Các tàu công-ten-nơ vận tải hàng hóa thương mại toàn cầu. Ảnh MARINETRAFFIC
Hơn hai triệu thủy thủ làm việc trong lĩnh vực hàng hải giúp cho 90% thương mại toàn cầu được luân chuyển nhịp nhàng giữa các quốc gia, các châu lục. Ðại dịch Covid-19, những sắc lệnh đóng cửa biên giới và các đường bay thương mại dừng khai thác khiến cho việc luân chuyển thủy thủ, một hoạt động đặc thù trong ngành hàng hải, trở nên phức tạp. Kể từ khi chuyến tàu du lịch Diamond Princess bị từ chối nhập cảnh hồi tháng 2-2020 vừa qua do có các ca nhiễm Covid-19, ngành hàng hải đã bước vào giai đoạn “giông bão”, đối mặt nhiều thử thách lớn hơn bao giờ hết.
Theo ước tính của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), hiện có ít nhất 200.000 thủy thủ vẫn đang lênh đênh trên các con tàu khắp các đại dương, phải chờ đợi cơ hội để được thay thế và trở về nhà. Thêm vào đó, ít nhất 200.000 thủy thủ khác cũng mắc kẹt ở các cảng biển đang chờ để được lên tàu làm việc. Hằng tháng, có đến 100.000 thủy thủ được thay thế trên các chuyến tàu. Khi trên biển, các thủy thủ thường phải làm việc từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày, cả bảy ngày trong tuần, vì vậy thời hạn hợp đồng của thủy thủ đoàn thường được giới hạn nhiều nhất 11 tháng. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch, nhiều thủy thủ đã phải kéo dài thời gian đi biển đến 15 tháng, tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe và tâm lý cho chính các thủy thủ. Nghiêm trọng hơn là rủi ro trong vận hành tàu thuyền, rủi ro cho toàn bộ hệ thống vận tải hàng hóa, thương mại quốc tế.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, do tác động của dịch Covid-19, kim ngạch thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay. Nhiều hãng khai thác vận tải hàng hải sẽ suy giảm doanh thu, nhiều thủy thủ đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Không chỉ tác động tiêu cực lên mảng vận tải hàng hóa, đại dịch Covid-19 được giới chuyên gia dự báo có thể khiến mảng vận tải hành khách giảm 34,7% doanh thu trong năm 2020. Các lệnh cấm hoạt động, nguy cơ lây lan dịch bệnh và chi phí cần thiết để phòng, chống dịch Covid-19 trên tàu tăng cao buộc các hãng du thuyền phải tạm dừng hoạt động.
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, ngành hàng hải gặp khó, những mục tiêu cắt giảm lượng phát thải trong ngành mà IMO đã đề ra càng tạo gánh nặng lớn hơn cho những đơn vị khai thác vận tải. So mức của năm 2008, IMO đặt mục tiêu đến năm 2050 giảm lượng phát thải khí nhà kính ít nhất 50%. Ðể đạt được mục tiêu trên, ngành hàng hải sẽ phải chi tới 1.650 tỷ USD, theo một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Ngành hàng hải cần được duy trì ổn định với vai trò vận tải hàng hóa, lương thực, vật tư y tế... toàn cầu. Dịch Covid-19 đang là thách thức lớn đối với sự vận hành hiệu quả của ngành. Một báo cáo của Công ty tư vấn PWC chỉ ra, năm thách thức chính cho ngành hàng hải gồm: bảo đảm an toàn dịch tễ của thủy thủ đoàn; thực hiện luân chuyển thủy thủ; bảo đảm nguồn cung vật tư cho các tàu; thực hiện các thủ tục kiểm soát hải quan an toàn và duy trì sự hỗ trợ từ đất liền.
Hơn sáu tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành hàng hải vẫn đang nỗ lực để duy trì thương mại và nguồn cung hàng hóa trên thế giới. IMO khuyến cáo, các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các tập đoàn cần chung tay hỗ trợ bảo đảm sự an toàn và tạo thuận lợi cho mọi thủy thủ và người lao động trong ngành, nhằm giữ vững vai trò chiến lược của ngành hàng hải trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo Đoàn Hiếu/Báo Nhân dân