Dưới đây một chuyên gia Mỹ về ứng phó với bão lụt, được đăng tải trên trang CNN. Tác giả của những phân tích này, David Halstead, nguyên là Giám đốc Bộ phận Quản lý Khẩn cấp của bang Florida, Mỹ. Ông nêu cao tinh thần cảnh giác không chỉ trong bão mà còn cả sau bão.
Sóng lớn đánh vào bờ do siêu bão Irma. Ảnh: Reuters.
Thoạt đầu cảm giác vui sướng dâng trào khi chúng ta sống sót qua bão. Không vui sao được khi người thân bình yên, thú cưng an toàn, còn tài sản chỉ hư hại nhẹ. Tuy nhiên câu chuyện không dừng lại ở thời điểm bão vừa đi qua.
Sau mùa bão 2004, tác giả David Halstead đã xem xét kỹ hơn 100 trường hợp tử vong gắn với một trong 4 cơn bão đổ bộ vào Florida năm đó, là bão Charley, Frances, Ivan và Jeanne. Ông Halstead đọc đi đọc lại các con số thống kê và kinh ngạc khi hiểu ra tình huống tử vong của mỗi một nạn nhân nói trên. Trong số đó, nhiều người ban đầu sống sót sau bão nhưng rồi đã tử vong một cách đáng tiếc trong giai đoạn khắc phục hậu quả của bão.
Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có một số người không tuân thủ lệnh sơ tán và quyết định chống chịu bão ngay tại nhà của mình và rồi có kết cục là chết ngạt trong các cột sóng cao. Rồi có những câu chuyện về những người đã sống sót nhưng cố lái xe qua những đoạn đường ngập lụt. Kết quả là xe họ đi trệch khỏi đường và lao xuống các hố hoặc rãnh sâu khiến người trong xe đuối nước. Quá nhiều người cứ đinh ninh rằng ô tô của họ có khả năng vượt nước lũ. Trong khi trên thực tế, nước lũ khi dâng một chút là có thể cuốn trôi ô tô.
Chỉ có 1/4 số trường hợp chết trực tiếp do bão
Tác giả Halstead cho biết, nếu ông nhớ không nhầm thì có chưa đầy 25% những người tử vong do tác động trực tiếp từ một trong 4 cơn bão ập vào Florida năm 2004. Halstead dẫn lại phân tích của Trung tâm Bão nhiệt đới Quốc gia Mỹ về con số thống kê thương vong và thiệt hại trong trận bão Frances. Theo đó, bão Frances chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp về 7 ca tử vong: 5 ở Flordia, 1 ở Bahamas, và 1 ở Ohio. Trong đó có 3 người chết do gió bão, 2 do nước biển dâng, 1 do ngập lụt, và 1 do sét đánh.
Thế nhưng, theo phân tích trên, bão Frances lại gián tiếp gây ra cái chết cho 43 người: 32 ở Florida, 1 ở Georgia, 1 ở Alabama, 1 ở Bahamas, và 1 ở Ohio.
Vậy đâu là nguyên nhân của những trường hợp chết gián tiếp?
Câu trả lời là: Một số người chạy máy phát điện trong gara đóng kín và chết vì ngộ độc khí carbon monocide. Một nam giới thì tử vong khi rơi từ mái nhà trong lúc dọn các mảnh vỡ và sửa chữa mái nhà. Số khác thì chết trong các tình huống như bị nhồi máu cơ tim do căng thẳng, bị điện giật do các dây điện chìm dưới nước, và bị cành cây rơi vào người…
Thực tế nghiệt ngã này cho thấy ngay cả khi bão đã đi qua, hiểm nguy vẫn chưa thôi rình rập.
Biện pháp phòng ngừa
Con số lớn các ca tử vong xảy ra sau bão cho thấy, những ai sống sót cần hết sức thận trọng khi tiến hành công việc dọn dẹp, đặc biệt là trên các mái nhà trơn ướt. Việc cắt bỏ các cành cây trên cao cũng đòi hỏi kỹ năng, và tốt hơn hết nên nhờ người thợ chuyên làm công việc này.
Nếu bạn chạy máy phát điện thì hãy xem lại các hướng dẫn sử dụng an toàn và bảo đảm có đủ chỗ thông hơi.
Việc lái xe, đi bộ hay thậm chí đứng yên một chỗ trong nước lũ cũng là điều rất nguy hiểm do luôn có nguy cơ dây điện và các rãnh nước sâu nằm chìm dưới lớp nước có thể gây ra các tai nạn thương tâm.
Nói cách khác, việc cẩn trọng phải được tiếp tục duy trì sau bão. Nhất là khi siêu bão Irma hiện nay còn mạnh hơn rất nhiều so với những trận bão từng đánh vào Florida trước đây./.
Năm 2017, sau khi Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu thì liên tiếp bão tố đổ lên đầu người dân Mỹ, hết siêu bão Harvey thì lại đã có siêu bão Irma trực chờ. Bão Harvey đem đến lượng mưa lên tới 1,4m và đã làm chết hàng chục người Mỹ cũng như gây tổn thất kinh tế vô cùng lớn cho nước Mỹ. Hy vọng sau các sự kiện này, ông Trump sẽ suy nghĩ lại về vấn đề biến đổi khí hậu.
|
Theo Trung Hiếu/VOV.VN (CNN)