|
Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại Sydney vào năm 2007. ẢNH: THE WEEK |
Giờ Trái đất là một dự án bảo tồn môi trường được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) thành lập, lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Sydney (Úc) vào lúc 7 giờ 30 phút tối ngày 31/3 (giờ địa phương), có 2,2 triệu người tham gia, đèn được tắt đi trong một giờ để thể hiện nhận thức của người dân đối với biến đổi khí hậu.
Một năm sau, sự kiện Giờ Trái đất đã thu hút 50 triệu người trên 35 quốc gia tham gia. Cầu Cổng Vàng và Đấu trường La Mã là 2 trong số những địa danh nổi tiếng thế giới thực hiện tắt tất cả đèn trong 60 phút. Từ năm 2009, sự kiện Giờ Trái đất đã phá vỡ mọi kỷ lục về số người tham gia đông đảo và trở thành một phong trào cơ sở vì môi trường lớn nhất thế giới.
Sự kiện năm 2010 được tổ chức 3 tháng, sau khi diễn ra Hội nghị Khí hậu COP15 của Liên hợp quốc tại Copenhagen, Hội nghị này bị coi là bước thụt lùi đối với các nỗ lực về khí hậu, Giờ Trái đất đã trở thành tâm điểm toàn cầu như lời kêu gọi vì một tương lai bền vững.
Năm 2012, Chiến dịch “I will if you will” (tôi và bạn cùng hành động) là một phần của sự kiện Giờ Trái đất như một bản kiến nghị do tổ chức WWF (Nga) đưa ra đã thu được hơn 122.000 chữ ký, nhờ đó Nga thông qua luật bảo vệ các vùng biển của quốc gia này khỏi ô nhiễm dầu, đánh dấu đạo luật đầu tiên do yêu cầu của người dân được khởi xướng bởi sự kiện Giờ Trái đất.
Nhờ sức ảnh hưởng của Giờ Trái đất, năm 2013 một khu bảo tồn biển rộng 3.4 triệu héc-ta đã được thành lập tại Argentina, một khu rừng rộng 2.700 héc-ta đã được trồng tại Uganda. Năm 2014, sau thành công của Chiến dịch Giờ Trái đất, quần đảo Galápagos - di sản thế giới được UNESCO công nhận, đã trở thành địa phương đầu tiên ở Ecuador cấm sử dụng túi nhựa và bao bì dùng một lần.
Vào năm 2015, nhờ tác động của Giờ Trái đất, nhiều vấn đề liên quan đến lập pháp tại nhiều khu vực cũng như quốc gia trên thế giới đã có những thay đổi tích cực. Cụ thể như giảm tiêu thụ năng lượng không tái tạo ở Brunei; thành lập Vườn quốc gia ở Malaysia; Nga đóng băng 10 năm các dự án khai thác dầu ở Bắc cực; Scotland và Thụy Sĩ tăng cường luật pháp liên quan đến biến đổi khí hậu và Uganda thắt chặt luật về chống phá rừng.
Năm 2016, tổ chức WWF-Tây Ban Nha đã thành công khi tổ chức sự kiện Giờ Trái đất ở quốc gia này thu hút hơn 50.000 người dân tham gia, đồng thời kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để duy trì cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris.
Sự kiện Giờ Trái đất tại Polynesia (Pháp) trong năm 2018 đã khơi dậy sự đồng thuận của dân chúng tạo áp lực tới chính phủ về bảo tồn hệ sinh thái biển. Nhờ đó, 5 triệu km2 Vùng đặc quyền kinh tế ở Nam Thái Bình Dương đã được phân loại là Khu vực biển được quản lý - giúp bảo tồn hệ sinh thái biển quan trọng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong năm 2019, Chiến dịch #Connect2Earth tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiên nhiên đối với sức khỏe, sự thịnh vượng và sự sống còn của nhân loại. Trên toàn cầu, những người ủng hộ môi trường được yêu cầu lên tiếng mạnh mẽ thông qua một đơn kiến nghị trực tuyến, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động ngay lập tức để bảo vệ thiên nhiên.
|
Chiến dịch được người dân toàn cầu hưởng ứng. ẢNH: CHINA DAILY |
Năm 2020, vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự kiện Giờ Trái đất đã phá vỡ kỷ lục người tham gia trên môi trường mạng và trở thành chiến dịch kỹ thuật số hoàn toàn lần đầu tiên được tổ chức. Sự kiện này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và thiệt hại tự nhiên vì sức khỏe của hành tinh cũng như sức khỏe của nhân loại. Trong khi thế giới vẫn phải đối mặt với những hạn chế liên quan đến đại dịch, người dân ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng đoàn kết để tổ chức Chiến dịch năm 2021 trên nền tảng kỹ thuật số, nâng cao tiếng nói vì thiên nhiên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tiêu điểm là những mối quan ngại như biến đổi khí hậu, thiệt hại về môi trường và sự gia tăng của đại dịch đã được chia sẻ trên 24.000 trang mạng xã hội bởi các tổ chức như Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), Liên hợp quốc và những người nổi tiếng như DJ Armin Van Burren, diễn viên Sofia Vergara…
Trong năm 2022, giữa những thách thức đang diễn ra trên khắp thế giới, từ đại dịch tới xung đột vũ trang, lũ lụt và bất ổn xã hội, Giờ Trái đất là cơ hội để mọi người đoàn kết, thể hiện quyết tâm chung đối với hành tinh và nhân loại. Hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia sự kiện, đạt kỷ lục hơn 10,1 tỷ lượt truy cập trên mạng xã hội và hơn 26.000 tiêu đề truyền thông về sự kiện. Và năm 2021, sau khi thế giới đạt “thỏa thuận lịch sử” để bảo vệ thiên nhiên khi các quốc gia đồng ý ký “hiệp ước hòa bình với thiên nhiên” nhằm đảo ngược hàng thập kỷ hủy hoại môi trường và hệ sinh thái toàn cầu, WWF đã ra mắt Chiến dịch Giờ Trái đất lớn nhất, kêu gọi mọi người tắt đèn và dành một giờ cho Trái đất.
Chỉ trong năm đầu tiên thực hiện, Chiến dịch đã vượt mục tiêu đạt 60.000 giờ dành cho Trái đất (tương đương với 7 năm cho đến năm 2030) và ghi nhận tổng cộng hơn 410.000 giờ cam kết được lưu trữ trong “Ngân hàng Giờ trực tuyến” - một số liệu trực tuyến về tất cả các hoạt động tích cực cho hành tinh mà mọi người cam kết cho Giờ Trái đất. Đặc biệt năm 2023, Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ tham gia của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Anotio Guterres và nhiều nhân vật nổi tiếng.
Nhiều địa danh trên thế giới đã thực hiện tắt điện một giờ để hưởng ứng chương trình, như: Nhà thi đấu Trượt băng tốc độ quốc gia Bắc Kinh của Trung Quốc và Chu Trang ở Côn Sơn, Nhà hát Opera Sydney ở Australia, Tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tượng đài Độc lập của Campuchia và Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp…
Giờ Trái đất không chỉ là sự kiện bảo vệ môi trường, mà còn thể hiện sức mạnh đoàn kết của người dân trên toàn thế giới. Nó cùng nhằm mục đích khơi dậy các cuộc đối thoại toàn cầu về bảo vệ thiên nhiên, cũng như đảm bảo về sức khỏe, sự thịnh vượng và sự sống còn của tất cả chúng ta. Giờ Trái đất đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nhận thức và ý thức về môi trường. Giảm lượng khí thải carbon tại nơi sinh sống cũng như nơi làm việc, học tập là điều cần thiết để tạo ra một thế giới lành mạnh và an toàn với thiên nhiên. Bảo tồn di sản thiên nhiên của hành tinh này chính là những gì mà Giờ Trái đất hướng tới.
Bằng cách nâng cao ý thức về môi trường thông qua Giờ Trái đất, nhiều tổ chức và cá nhân đã thực hiện những thay đổi đáng kinh ngạc trong hoạt động cũng như lối sống của họ. Qua nhiều năm phát triển, Giờ Trái đất đã giúp hàng triệu người trên thế giới có ý thức hơn về môi trường và tạo ra sự thay đổi rõ rệt.
|
Giới trẻ Việt Nam hướng ứng Giờ Trái đất. ẢNH: PV |
Vào ngày 23/3 năm nay, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 diễn ra trên toàn cầu. Hưởng ứng Chiến dịch này, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch. Theo đó, sự kiện tắt đèn trong vòng một giờ hưởng ứng Giờ Trái đất sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, thứ Bảy, ngày 23/3/2024. Các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất cần lồng ghép với chương trình tiết kiệm điện của địa phương theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, vận động các tổ chức, cơ quan và người dân thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất.
Trong năm 2023, qua theo dõi số liệu về phụ tải tiêu thụ điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 25/3), cả nước đã tiết kiệm được 298.000 kWh, tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng. Tại nước ta, tuy sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch không nhiều (trung bình khoảng 400.000 kWh/năm) nhưng trên hết, ý nghĩa Giờ Trái đất còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Hồng Nhung biên dịch