảm cho tương lai năng lượng và khí hậu toàn cầu có vẻ đã bị lung lay.
|
Cần giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. |
Theo tình hình hiện nay, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức quá cao để có thể đạt được mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris, cụ thể là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5°C. Điều này không chỉ có nguy cơ làm trầm trọng thêm tác động của khí hậu sau một năm nhiệt độ tăng cao kỷ lục, mà còn làm suy yếu an ninh của hệ thống năng lượng vốn được xây dựng để đảm bảo khí hậu ổn định và hạn chế những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Việc uốn đường cong phát thải theo hướng phù hợp nhằm đạt mục tiêu của Thỏa thuận vẫn có khả năng thực hiện được, dù có nhiều khó khăn và thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Mặc dù, năng lượng sạch đang ghi nhận những tăng trưởng ấn tượng nhờ vào những chính sách thúc đẩy hiện nay, lượng khí thải toàn cầu vẫn ở mức cao, đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên khoảng 2,4°C trong thế kỷ này, cao hơn nhiều so với ngưỡng được nêu trong Thỏa thuận chung Paris.
Để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Thỏa thuận chung Paris, quá trình chuyển đổi năng lượng trở thành một cuộc đại tu hệ thống. Các báo cáo khuyến nghị giải pháp khả dụng để đạt 8.000 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030 từ mức 2.800 GW hiện tại và tăng tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng trung bình hàng năm từ mức hiện tại là 0,8% lên 3%. Đến năm 2025, 100 quốc gia cần thiết lập mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo và không mở thêm nhà máy nhiệt điện than mới nào trên toàn cầu. Tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp sẽ giảm từ 60% hiện tại xuống còn 30% vào năm 2030.
Báo cáo Triển vọng năng lượng toàn cầu cũng đưa ra đề xuất về một chiến lược trên diện rộng để đưa thế giới đi đúng hướng vào năm 2030, đây cũng là cơ sở quan trọng cho thành công của hội nghị Biến đổi khí hậu COP28 diễn ra vào cuối năm 2023 tại Dubai, 5 trụ cột chính bao gồm: tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn thế giới; tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả năng lượng; cắt giảm 75% lượng khí thải mê-tan từ các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch; các cơ chế tài chính sáng tạo trên quy mô lớn đảm bảo tăng gấp ba lần đầu tư cho năng lượng sạch ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; các biện pháp đảm bảo giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách có trật tự, bao gồm việc chấm dứt việc phê duyệt mới các nhà máy nhiệt điện than.
Mỗi quốc gia cần tìm con đường riêng cho mình, đồng thời hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Tốc độ giảm phát thải sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng đầu tư cho các giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu về năng lượng ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế đang phát triển nhanh trên thế giới.
Thị trường khí đốt tự nhiên bị chi phối bởi những xung đột vũ trang và giá tăng đột biến sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cho châu Âu và cán cân thị trường vẫn bấp bênh. Nhưng sự gia tăng chưa từng có của các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2025 có khả năng bổ sung thêm hơn 250 tỷ m3 công suất mới mỗi năm tính tới năm 2030, tương đương với khoảng 45% tổng nguồn cung LNG toàn cầu hiện nay.
Sự gia tăng mạnh mẽ về công suất khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ làm giảm bớt lo ngại về giá cả và nguồn cung khí đốt, nhưng cũng có nguy cơ tạo ra tình trạng dư cung vì nhu cầu khí đốt toàn cầu đã tăng trưởng chậm lại đáng kể từ thời kỳ hoàng kim trong những năm 2010. Do đó, Nga sẽ có rất ít cơ hội để mở rộng cơ sở khách hàng. Thị phần khí đốt được giao dịch quốc tế của quốc gia này đạt 30% trong năm 2021 sẽ giảm xuống còn một nửa vào năm 2030.
Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến xu hướng năng lượng toàn cầu đang trải qua một sự thay đổi lớn khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và trải qua những biến đổi về mặt cấu trúc. Dự báo nhu cầu năng lượng của quốc gia đông dân thứ hai thế giới sẽ đạt đỉnh vào khoảng giữa thập kỷ này, với sự tăng trưởng năng động liên tục về năng lượng sạch khiến nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch và lượng khí phát thải của Trung Quốc cũng giảm xuống.
Theo Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol, mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng điện tái tạo vào cuối thập kỷ này là tham vọng có thể đạt được khi các chính phủ nhanh chóng biến lời hứa thành kế hoạch hành động. IEA nhận thấy, các chính phủ cần đưa các mục tiêu và chính sách về năng lượng tái tạo vào kế hoạch hành động quốc gia.
Nghiên cứu về tiêu chuẩn vàng cho năng lượng toàn cầu của IEA đã phân tích chính sách và mục tiêu của gần 150 quốc gia và phát hiện ra rằng hiệu quả từ những chính sách này là khoảng 8.000 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Con số này chiếm khoảng 70% mức công suất cần thiết để đạt được 11.000 GW, tương đương với mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng điện tái tạo đã được các quốc gia thống nhất tại COP28. Năng lượng mặt trời chiếm khoảng một nửa công suất mà các chính phủ đang có kế hoạch lắp đặt, trong khi năng lượng gió chiếm khoảng một phần tư.
Các khoản đầu tư hàng năm khoảng 35 tỷ USD có thể mang lại quyền tiếp cận điện năng cho 759 triệu người hiện đang thiếu điện từ nay tới năm 2030. Khoản đầu tư cần thiết chi chiếm một phần nhỏ trong tổng số tiền đầu tư năng lượng toàn cầu lên tới hàng nghìn tỷ USD, nhưng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho một phần ba dân số thế giới. Báo cáo Triển vọng năng lượng toàn cầu nhấn mạnh việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ sạch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Các quốc gia cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sự phát triển bền vững, đảm bảo nguồn năng lượng sạch và bền vững sẽ trở thành nền tảng cho tương lai.
Trong tương lai, thế giới đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Những quyết định và hành động được thực hiện trong thập kỷ tới sẽ quyết định hướng đi của hệ thống năng lượng toàn cầu và khả năng đạt được các mục tiêu khí hậu quan trọng. Sự hợp tác quốc tế, đầu tư sáng tạo và cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng toàn cầu là yếu tố quyết định cho sự thành công của quá trình chuyển đổi này. Nếu chúng ta hành động kịp thời và quyết liệt, một tương lai bền vững với năng lượng sạch, khí hậu ổn định và môi trường sống tốt đẹp hơn sẽ trở thành hiện thực.
Hồng Nhung biên dịch