|
Quang cảnh Cảng hàng hóa Long Beach ở California. (Ảnh: Reuters)
|
Những thông tin về việc doanh nghiệp trên khắp các châu lục rơi vào tình trạng phá sản xuất hiện liên tục thời gian qua. Theo kết quả khảo sát cơ quan nghiên cứu Tokyo Shoko Research vừa công bố, số doanh nghiệp phá sản ở Nhật Bản trong năm 2023 tăng 35,2% so với năm 2022, lên 8.690 doanh nghiệp, chạm mức cao nhất trong bốn năm qua.
“Mây đen” phá sản cũng bao trùm khu vực châu Âu. Viện Nghiên cứu kinh tế Đức công bố số liệu ước tính cho thấy, có tới 18.100 công ty ở Đức nộp đơn xin phá sản trong năm 2023, tăng 23,5% so với mức năm 2022.
Trong khi đó, hơn 55.000 doanh nghiệp ở Pháp phải đóng cửa, đánh dấu mức cao kỷ lục về số công ty dừng hoạt động kể từ năm 2017. Khoảng 10.000 công ty ở Thụy Sĩ cũng bị giải thể trong năm 2023. Đặc biệt, tình trạng phá sản do nợ nần ngày càng tăng.
Financial Times dẫn số liệu từ các văn phòng thống kê quốc gia cho thấy, làn sóng phá sản trên thế giới đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong nhiều thập niên qua.
Trong 12 tháng tính đến tháng 9/2023, tình trạng mất khả năng thanh toán của các doanh nghiệp Mỹ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong chín tháng kể từ đầu năm 2023, số doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố “bỏ cuộc chơi” tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, chạm mức cao nhất trong tám năm qua.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho biết, tại một số quốc gia thành viên, tỷ lệ phá sản đã vượt mức xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Các lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động nhất là khách sạn, vận tải và bán lẻ.
Giới phân tích cho rằng, các chương trình hỗ trợ giai đoạn Covid-19 kết thúc là nguyên nhân hàng đầu khiến làn sóng dữ này lan rộng.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ tính riêng trong năm 2020 và bốn tháng đầu năm 2021, các chính phủ đã chi tới hơn 10.000 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp và gia đình.
Những gói hỗ trợ tài chính khổng lồ này là phao cứu sinh giúp nhiều doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn của đại dịch. Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, ông Neil Shearing nhận định, nhiều công ty đã mất khả năng thanh toán và chỉ có thể cầm cự nhờ vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Vì vậy hiện nay, khi hầu hết các gói hỗ trợ đã kết thúc, những khuyết điểm và yếu kém trước đó của doanh nghiệp ngày càng bộc lộ rõ hơn, dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt. Ngoài ra, giá năng lượng đắt đỏ và lãi suất cao cũng gia tăng gánh nặng khiến nhiều công ty không thể trụ vững.
Đáng lo ngại, làn sóng phá sản được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2024 do nhiều công ty đến kỳ đáo hạn nợ với mức lãi suất cao hơn. Công ty dịch vụ tài chính Allianz (Đức) dự báo, số doanh nghiệp phá sản trên toàn cầu sẽ tăng ít nhất 10% năm 2024, sau khi tăng khoảng 6% năm 2023.
Tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng trong năm 2023 sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024, dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán của nhiều công ty, nhất là trong các ngành bán lẻ, thời trang, chăm sóc sức khỏe, bất động sản và xây dựng.
Doanh nghiệp ở một số ngành khác như dịch vụ ăn uống, phụ tùng ô-tô, cơ khí... cũng đối mặt nguy cơ cao phải đóng cửa. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt cũng khiến một số công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị đẩy gần hơn tới bờ vực phá sản.
Làn sóng doanh nghiệp phá sản có thể gây ra những hệ quả lâu dài đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm toàn cầu những năm tới. Tuy nhiên, giới phân tích kỳ vọng, mức đỉnh của số vụ doanh nghiệp phá sản sẽ không cao như trong các cuộc khủng hoảng trước đây, do nhiều chính phủ tiếp tục duy trì các biện pháp trợ cấp năng lượng và kích thích tăng trưởng kinh tế.
TIẾN DŨNG/Theo Báo Nhân dân