Một góc thủ đô Jakarta của Indonesia, ngày 2-5-2019. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa, người có trách nhiệm giám sát kế hoạch tổng thể của thành phố mới cho biết, kế hoạch xây dựng các tòa nhà của chính phủ tại thành phố mới sẽ bị hoãn cho đến khi Indonesia nhìn thấy “ánh sáng phía cuối đường hầm” trong đại dịch Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với hãng tin Reuters hôm thứ Ba vừa qua, ông Monoarfa khẳng định: “Ưu tiên số một của chúng tôi lúc này là khôi phục nền kinh tế và vượt qua đại dịch... Chỉ khi tình hình được cải thiện, chúng tôi mới quyết định sẽ làm gì với kế hoạch di dời thủ đô”.
Thừa nhận những trở ngại đối với dự án nêu trên, ông Monoarfa cho biết, việc khởi công có thể bị trì hoãn cho đến năm 2022 hoặc 2023 vì chính phủ đang tập trung nghiên cứu và sau đó phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho gần 270 triệu người dân.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2021 với việc xây dựng các tòa nhà của chính phủ, nâng cấp sân bay, cảng biển, làm đường dẫn tại khu vực rừng được sử dụng để chuyển đổi thành một thành phố thông minh mới. Đến năm 2024, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Widodo, các công chức sẽ bắt đầu chuyển đến làm việc tại thủ đô mới.
Năm 2019, ông Widodo đã công bố dự án di dời thủ đô để giảm gánh nặng cho Jakarta, thành phố có 10 triệu dân nằm trên đảo Java. Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Hoàng thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed Bin Zayed al Nahyan được mời làm cố vấn cho dự án này.
Theo Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 20-8 (giờ Việt Nam), Indonesia đã ghi nhận 144.945 ca mắc và 6.346 ca tử vong do Covid-19. Tại khu vực Đông - Nam Á, Indonesia hiện là nước có nhiều ca tử vong nhất, trong khi số ca bệnh của nước này xếp thứ hai khu vực, chỉ sau Philippines.
Theo H.H / Báo Nhân dân