Từ chia rẽ đến Tuyên bố chung
Ngay khi khai mạc, Hội nghị G20 năm nay đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc nhất kể từ khi nó bắt đầu 10 năm trước. Tâm điểm là Tổng thống Mỹ Donald Trump, người bị chỉ trích vì phá hủy sự ổn định và đồng thuận mà G20 đã thúc đẩy một thập kỷ trước về thương mại và biến đổi khí hậu.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc sử dụng sai trái các biện pháp trừng phạt, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cạnh tranh không trung thực. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga dù không nêu đích danh, song trên thực tế có thể thấy rõ ám chỉ trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump - người đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vì vụ “đụng độ trên eo biển Kerch” mới đây giữa hải quân Nga và Ukraine. Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước G20 chống lại chủ nghĩa bảo hộ và duy trì hệ thống thương mại đa phương.
Sự chia rẽ cũng thể hiện qua các sự kiện bên lề hội nghị. Trong lúc Mỹ, Canada, Mexico tổ chức lễ ký kết hiệp định thương mại ba bên mới (gọi tắt là USMCA, thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ) thì nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ra tuyên bố kêu gọi thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu và củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine sau vụ đụng độ giữa tàu 2 nước gần bán đảo Crimea và cái chết của nhà báo Ảrập Xêút Jamal Khashoggi cũng phủ bóng Hội nghị G20 lần này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết EU dự kiến gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, liên quan đến “hành vi không thể chấp nhận được” của Moscow khi bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ đoàn Ukraine. Trong khi đó, Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman đối mặt sức ép từ một số nhà lãnh đạo về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, như để các chuyên gia quốc tế tham gia cuộc điều tra.
Tuy nhiên, bất chấp bất đồng và chia rẽ, Hội nghị G20 lần này đã tránh được cái kết đắng như Hội nghị APEC, khi các bên nhất trí thông qua Tuyên bố chung, khẳng định sự đồng thuận trong những vấn đề được coi là gai góc nhất, bao gồm sự cần thiết phải hồi sinh thương mại quốc tế và những lo ngại về hậu quả của biến đổi khí hậu, vốn khiến Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại không thể ra được Tuyên bố chung tháng 11 vừa qua.
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 khẳng định, thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, đồng thời thừa nhận đóng góp của hệ thống thương mại đa phương để thực hiện mục tiêu này. Cho rằng hệ thống hiện nay chưa thực hiện tốt vai trò của mình, các nhà lãnh đạo G20 bày tỏ sự ủng hộ sự cải tổ cần thiết của WTO nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của mình.
Liên quan tới biến đổi khí hậu, văn kiện cơ bản nhấn mạnh phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng chống lại các diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai; đồng thời khẳng định Thỏa thuận Paris là một cam kết không thể đảo ngược. Tuyên bố chung nêu rõ, mặc dù vẫn kiên quyết rút khỏi Thỏa thuận Paris, song chính phủ Mỹ khẳng định cam kết sử dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, cũng như bảo vệ môi trường.
Mỹ - Trung đình chiến, thành công được báo trước
Bất chấp những tuyên bố và chỉ trích nhằm vào nhau vẫn diễn ra tại G20, bữa tối thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc - cuộc gặp chính thức đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi cuộc thương chiến nổ ra, đã kết thúc thành công với tuyên bố đình chiến thương mại, điều mà thế giới vô cùng kỳ vọng. Mặc dù hai bên không công bố chi tiết của thỏa thuận đình chiến, song Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình đã đạt được đồng thuận về những vấn đề quan trọng. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo nhất trí hoãn gia tăng thuế quan như lời đe dọa trước đó của ông Trump, đồng thời xóa bỏ mức thuế hiện hành kể từ ngày 1.1.2019, thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% lên 25%. Đổi lại, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ và đồng ý mở cửa thị trường. Hai bên thỏa thuận ngừng áp thuế bổ sung trong một giai đoạn 90 ngày, viện dẫn những tiến triển trong đàm phán thương mại.
Cuộc thảo luận giữa phái đoàn của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn 1 tiếng so với dự kiến. Kết thúc cuộc gặp, những người đứng ngoài còn nghe thấy tiếng vỗ tay tán thưởng vọng ra từ phòng họp.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu rằng, ông “rất vui” khi được gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ, đồng thời cho biết ông coi dịp gặp gỡ này là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm. “Kể từ cuộc gặp trước, đã có nhiều thay đổi trong tình hình thế giới. Với tư cách hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ có tầm ảnh hưởng đặc biệt và chia sẻ trách nhiệm quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới. Hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho cả hai. Tôi mong muốn nhân cuộc gặp hôm nay trao đổi với Ngài Tổng thống về những vấn đề cùng quan tâm và kế hoạch cho quan hệ Mỹ - Trung giai đoạn tiếp theo”.
Không lâu sau khi bữa tối kết thúc, Nhà Trắng cũng đưa ra thông cáo, trong đó dẫn lời ông Trump về mối quan hệ “rất đặc biệt” với người đồng nhiệm Trung Quốc. “Tôi cho rằng mối quan hệ đặc biệt với ông Tập Cận Bình sẽ trở thành tiền đề giúp chúng tôi đạt được điều gì đó tốt đẹp cho cả Trung Quốc và Mỹ”, ông Trump nói.
Cuối cuộc gặp, lãnh đạo hai nước cùng tất cả thành viên trong phái đoàn đại diện đã chụp ảnh lưu niệm chung. Hành động mang ý nghĩa “gắn kết” này thực sự là bước đột phá nếu nhìn lại mối quan hệ căng thẳng đến nghẹt thở giữa hai bên trong cuộc chiến thương mại diễn ra nhiều tháng nay.
Đối với nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, nếu việc ra được Tuyên bố chung đã là cái kết có hậu, thì việc Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thực sự đã khiến “bữa tiệc” trở nên hoàn hảo.
Theo Quỳnh Vũ/Báo Đại biểu Nhân dân