|
Vào giữa tháng 11/2022, dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người. |
Dân số thế giới đã tăng hơn gấp 3 lần so với giai đoạn giữa thế kỷ XX. Cụ thể, vào năm 1950, dân số thế giới ước tính là 2,5 tỷ người, tính tới giữa tháng 11/2022, con số này đã đạt tới 8 tỷ. Như vậy, dân số thế giới đã tăng thêm 1 tỷ người kể từ năm 2010 và tăng thêm 2 tỷ người kể từ năm 1998. Dự kiến, dân số toàn cầu sẽ tăng thêm gần 2 tỷ người trong vòng 30 năm tới, từ 8 tỷ hiện tại lên 9,7 tỷ vào năm 2050, và có thể đạt đỉnh gần 10,4 tỷ vào giữa những năm 2080.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu được thúc đẩy bởi số lượng người ở độ tuổi sinh sản ngày càng tăng, tuổi thọ con người càng cao, quá trình đô thị hóa và di cư tăng nhanh. Những thay đổi lớn về tỷ suất sinh cũng có vai trò lớn đối với tăng trưởng dân số. Những xu hướng này có ý nghĩa sâu rộng đối với các thế hệ mai sau.
Các quốc gia có mức sinh cao nhất thường là các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Do đó, sự tăng dân số toàn cầu theo thời gian sẽ ngày càng trở nên tập trung ở các nước nghèo trên thế giới, hầu hết thuộc khu vực châu Phi cận Sahara.
|
Châu Phi cận Sahara có tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất. ẢNH: UN |
Sự gia tăng dân số nhanh chóng ở châu Phi được dự đoán xảy ra ngay cả khi mức sinh giảm đáng kể trong tương lai gần. Bất chấp sự không chắc chắn xung quanh xu hướng sinh sản trong tương lai ở châu lục này, số lượng người ở độ tuổi sinh sản ngày càng tăng, đảm bảo rằng khu vực này sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc định hình quy mô và sự phân bố dân số thế giới trong những thập kỷ tới.
Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai quốc gia có đông dân nhất thế giới, mỗi quốc gia chiếm 18% dân số toàn cầu. Vào tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc. Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) dân số Ấn Độ là hơn 1,428 tỷ người, cao hơn so với con số 1,425 tỷ của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm 48 triệu người, tương đương khoảng 2,7% trong giai đoạn 2019-2050.
Tăng trưởng dân số toàn cầu được định hình bởi số sinh thô và tử vong thô, di cư cũng có tác động đến dân số khu vực. Một yếu tố khác cũng có ảnh hưởng quan trọng đó là đà tăng dân số. Khái niệm này giải thích tại sao cấu trúc tuổi của dân số có thể khiến số dân tăng lên ngay cả khi mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế. Về bản chất, khi tỷ suất sinh giảm, số người trong độ tuổi sinh đẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao trong dân số thì tỷ lệ sinh vẫn nhiều hơn tỷ lệ tử vong.
Dân số của 61 quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm vào năm 2050, trong đó có 26 quốc gia có thể giảm ít nhất 10%. Một số quốc gia dự kiến sẽ chứng kiến dân số giảm hơn 15% vào năm 2050, bao gồm Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Hungary, Nhật Bản, Latvia, Litva, Cộng hòa Moldova, Romania, Serbia và Ukraine. Mức sinh ở tất cả các nước châu Âu hiện đang ở mức rất thấp, Liên minh châu Âu đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số.
Theo triển vọng dân số thế giới, mức sinh toàn cầu được dự đoán giảm từ 2,3 con/phụ nữ vào năm 2021 xuống còn 2,1 con/phụ nữ vào năm 2050. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Trên toàn cầu, tuổi thọ trung bình dự kiến sẽ tăng từ 72,8 tuổi vào năm 2019 lên 77,2 tuổi vào năm 2050. Mặc dù thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách tuổi thọ giữa các quốc gia, nhưng thực tế khoảng cách này vẫn còn khá lớn. Vào năm 2021, tuổi thọ trung bình ở các quốc gia kém phát triển thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 7 tuổi.
Khi dân số thế giới tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ thì 70% dân số tăng thêm này nằm ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Theo đó, khi dân số tăng từ 8 tỷ lên 9 tỷ thì hai nhóm nước này dự kiến sẽ chiếm hơn 90% tăng trưởng dân số toàn cầu. Từ nay tới năm 2050, sự gia tăng dân số dưới 65 tuổi trên thế giới sẽ hoàn toàn xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp; sự gia tăng dân số ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao sẽ chỉ xảy ra ở nhóm tuổi trên 65.
Khi dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự quan ngại: “Trừ khi chúng ta thu hẹp được khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo trên toàn cầu, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế giới 8 tỷ dân đầy sự căng thẳng, ngờ vực, khủng hoảng và xung đột”.
Trong khi dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 10,4 tỷ người vào những năm 2080, nhưng tốc độ tăng trưởng chung đang chậm lại. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày càng đa dạng về mặt nhân khẩu học, các quốc gia phải đối mặt với các xu hướng dân số khác nhau rõ rệt, từ tăng trưởng đến suy giảm. Trong bối cảnh đó, cộng đồng toàn cầu phải đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, bất kể dân số của họ đang tăng hay giảm đều được trang bị để cung cấp điều kiện sống tốt cho tất cả người dân, tăng cường hỗ trợ và trao quyền cho những người bị thiệt thòi nhất.
Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem cho biết: “Thế giới có 8 tỷ người, đây là cột mốc quan trọng đối với nhân loại - kết quả của việc kéo dài tuổi thọ, giảm đói nghèo, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào con số sẽ khiến chúng ta sao lãng khỏi những thách thức thực sự phải đối mặt đó là đảm bảo sự tiến bộ toàn cầu, mọi người dân đều có thể được hưởng sự tiến bộ này một cách bình đẳng và bền vững. Chúng ta không thể dựa vào một giải pháp chung cho tất cả mọi nơi trên thế giới, bởi độ tuổi trung vị (độ tuổi chia dân số thành hai nhóm với số lượng bằng nhau) ở châu Âu là 41, còn ở châu Phi cận Sahara con số này chỉ là 17. Để đạt hiệu quả, đòi hỏi tất cả các chính sách dân số phải lấy quyền sinh sản làm cốt lõi, đầu tư vào con người và hành tinh dựa trên những số liệu chắc chắn”.
|
Gia tăng dân số kéo theo nhiều gánh nặng |
Công dân thứ 8 tỷ đại diện cho một câu chuyện thành công của nhân loại, nhưng nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về mối liên hệ giữa tăng dân số, nghèo đói, biến đổi khí hậu và việc đạt các Mục tiêu phát triển bền vững. Mối quan hệ này rất phức tạp, bởi dân số tăng nhanh làm cho việc xóa đói, giảm nghèo, chống suy dinh dưỡng, tăng độ bao phủ của hệ thống y tế và giáo dục trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến y tế, giáo dục và bình đẳng giới sẽ góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu.
Nếu tốc độ tăng dân số chậm lại duy trì trong vài thập kỷ thì có thể giúp giảm thiểu suy thoái môi trường. Chúng ta thường đồng nhất gia tăng dân số với gia tăng phát thải nhà kính mà bỏ qua thực tế rằng, nhiều quốc gia có mức tiêu thụ và tỷ lệ phát thải cao lại là các quốc gia có tốc độ tăng trưởng dân số chậm hoặc thậm chí là âm. Trong khi đó, phần lớn sự gia tăng dân số thế giới tập trung ở các nước nghèo nhất, nơi có tỷ lệ phát thải thấp hơn đáng kể, nhưng lại có khả năng phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu một cách không tương xứng.
Các mô hình kinh tế không bền vững mà hầu hết các quốc gia đang theo đuổi đều là nguyên nhân đứng sau việc khai thác quá mức tài nguyên. Chính sự phụ thuộc quá mức vào tài nguyên thiên nhiên đã dẫn tới những hậu quả tồi tệ đối với môi trường, gây nên từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, đến mất an ninh lương thực và xung đột.
Hiện tượng này cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như các cơ chế thích ứng và giảm thiểu không kịp thời khiến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn trước biến đổi khí hậu, mặc dù mức phát thải của các quốc gia này chỉ ở mức trung bình.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế - xã hội Li Junhua, chúng ta cần tăng tốc nỗ lực để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta cũng cần nhanh chóng tách hoạt động kinh tế khỏi sự phụ thuộc quá mức vào sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, cũng như sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên. Quá trình chuyển đổi này cần diễn ra công bằng và toàn diện để đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau.
Để mở ra một thế giới phát triển thịnh vượng cho 8 tỷ người đòi hỏi những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu những thách thức hiện nay và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời ưu tiên nhân quyền. Muốn theo đuổi các giải pháp đó, các quốc gia trên thế giới cần có sự đầu tư hợp lý, cần đưa ra những chính sách và chương trình biến thế giới thành một môi trường sống an toàn hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn.
Hồng Nhung biên dịch