|
Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 2,7% trong năm 2024. ẢNH: PSD GROUP |
Trong báo cáo được phát hành vào tháng 11/2023, OECD đã dự đoán tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ là 2,4% trong năm 2023, trước khi giảm xuống 1,5% vào năm 2024 và sau đó tăng nhẹ lên 1,7% vào năm 2025 do chính sách tiền tệ dự kiến sẽ được nới lỏng. Tại khu vực đồng Euro, nơi chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề bởi cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, cũng như khủng hoảng năng lượng, tăng trưởng GDP được dự đoán là 0,6% trong năm 2023, trước khi tăng lên 0,9% vào năm 2024 và 1,5% trong năm 2025. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 4,7% vào năm 2024 và đạt 4,2% trong năm 2025 do những căng thẳng đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình tiếp tục tăng cao.
Chỉ số Quản lý mua sắm toàn cầu cho thấy hoạt động công nghiệp toàn cầu đã giảm nhẹ trong một năm rưỡi qua, trong khi hoạt động dịch vụ toàn cầu đầy biến động lại bị đình trệ vào tháng 10 và tháng 11. Điểm yếu này có thể sẽ kéo dài đến đầu năm 2024 khi tác động hạn chế của việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giải quyết lạm phát trên toàn cầu được thể hiện đầy đủ. Diễn đàn Kinh tế thế giới dự báo một cuộc suy thoái ngắn ở Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2024 và tăng trưởng trì trệ sẽ diễn ra ở châu Âu. Trung Quốc cũng sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn đáng kể trong năm tới, tạo thêm lực cản cho tăng trưởng toàn cầu.
|
Tăng trưởng trì trệ tiếp tục diễn ra ở châu Âu. ẢNH: WEF |
Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng thấp và lạm phát tăng cao, dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm tới, chủ yếu là do chính sách tiền tệ thắt chặt trong hai năm qua. Lạm phát đã giảm so với mức đỉnh trong năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng rằng lạm phát sẽ trở về mức mục tiêu của ngân hàng trung ương vào năm 2025 ở hầu hết các nền kinh tế”. Về lâu dài, các dự báo của OECD cho thấy nợ công sẽ gia tăng đáng kể, một phần là do tốc độ tăng trưởng tiếp tục chậm lại. Cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để phục hồi lại không gian tài chính bằng cách thúc đẩy tăng trưởng. Để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn đòi hỏi tăng cạnh tranh, đầu tư cũng như cải thiện hợp tác đa phương nhằm giải quyết các thách thức chung, thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu và thực hiện hành động mang tính thay đổi về biến đổi khí hậu.
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của OECD cũng nêu bật một loạt các rủi ro, trong đó căng thẳng địa chính trị vẫn là nguyên nhân chính gây bất ổn ngày càng gia tăng sau khi xung đột giữa Hamas và Israel diễn ra. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự suy giảm tăng trưởng thương mại lâu dài, sự phục hồi theo chu kỳ của tăng trưởng thương mại được dự đoán có thể không thành hiện thực. Mặt khác, tiêu dùng tăng mạnh có thể thúc đẩy tăng trưởng nếu các hộ gia đình sử dụng nhiều hơn số tiền tiết kiệm tích lũy được kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, mặc dù điều này cũng có thể làm tăng lạm phát dai dẳng.
|
Chính sách tiền tệ thắt chặt có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế. ẢNH: REUTERS |
Những tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ đầu năm 2022 ngày càng thể hiện rõ rệt. Chính sách lãi suất đã đạt hoặc ở gần mức đỉnh ở hầu hết các nền kinh tế. Chính sách tiền tệ cần duy trì những hạn chế cho tới khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát có thể giảm xuống trong dài hạn. Dự kiến lãi suất sẽ không giảm xuống ở các nền kinh tế lớn trong năm tới. Có nhiều khả năng tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, lãi suất sẽ giảm nhưng điều kiện tài chính toàn cầu sẽ hạn chế tốc độ giảm này. Các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các thị trường mở cửa toàn diện, điều này sẽ dẫn đường cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. Chính sách tài khóa cần chuẩn bị cho những thách thức tiêu dùng dài hạn. Mặc dù điều kiện kinh tế vào đầu năm 2024 có thể tạo ra một môi trường đầy thách thức cho các doanh nghiệp, chính phủ, nhưng tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ cải thiện vào nửa cuối năm. Một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Brazil và Việt Nam đã bắt đầu giảm mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhiều nền kinh tế có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này cho phép tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu tăng tốc trở lại dự kiến lên 2,8% vào năm 2025.
Các nền kinh tế đang phát triển là nhân tố chính cho sự tăng trưởng bất ngờ trong năm 2023 thì các nền kinh tế phát triển chịu trách nhiệm chính cho sự sụt giảm tăng trưởng trong năm 2024. Thật vậy, tăng trưởng bất ngờ vào năm 2023 chủ yếu xuất phát từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tăng trưởng tăng tốc từ mức 3,9% trong năm 2022 lên mức dự kiến là 4,5% trong năm 2023. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ mất một phần động lực tăng trưởng này trong năm 2024. Trong khi đó, các nền kinh tế tiên tiến, ngoại trừ Hoa Kỳ mới trải qua năm 2023 khó khăn nhất, tăng trưởng GDP của nhóm này chậm lại từ mức cao là 3,1% vào năm 2022, xuống mức dự kiến là 0,9% năm 2023, mức dự báo 1% năm 2024.
Những thách thức chính đối với triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 vẫn thiên về các rủi ro lớn. Trong đó, rủi ro chính vẫn là lạm phát cao dự kiến kéo dài. Các ngân hàng trung ương tin tưởng rằng lạm phát đang đi đúng hướng, nhưng họ chưa đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát. Khả năng phục hồi thương mại trong nước và áp lực tăng lương do thiếu lao động vẫn sẽ là những thách thức đối với các ngân hàng trung ương trong nỗ lực kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu vào năm 2024.
Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị vẫn ở mức cao. Nguy cơ giá hàng hóa tăng cao do xung đột ở Trung Đông có thể đã giảm bớt phần nào, tuy nhiên, sự gián đoạn gần đây nhất ở tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng trên Biển Đỏ - tuyến đường dẫn vào kênh đào Suez vốn chiếm 12% thương mại toàn cầu đã cho thấy địa chính trị có tác động tức thì tới triển vọng kinh tế toàn cầu như thế nào. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan có thể ảnh hưởng tương tự đến các tuyến đường vận tải quan trọng qua Biển Đông. Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine có thể trở nên căng thẳng hơn, đè nặng lên triển vọng tăng trưởng vốn đã giảm sút ở châu Âu.
|
Hoạt động kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đi đúng hướng. ẢNH: WORLD BANK |
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoạt động kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đi đúng hướng, đóng góp khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023, bất chấp môi trường đầy thách thức do sự xoay vòng nhu cầu toàn cầu từ hàng hóa sang dịch vụ và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2023 là 4,6%, cao hơn mức 3,9% dự kiến trong năm ngoái và sẽ giảm xuống còn 4,2% trong năm 2024 do những khó khăn của thị trường bất động sản tại Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nhu cầu của toàn khu vực. Mức tăng trưởng 4,6% trong năm 2023 khiến châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm sáng về tăng trưởng trên toàn cầu. Đáng chú ý, tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) được dự báo là 4,2% trong năm 2023 và 4,6% vào năm 2024; điều chỉnh giảm 0,4 điểm phần trăm trong năm 2023 và 0,3 điểm phần trăm trong năm 2024 so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới do IMF công bố vào tháng 4 năm nay.
Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết: “Việc hạ mức xếp hạng không chỉ phản ánh kết quả tăng trưởng yếu hơn nhu cầu ngoài nước cũng đang suy yếu, nhu cầu trong nước ngày càng mờ nhạt do tiêu dùng giảm mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt”.
Tăng trưởng của Singapore trong năm 2023 được điều chỉnh giảm từ 1,5% xuống 1% do nhu cầu ngoài nước giảm. Tuy nhiên, IMF kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ tăng trong năm 2024 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động và duy trì mức dự báo là 2,1%.
Về lạm phát, IMF cho biết kỳ vọng lạm phát ở tất cả các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản sẽ nằm trong mục tiêu của ngân hàng trung ương vào cuối năm 2024.
Sự phục hồi chậm ở Trung Quốc dự kiến sẽ gây ra tác động tiêu cực tới các đối tác thương mại của quốc gia này, đặc biệt là những quốc gia có xuất khẩu liên quan mật thiết với đầu tư và nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc.
IMF cho biết việc thắt chặt tài chính đột ngột ở Hoa Kỳ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ làm gián đoạn tăng trưởng, đặc biệt là ở các nền kinh tế và lĩnh vực có đòn bẩy tài chính cao.
Mặc dù, dự kiến tăng trưởng ở Hoa Kỳ và Nhật Bản cao hơn nhưng lại ít tạo ra sự thúc đẩy nhu cầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với trước đây. Khi nhu cầu trên toàn cầu đang chuyển dần từ hàng hóa sang dịch vụ từ nước ngoài sang nội địa, lực cản về nhu cầu từ Trung Quốc đang có tác động rõ rệt hơn đối với các nền kinh tế trong khu vực.
Tăng trưởng trung hạn trong khu vực được dự báo sẽ giảm xuống 3,9%, chủ yếu do suy thoái cơ cấu ở Trung Quốc và sự giảm thiểu rủi ro giữa Trung Quốc và các nền kinh tế thuộc OECD, vốn đã cản trở tăng trưởng năng suất trên toàn khu vực.
Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng gia tăng trong khu vực bao gồm các hạn chế thương mại, giảm danh mục đầu tư xuyên biên giới và dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng như sự sẵn có của các khoáng sản quan trọng sẽ khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực thậm chí còn u ám hơn. Theo IMF, tăng cường hợp tác đa phương và giảm thiểu tác động của sự phân mảnh là rất quan trọng đối với triển vọng trung hạn của châu Á.
Báo cáo của OECD đã đưa ra một loạt các chính sách khuyến nghị, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục áp dụng các chính sách nhằm giảm lạm phát, phục hồi thương mại toàn cầu và điều chỉnh chính sách tài khóa để đáp ứng những thách thức dài hạn.
Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD cho biết: Các chính phủ thực sự cần bắt đầu đối diện với những thách thức ngày càng tăng về tài chính công, đặc biệt là từ dân số già và biến đổi khí hậu. Các chính phủ cũng cần chi tiêu thông minh hơn, các nhà hoạch định chính sách cần phải đưa ra các biện pháp hữu hiệu để kiềm chế áp lực tài chính hiện tại và trong tương lai, đồng thời duy trì đầu tư và xây dựng lại bộ đệm để ứng phó với những cú sốc trong tương lai.
Hồng Nhung biên dịch