|
Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
|
Bài báo dẫn nhận định của nhà kinh tế Nouriel Roubini cho rằng cuộc suy thoái “lâu dài và đáng sợ” đang ở phía trước và không thể tránh khỏi các rủi ro mang tính hệ thống mới trong nền kinh tế toàn cầu. Nhà kinh tế Nouriel Roubini là người từng dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bên cạnh đó, hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra và năm 2023 sẽ chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế. Theo IMF, 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải chứng kiến sự suy giảm trong năm nay hoặc năm sau và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,7% vào năm 2023.
Các ông trùm kinh doanh như Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, cũng cảnh báo rằng người tiêu dùng và các doanh nghiệp nên chuẩn bị cho kịch bản kinh tế suy thoái.
Đặc biệt, nhiều quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng khó khăn cả về kinh tế và tài chính. Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất càng đổ thêm dầu vào lửa.
Theo Viện Tài chính quốc tế, tính đến tháng 6/2022, tổng nợ của 31 nền kinh tế mới nổi lên tới 98.800 tỷ USD, gấp 2,5 lần tổng GDP của các nền kinh tế này. Năm 2021, nợ toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục 303.000 tỷ USD. Cơn bão khủng hoảng nợ đang ập xuống Pakistan, Sri Lanka và một số quốc gia đang phát triển khác và điều này sẽ gây ra nhiều thách thức hơn về an ninh lương thực và năng lượng, thậm chí làm phát sinh bất ổn chính trị và xã hội cùng với các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Cuộc khủng hoảng hiện nay gắn liền với các xung đột địa chính trị đang xảy ra. Cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được giải quyết sớm, khiến tình hình an ninh toàn cầu thêm căng thẳng, kéo theo những biến động trên thị trường lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác. Hơn nữa, sự tin cậy chiến lược giữa các cường quốc đang suy giảm đáng kể.
Bài báo nhận định với dân số toàn cầu hiện vượt quá 8 tỷ người, xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có và đứng trước ngã 3 đường. Trong hoàn cảnh này, điều quan trọng tất yếu là Mỹ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, phải đưa quan hệ trở lại quỹ đạo lành mạnh và ổn định. Hai cường quốc nên rút kinh nghiệm từ các sự kiện ngoại giao lớn trong lịch sử, tránh rơi vào xung đột trực tiếp và cùng nhau giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. Cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bali, Indonesia hồi tháng 11 vừa qua có thể được coi là bước đầu tiên trong việc khôi phục quan hệ song phương.
Theo Bích Ngọc - Lê Ánh (TTXVN/Báo Tin tức)