Tìm lại tiếng nói chung
Hiện nay, người ta có thể liệt kê ra rất nhiều mối quan tâm chung giữa hai đồng minh vốn từng gắn bó. Đó là xung đột tại Syria sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, vụ sát hại nhà báo Ảrập Xêút Jamal Khashoggi đến việc dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen từ Mỹ. Trong đó, sự kiện rút quân đội xứ sở cờ hoa khỏi Syria được coi là bước chuyển quan trọng, làm dịu hẳn những trắc trở trong quan hệ song phương.
Trước dịp Noel năm nay, Tổng thống Trump đã làm choáng váng toàn thể Nội các khi không tham vấn ý kiến trợ lý hay đồng minh trước khi đưa ra quyết định đột ngột trên. Đây cũng được cho là một trong những lý do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ đơn từ chức, còn Tổng thống Pháp Macron lắc đầu “lấy làm tiếc”. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lại tỏ ra vô cùng phấn khởi, coi “việc hồi tâm chuyển ý” của ông Trump là sự thay đổi chính sách của Mỹ tại khu vực cũng như giúp gỡ bỏ nút thắt gây căng thẳng.
Cuối tuần trước, ngay sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, ông chủ Nhà Trắng đã bất ngờ đồng tình với ý kiến của ông Erdogan rằng lý do duy nhất 2.000 binh sĩ Mỹ hiện diện ở Syria là chống lại IS. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này đã bị đánh bại tới 99% và Ankara hoàn toàn có thể đương đầu với 1% còn lại mà không cần sự trợ giúp của Washington.
Diễn biến trên thật khác với cách đây 2 tháng, lúc đó ông Trump và ông Erdoga đã có những phản ứng khác nhau về vụ sát hại nhà báo người Ảrập Xêút Jamal Khashoggi. Tổng thống Mỹ cho biết, ông muốn Washington đứng về phía Chính phủ Ảrập Xêút và nhà lãnh đạo thực tế của họ là Thái tử Mohammed bin Salman, cho dù vị Thái tử này bị cáo buộc đã ra lệnh thủ tiêu ông Khashoggi. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại đẩy mạnh sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về vụ sát hại, đồng thời kêu gọi đưa Thái tử Salma ra ánh sáng mặc những phủ nhận của Riyadh về việc Thái tử biết trước sự vụ.
Đối với vụ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Thổ Nhĩ Kỳ kết tội là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016, Tổng thống Trump tháng trước tuyên bố sẽ không xem xét dẫn độ nhân vật này, như là một phần nỗ lực giúp giảm áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ lên Ảrập Xêút vì vụ Khashoggi. Tuy nhiên, mới tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ lại cho biết, trong cuộc họp với ông Erdogan ở Buenos Aires nhiều tuần trước, Tổng thống Mỹ hứa sẽ làm việc về vấn đề đó. Rất có thể, trong cuộc gặp mặt thượng đỉnh tại Ankara vào năm sau, đây sẽ là một chủ đề quan trọng được đặt trên bàn nghị sự để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai.
Hết trầm sẽ thăng?
Là hai đồng minh quan trọng trong NATO nhưng những năm gần đây và đặc biệt là năm 2018, mối quan hệ Mỹ -Thổ xấu đi nghiêm trọng. Có quá nhiều yếu tố dẫn đến sự xung khắc đó, từ xung đột Syria (Washington liên tục hậu thuẫn các chiến binh người Kurd tại Syria trong khi Ankara xem lực lượng YPG giống như một tổ chức khủng bố), vụ dẫn độ giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen như đã nói ở trên đến việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson với cáo buộc gián điệp hay kế hoạch của nước này mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga cũng như quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel...
Tình hình căng như dây đàn khi cả hai liên tiếp tung ra các lời đe dọa và trả đũa lẫn nhau. Hồi tháng 8, Mỹ tuyên bố một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu của Thổ Nhĩ Kỳ vì đóng vai trò chủ chốt trong vụ bắt giữ Brunson. Đáp lại, Ankara cấm đi lại và đóng băng tất cả tài sản của Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions tại Thổ Nhĩ Kỳ. Giận dữ, Washington bắt đầu tấn công kinh tế bằng cách tăng thuế thép và nhôm đối với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cho đồng lisa trượt dốc không phanh... Trong cơn bất bình, Tổng thống Erdoga lớn tiếng cáo buộc Mỹ “đâm sau lưng” đồng minh. Đồng thời, Ankara tìm cách lánh xa Mỹ, tìm kiếm các đồng minh mới từ Iran, Nga, Trung Quốc, Venezuela và một số quốc gia châu Âu.
Tuy nhiên, về cuối năm, hai bên đã có những động thái nhân nhượng. Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các Bộ trưởng nói trên hồi tháng 11 sau khi mục sư Brunson được thả. Chưa hết, tín hiệu khả quan còn xuất hiện ở lĩnh vực kinh tế khi quốc gia xuyên lục địa Á - Âu này nằm trong số 8 nước được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Iran.
Và như một món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất, quyết định rút quân khỏi Syria vừa qua đã giúp Mỹ “chinh phục lại trái tim của Thổ Nhĩ Kỳ”, báo hiệu khả năng “tái hợp” vào năm sau khi ông Trump và Erdogan bắt tay ở Ankara.
Theo Ngọc Minh/Báo Đại biểu Nhân dân