Kinh nghiệm thế giới trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân; còn tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công.

Phòng chống tham nhũng - cuộc chiến toàn cầu. Ảnh: KT

Tham nhũng và tham ô là hệ quả của nền kinh tế kém phát triển, quản lý lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực. Tham nhũng và tham ô làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.

Vài nét về tình hình tham nhũng trên thế giới

Tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân/đầu người thấp. Đối với một số nước kinh tế phát triển, có mức thu nhập bình quân/đầu người cao, các cá nhân có sở hữu tài sản lớn bắt đầu tham gia chính trường để làm lãnh đạo.

Chỉ số tham nhũng trên thế giới thay đổi theo hàng năm. Tuy nhiên, nhìn chung theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các nước Bắc Âu được đánh giá là tốt nhất thế giới bao gồm Iceland, Anh, Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, New Zealand, Hà Lan, Thụy Sĩ, và Canada. Trong số này Đan Mạch luôn duy trì là quốc gia có chỉ số minh bạch cao nhất thế giới.

Tại châu Á có những quốc gia được đánh giá là tốt nhất trong phòng chống tham nhũng bao gồm: Singapore, Hong Kong, Nhật. Các quốc gia kém phát triển, nghèo kinh tế cũng chính là những nước có tình trạng tham nhũng và tham ô hơn cả, bao gồm Bangladesh, Tchad... Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là một trong những điểm nóng của nạn tham nhũng, trong đó Trung Quốc, một trong những nước từng có nạn tham nhũng trầm trọng. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã có chuyển biến nhất định. Hàn Quốc từng được xem là quốc gia châu Á duy nhất trong danh sách các nước phát triển có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng nhất. Có một số quốc gia như Guatemala, Sri Lanka và Ghana - có rất nhiều chiến dịch áp dụng để phòng chống tệ nạn tham nhũng nhưng kết quả vẫn chưa được khả quan.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hàng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra.

Kinh nghiệm quý báu trong phòng chống tham nhũng tại một số quốc gia trên thế giới

Trung Quốc

Tại quốc gia này, Chính phủ luôn coi trọng việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, giáo dục chính trị tư tưởng và tác phong liêm chính trong toàn Đảng. Bên cạnh đó, họ chủ trương kiên quyết trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng. Nhiều năm qua, có rất nhiều vụ việc họ đã xử lý thẳng tay quan chức tham nhũng.

Năm 2010, Uỷ ban Điều tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xử lý kỷ luật 146.517 người, truy tố 5.373 người, xử lý 15.900 vụ án tham nhũng, liên quan đến 4,266 tỷ nhân dân tệ (Báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2010). Nhờ vậy mà nạn tham nhũng ở Trung Quốc bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao.

Australia

Tại quốc gia này, những nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong hệ thống trường học. Họ làm như vậy với mục đích giúp học sinh ý thức được nguyên nhân, hậu quả, tác hại của việc tham nhũng và giáo dục ý thức lên án tham nhũng ngày từ khi còn nhỏ. Họ đẩy mạnh việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng và lập quỹ chống tham nhũng…

Khi những hành vi tham nhũng được điều tra làm rõ thì các hình phạt nghiêm khắc cũng được áp dụng đối với các quan chức tham nhũng, bất kể đó là ai. Kết quả của việc xử lý được công khai để nhân dân giám sát. Điều này đã tạo điều kiện tiên quyết cho cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp. Thế nên, quốc gia này đã đạt được thành công lớn trong phòng chống tham nhũng.

Hà Lan

Hà Lan là một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới. Lý do vì sao? Là bởi quốc gia này xây dựng và thực hiện hệ thống các biện pháp cảnh báo và chống tham nhũng khá hoàn chỉnh. Họ đã tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó. Họ đã xây dựng hệ thống quyền hạn và trách nhiệm của các công chức nhà nước. Tổ chức hệ thống khắt khe và khách quan để tuyển chọn công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, họ xây dựng hệ thống chuyên trách để giáo dục và tập huấn công chức nhằm làm họ thấy rõ tác hại của các hành vi tham nhũng đối với lợi ích quốc gia. Thực hiện chế độ thường xuyên báo cáo và công khai hóa về các vụ việc trong quá trình phát hiện tham nhũng và trừng phạt các hành vi tham nhũng. Các công chức nhà nước ở tất cả các cấp nhất thiết phải báo cáo các trường hợp tham nhũng mà họ biết được. Thông tin này sẽ được chuyển tới Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp theo các kênh liên lạc thích hợp. Các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình... đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, như phát hiện, phanh phui, điều tra và công bố hành vi tham nhũng.

CHLB Đức

Để phòng ngừa và hạn chế hành vi tham nhũng, Chính phủ quy định rất rõ ràng, công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ. Theo quy định, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chống tham nhũng là giữ gìn bí mật công vụ. Công chức khi hết thời hạn công tác trong cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn những thông tin và số liệu mà họ được biết trong quá trình công tác.

Công chức nhà nước không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua những người được ủy quyền, cũng như người thân trong gia đình. Những quy định này được Chính phủ ban hành kèm theo các nghị định có giá trị pháp lý. Nếu sau khi nghỉ hưu, công chức nhà nước tiếp tục làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến hoạt động công vụ của họ trong vòng 5 năm trước khi nghỉ việc, họ phải báo cáo rõ ràng và minh bạch về công việc đó với cơ quan, trước khi rời nhiệm sở. Cơ quan quản lý cấp trên cấm các công chức sau khi nghỉ hưu làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ gây thiệt hại đối với lợi ích công vụ mà họ từng đảm nhiệm trước đó.

Một số biện pháp chống tham nhũng và tham ô hiệu quả

Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhận định rằng, chỉ số tham nhũng cho thấy rõ ràng rằng nạn tham nhũng vẫn còn là một vấn nạn lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là nhiều người dám đứng lên tuần hành chống tham nhũng, đã đến lúc giải quyết tận gốc nạn tham ô.

Một số biện pháp được xem là hữu hiệu hơn cả trong vấn nạn phòng chống tham nhũng mà chúng ta có thể tham khảo bao gồm:

Minh bạch

Từ bao kinh nghiệm xưa nay cho thấy, sự minh bạch chính là một biện pháp chống tham nhũng hữu hiệu nhất. Thực tế cho thấy, những nơi nào tính công khai, minh bạch kém thì dễ phát sinh tham nhũng. Việc thiếu công khai, minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vì vậy, công khai, minh bạch là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất, là kinh nghiệm hết sức quý báu trong phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.

Công cụ để tuyên chiến với nạn tham nhũng, tham ô chính là sự minh bạch và khiếu nại của dân chúng. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước chính là bảo đảm cho các hoạt động công khai thu chi ngân sách; công khai mua sắm tài sản công; công khai thu nhập của cán bộ, công chức; công khai quá trình tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ, công khai trong cấp bằng cấp. Loại bỏ tham nhũng, tham ô và cải cách việc tiếp nhận tiền tài trợ là điều quan trọng nhằm hiệu quả hóa các khoản hỗ trợ tài chính, tài trợ và để mục tiêu phát triển kinh tế của thế giới đạt được kết quả tốt nhất. Ở nhiều quốc gia phát triển nhờ thực hiện tốt nguyên tắc này mà đã góp phần ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả nhất.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Đức, Thụy Điển quy định, tất cả các tài liệu của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương (trừ tài liệu thuộc bí mật quốc gia) đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và trên mạng Internet, kể cả mức lương của Thủ tướng và các Bộ trưởng. Mọi công chức nhà nước đều có quyền và trách nhiệm cung cấp các thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình cho phóng viên báo chí và không ai được phép điều tra, tìm hiểu để xác định nguồn của các thông tin đã được đăng tải trên báo chí. Chính vì vậy, quá trình thực thi pháp luật được đảm bảo, và nạn tham nhũng không có nhiều cơ hội để tồn tại.

Kết hợp chặt chẽ giữa trừng phạt và phòng ngừa

Việc áp dụng sự trừng phạt tùy theo mỗi quốc gia nhưng nhìn chung, tham nhũng không thể xem như “là không” bởi tham nhũng là một tội lỗi không chỉ đối với một vài người, mà đối với cả một quốc gia.

Ví dụ tại thành Athena trong thời Hy Lạp cổ đại, các quan chức tham nhũng sẽ bị tước quyền công dân và quyền tham gia. Nếu các tổ chức chính trị của thành bang phạm tội tham nhũng thì theo luật, việc nhận hối lộ đáng phải chịu sự ô nhục và ruồng bỏ mà bị tước quyền công dân, đồng thời bị tước quyền tham gia chính trị. Đây được xem là hình phạt nhục nhã đối với dân Hy Lạp cổ đại. Còn tại Byzantium vào thế kỉ thứ XI, các quan chức tham nhũng bị làm cho mù mắt và bị làm tê liệt chức năng đàn ông (bị thiến). Đồng thời bị đi đày ải. Tại Cộng hòa La Mã áp dụng hình phạt xử tử đối với những quan tòa nhận hối lộ theo bộ luật hợp pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Twelve Tables. Ở Hoa Kỳ người nhận hối lộ phải đi tù hoặc nộp phạt nặng.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần đặc biệt coi trọng công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ với trừng phạt nghiêm khắc. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lý do là bởi trong vấn nạn phòng, chống tham nhũng nếu chỉ chú trọng đến phòng ngừa mà không trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng thì không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không hạn chế được tham nhũng mà trái lại còn làm cho tệ tham nhũng gia tăng mạnh mẽ hơn. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng đến trừng phạt mà không làm tốt phòng ngừa thì không thể loại trừ tận gốc được tham nhũng. Do đó, cần kết hợp chặt chẽ hai hình thức này.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng

Kinh nghiệm từ những thành công trong công tác đấu tranh chống tham nhũng ở những nước có nền kinh tế phát triển cho thấy, cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực nhằm ngăn chặn các hành vi lạm quyền, chuyên quyền, sử dụng quyền lực vì mục đích lợi ích của bản thân.

Thể chế kiểm soát quyền lực là những nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước làm cho quyền lực luôn bị giới hạn trong khuôn khổ pháp luật, bị giám sát bởi nhiều chủ thể khác nhau. Từ đó, tránh được tình trạng quyền lực quá tập trung dẫn đến việc độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng trong thực thi quyền lực nhà nước. Với việc hoàn thiện cơ chế, quyền lực nhà nước luôn được đảm bảo thực thi nghiêm túc, đúng pháp luật và dân chủ.

Bên cạnh việc xây dựng thể chế giám sát chặt chẽ, cần hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn điều kiện, cơ hội có thể nảy sinh tham nhũng. Cần tập trung vào tăng cường hiệu lực quản lý trong các lĩnh vực. Cụ thể ở đây là làm sao để thủ tục hành chính phải bảo đảm gọn, nhẹ, dễ thực hiện, thuận lợi cho công dân. Cần xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước, tránh tạo ra đặc quyền, đặc lợi. Thủ tục giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức phải được công khai, dân chủ. Đồng thời, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như việc giám sát thu thập, quy định kê khai tài sản của công chức.

Bên cạnh đó, cần có các đạo luật nghiêm khắc trừng trị tội phạm tham nhũng, hối lộ và các tội phạm về chức vụ, quyền hạn khác. Bên cạnh đó, cũng cần có các chế định pháp lý cứng rắn trang bị cho các cơ quan chức năng, quyền hạn lớn để độc lập trong điều tra, xử lý tham nhũng. Tạo các cơ chế kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Giám sát thực hiện phòng, chống tham nhũng

Trong cuộc chiến phòng chống tham nhũng, có nghĩa là đấu tranh chống lại các hành vi trái pháp luật của những người có chức vụ, quyền hạn nằm trong bộ máy nhà nước, hay nói cách khác là đấu tranh với thói hư tật xấu của những kẻ cầm quyền. Do đó, phải thành lập tổ chức chống tham nhũng độc lập với các cơ quan nhà nước, trực thuộc người đứng đầu Chính phủ.

Tổ chức này phải có những quyền hạn nhất định, được áp dụng các biện pháp trong sạch, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức, phải có những quy định cụ thể về chức trách, nhiệm vụ, quy chế làm việc, trách nhiệm rõ ràng. Tổ chức này là cơ quan độc lập với cơ quan hành pháp, lập pháp, chịu trách nhiệm trước nhân dân và không lệ thuộc bất cứ cơ quan quyền lực nhà nước nào. Tổ chức này sẽ là công cụ hữu hiệu cho việc giám sát thực hiện những chương trình hành động trong cuộc chiến khắc nghiệt này.

Đây chính là kinh nghiệm và bài học mà quốc gia như Anh, Mỹ, CHLB Đức, Singapore, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc đã áp dụng. Các nước này đã thành lập các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống hoặc Thủ tướng, có vị trí độc lập với cơ quan hành pháp và các cơ quan khác.

Ngoài ra, để cho công cuộc phòng chống tham nhũng thành công thì không thể chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan nhà nước mà cần phải có được sự tham gia, ủng hộ tích cực của toàn xã hội. Cần xây dựng được cơ chế xã hội. Cộng đồng chính là người giám sát hữu hiệu, góp phần phanh phui nhiều vụ việc, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Cần tạo ra cơ chế dân chủ để nhân dân tố giác, phát hiện tham nhũng. Có quy định và biện pháp bảo vệ người tố cáo về hành vi tham nhũng, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời thích đáng đối với những người có công trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.

Có rất nhiều quốc gia đã tranh thủ sự tham gia của cộng đồng, từ đó công tác thực thi giám sát các chương trình dự án phòng chống tham nhũng có kết quả tốt. Điển hình nhất là tại Trung Quốc, có tới 80% vụ án tham nhũng khám phá được là do nhân dân, báo chí tố giác và hơn 90% là do nhân dân, báo chí cung cấp đầu mối. Nếu tội tham nhũng được phát hiện và xử lý thì người tố giác, tố cáo tội phạm được hưởng một tỷ lệ phần trăm nhất định trên tổng số giá trị tài sản mà cơ quan đấu tranh chống tham nhũng thu giữ được.

Đặc biệt, cần phát huy được vai trò và trách nhiệm của truyền thông trong phòng, chống tham nhũng. Bởi vì truyền thông vốn là lực lượng quan trọng trong việc cung cấp các thông tin khách quan, độc lập cho xã hội để đấu tranh chống tham nhũng. Để phát huy vai trò của báo chí, các khuôn khổ pháp lý cho phép báo chí tự do tiếp cận thông tin để thực hiện vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của bộ máy và các quan chức, tạo sức ép dư luận, chỉ trích các công chức và các chính trị gia tham nhũng buộc chính quyền phải xử lý, chứ không thể né tránh.

Truyền thông không chỉ có công lớn trong việc phát hiện, bóc trần các hành vi tham nhũng mà nó còn là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền vận động nhân dân, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuyên truyền những hình mẫu về chống tham nhũng, những gương điển hình, cách làm hay trong chống tham nhũng. Truyền thông không chỉ có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chống tham nhũng mà còn giữ vai trò là tác nhân, thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng phát triển sâu, rộng, tạo thành một cuộc tiến công tổng lực trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy tuyên truyền cũng có những việc làm sai, nhất là phản ánh thiếu khách quan, trung thực một số vụ án tham nhũng, gây định hướng xấu trong dư luận. Do đó, cần có một cơ chế nghiêm minh. Cần phê bình, kỷ luật nhà báo, cơ quan báo chí viết sai, phản ánh sai. Song những bài viết đúng, viết hay rất cần được khen thưởng kịp thời.

Phòng, chống tham nhũng: Bắt đầu từ trên xuống dưới

Không thể có thành công trong phòng chống tham nhũng nếu không bắt đầu từ lãnh đạo cấp trên. Đó chính là các cơ quan và cá nhân đại diện cho quyền lực của Đảng và Nhà nước. Một khi các cơ quan công quyền và đội ngũ lãnh đạo trong các tổ chức Đảng và Chính phủ đều trong sạch thì khả năng xảy ra tham nhũng càng ít.

Phòng chống tham nhũng không thể có hiệu quả nếu những người cầm quyền thiếu kiên quyết. Vì vậy, điều trước tiên để chống tham nhũng có hiệu quả, đòi hỏi một quyết tâm thực sự bài trừ và phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ, của những nhà lãnh đạo cao nhất.

Đây là ví dụ điển hình của Singapore. Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm chính trị rõ ràng trong đấu tranh chống tham nhũng, kiên quyết xử lý những người vi phạm, bất kể họ ở cương vị nào. Chính nhờ quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng này, mà nhiều năm nay, quốc gia này luôn là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới.

ThS. Khánh Phương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều