Như chúng ta đã biết, ảnh hưởng từ các hoạt động của con người là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây ra sự nóng lên toàn cầu và chúng ta sẽ thực sự cảm nhận được hậu quả của những tác động này trong nhiều thế kỷ tới.
Khi chúng ta cùng nhau xóa sổ những hoạt động sản xuất sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các công nghệ cũ từ nhiều thế kỷ trước, chuyển sang một nền kinh tế xanh thì hành tinh của chúng ta mới có cơ hội phục hồi. Các chính phủ trên toàn cầu đã ban hành nhiều sáng kiến xanh, tuy nhiên gần như tất cả các quốc gia đều chưa đi đúng hướng để đáp ứng với cam kết là đưa “mức phát thải ròng về 0” vào năm 2050.
Không giống như các cuộc cách mạng kinh tế trước đây, mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại còn bổ sung hai mục tiêu đó là: Cứu nhân loại khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu và xây dựng các nền kinh tế xanh ở mọi quốc gia để tất cả người dân đều được hưởng lợi từ cuộc cách mạng xanh. “Đầu tư vào hành tinh của chúng ta” cũng chính là chủ đề của Ngày Trái đất năm nay.
|
Xe chạy bằng điện giúp giảm khí thải. Ảnh Environment America |
Hầu hết năng lượng mà chúng ta đang sử dụng hiện đang được tạo ra bởi nhiên liệu hóa thạch, và nó cũng phát thải khoảng 60% lượng khí thải nhà kính. Lượng khí thải này, ngoài việc làm trái đất nóng lên còn gây ra ô nhiễm không khí, tổn hại cho các sinh vật sống và cả hành tinh.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng có thể kiềm chế lượng khí thải, dễ dàng tiếp cận các nguồn năng lượng sạch hơn, cải thiện chất lượng không khí và bảo tồn hành tinh của chúng ta. Theo báo cáo Bối cảnh tài chính năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2023, đầu tư toàn cầu vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng trong năm 2022, bao gồm cả hiệu quả năng lượng đạt 1,3 nghìn tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục, tăng 19% so với mức đầu tư trong năm 2021 và tăng 50% so với trước đại dịch Covid năm 2019.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Sáng kiến Chính sách Khí hậu (CPI) cho thấy, mặc dù đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 0,5 nghìn tỷ USD vào năm 2022, nhưng con số này vẫn chiếm chưa đến 40% khoản đầu tư trung bình cần thiết mỗi năm, theo Kịch bản 1,5°C của IRENA. Các khoản đầu tư cũng chưa đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu do Chương trình Nghị sự về Phát triển bền vững đề ra.
Do các giải pháp phi tập trung đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách để đạt được khả năng tiếp cận năng lượng toàn cầu nhằm cải thiện sinh kế và phúc lợi theo Chương trình Nghị sự 2030 đề ra, do đó, các quốc gia cần nỗ lực mở rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo không nối lưới. Mặc dù đạt mức đầu tư hàng năm cao kỷ lục so với năm 2021, nhưng đầu tư vào các giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới vẫn còn thấp so với mức 2,3 tỷ USD cần thiết hàng năm.
Hơn nữa, các khoản đầu tư đã trở nên tập trung vào các công nghệ và mục đích sử dụng cụ thể. Vào năm 2020, chỉ riêng quang điện mặt trời đã thu hút 43% tổng vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiếp theo là điện gió trên bờ và ngoài khơi với tỷ lệ lần lượt là 35% và 12%. Để hỗ trợ tốt nhất cho quá trình chuyển đổi năng lượng cần có nhiều vốn hơn cho các công nghệ kém phát triển, cũng như nhu cầu sử dụng điện để sưởi ấm, làm mát và tích hợp hệ thống.
So sánh việc đầu tư cho năng lượng tái tạo giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới cũng có sự chênh lệch rõ rệt trong 6 năm qua. Khoảng 70% dân số thế giới, chủ yếu cư trú tại các quốc gia đang phát triển và mới nổi chỉ nhận được 15% khoản đầu tư trong năm 2020.
Cách thức cho vay vốn đối với các nước đang phát triển muốn triển khai năng lượng tái tạo phải được cải cách và tài chính công phải đóng vai trò mạnh mẽ hơn ngoài việc giảm thiểu rủi ro đầu tư. Hiện nay, nguồn quỹ công có sẵn ở các nước đang phát triển còn hạn chế, cần có sự hợp tác quốc tế bao gồm cả việc tăng đáng kể dòng tiền đầu tư từ Bắc bán cầu sang Nam bán cầu.
|
Đầu tư vào nông nghiệp sạch để bảo vệ hành tinh. Ảnh New Holland |
Theo Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera, để quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm cải thiện cuộc sống và sinh kế, chính phủ và các đối tác phát triển cần đảm bảo dòng tài chính công bằng hơn bằng cách nhận thức được các bối cảnh và nhu cầu khác nhau. Cần thiết phải hướng nguồn đầu tư này tới các khu vực và quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo nhưng chưa được khai thác bởi những khó khăn trong việc thu hút đầu tư. Hợp tác quốc tế nhằm mục đích hướng các quỹ này đến việc tạo điều kiện cho các khung chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng chuyển đổi năng lượng và giải quyết các lỗ hổng kinh tế - xã hội vẫn diễn ra dai dẳng.
Để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp với Kịch bản 1,5°C cũng đòi hỏi việc chuyển hướng 0,7 nghìn tỷ USD mỗi năm cho việc tiêu thụ năng lượng hóa thạch sang các công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng.
Ngoài việc đầu tư vào năng lượng sạch, các quốc gia trên thế giới cũng cần đầu tư vào vận tải sạch. Giống như ngành Năng lượng, Giao thông vận tải gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nó góp phần tạo ra một phần tư lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Trên thực tế, nếu ngành Vận tải toàn cầu tập trung ở một quốc gia riêng thì quốc gia này sẽ phát thải ra lượng CO2 lớn thứ sáu trên thế giới. Vận tải sạch không chỉ có thể giúp giảm ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí, mà nó cũng có thể tăng cường hiệu quả của việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các cơ hội tăng trưởng kinh tế.
Ngành Nông nghiệp là một trong những ngành có đóng góp lớn về lượng khí thải CO2 chỉ sau ngành Vận tải và Năng lượng. Sự phát triển nhanh, không bền vững trong sản xuất nông nghiệp, sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và lượng khí tải metan khổng lồ từ chăn nuôi đã tàn phá môi trường đất, nước và không khí, gây ra suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), 80% đất nông nghiệp trên hành tinh được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi biến đổi khí hậu đang đặt ra mối đe dọa to lớn đối với sản xuất thực phẩm trên toàn cầu, thay đổi thời tiết khó đoán trước đang khiến việc sản xuất nông nghiệp trở nên khó khăn hơn, buộc người dân phải sử dụng nhiều hóa chất hơn trong nuôi trồng thực phẩm, đây chính là vòng luẩn quẩn làm suy thoái hành tinh.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư cho nông nghiệp sạch như hoạt động tưới tiêu bằng năng lượng mặt trời, thủy canh, thay thế thịt bằng các sản phẩm khác. Những đổi mới này có thể biến đổi cách chúng ta sản xuất nông nghiệp và mang lại phương pháp quản lý đất và nước bền vững hơn.
Đổi mới công nghệ không phải là cách duy nhất để cứu hành tinh của chúng ta. Bản thân sức mạnh phục hồi to lớn của thiên nhiên là một trong những cách hiệu quả nhất về mặt chi phí để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Bằng cách bảo vệ, quản lý bền vững và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu tác động của sự nóng lên toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đa dạng sinh học. Các đầm lầy, những nơi chứa nhiều than bùn chỉ chiếm 3% bề mặt trái đất, nhưng lại lưu trữ gần một phần ba lượng Carbon.
Các biện pháp khắc phục dựa trên thiên nhiên cũng có thể được tìm thấy trong các đại dương - nơi tạo ra một nửa lượng oxy cho hành tinh và cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, tảo biển, đầm muối có thể giúp hấp thụ lượng carbon gấp 10 lần so với rừng trên đất liền. Theo Cố vấn cao cấp về Đại dương và Khí hậu của Liên hợp quốc Susan Ruffo, đại dương chứa đựng rất nhiều giải pháp, chúng ta chỉ cần đủ thông minh là có thể sử dụng chúng.
Ngoài ra, việc đầu tư cho hành tinh của chúng ta còn bao gồm đầu tư vào con người, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ - nhóm người dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của biến đổi khí hậu, mà họ cũng chính là những tác nhân hiệu quả của sự thay đổi trong việc bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu vẫn ở mức dưới 30%. Khi các quyết định quan trọng về hành tinh của chúng ta được đưa ra, phụ nữ và trẻ em gái phải được tham gia và đại diện, đó là cách duy nhất để đạt được công bằng khí hậu.
Hồng Nhung