Mùa Xuân đã đến với những quốc gia châu Á giữ phong tục đón Tết Âm lịch.
Ngoài Việt Nam, ở châu Á vẫn còn một số quốc gia giữ phong tục đón Tết Âm lịch và lễ hội xuân như Hàn Quốc, Singapore, Mông Cổ và Trung Quốc. Dù có không ít nét khác biệt do đặc thù văn hóa, song tựu chung lại, những lễ hội mùa xuân của các quốc gia này đều hướng đến việc chào đón năm mới bình an, ấm no cho người dân, đồng thời gắn kết họ cùng hướng đến những mục tiêu mới của đất nước.
Mùa xuân ở Hàn Quốc chính là mùa lễ hội của những loài hoa. Những lễ hội này thường khởi đầu vào đầu tháng 3 khi mà gió đã bớt lạnh và không khí ngày một ấm lên. Người dân Hàn Quốc thường không thể bỏ qua lễ hội hoa mai quốc tế Gwangyang, nơi du khách có thể tản bộ giữa rừng mai tuyệt đẹp. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 - 22/3 hàng năm tại thành phố Gwangyang, tỉnh Jeollanam. Được diễn ra lần đầu tiên vào năm 1997, lễ hội đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật nhất, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.
Bên cạnh việc thưởng thức những lễ hội hoa rực rỡ mùa xuân người dân Hàn Quốc hàng năm còn háo hức chờ đón những lễ hội ẩm thực mang đậm nét văn hóa dân tộc. Vào thời điểm này trong năm, rất nhiều các lễ hội ẩm thực diễn ra trên khắp đất nước trong đó có lễ hội cua tuyết Uljin thường được tổ chức vào đầu tháng 3 tại huyện Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk nhằm tôn vinh đặc sản cua tuyết của địa phương. Tại đây, du khách có thể nếm thử hoặc mua cua tuyết. Bên cạnh đó du khách còn được tham gia rất nhiều các chương trình thực tế như biểu diễn nhảy điệu cua tuyết, trải nghiệm du thuyền, các buổi biểu diễn đường phố, đấu giá cua tuyết và nhiều hoạt động khác. Hàn Quốc còn có lễ hội ẩm thực đa văn hóa Seongbuk Nurimasil là một lễ hội quốc tế đặc biệt với chủ đề về những món ăn ngon từ khắp nơi trên thế giới cùng tụ hợp lại trong một không gian chung. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng từ khắp nơi trên thế giới, cũng như các buổi biểu diễn âm nhạc, kịch câm và các màn biểu diễn đường phố khác.
Tại Trung Quốc, những lễ hội đầu năm luôn mang đậm màu sắc văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc. Lễ hội đèn lồng đánh dấu sự kết thúc của Tết Âm lịch của Trung Quốc. Sự kiện được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Lễ hội đèn lồng tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm được xem như sự kiện quan trọng và dài nhất của người Trung Quốc.
Từ xa xưa, người Trung Quốc đã tin rằng đèn lồng có khả năng xua đuổi ma quỷ, mang lại bình yên và may mắn nên thường treo chúng tại cổng nhà và cửa hàng ngay trước thềm năm mới. Dần dần, nghi lễ này trở thành hoạt động lớn, khi đó, người dân sẽ mặc những bộ đồ màu đỏ, in hình hoa và đèn lồng để hy vọng một năm mới bình an, thịnh vượng.
Là một đất nước đa chủng tộc, Singapore kỷ niệm nhiều lễ hội trong suốt cả năm. Đối với những người dân đón Tết Âm lịch thì lễ hội River Hongbao là một sự kiện tiêu biểu nhất trong các hoạt động chào mừng năm mới. Một sân khấu nổi được dựng trên Vịnh Marina đã thu hút đông đảo người dân địa phương lẫn du khách. Từ Hongbao nghĩa là bao lì xì đỏ, tức tiền mừng tuổi vào dịp Tết Âm lịch cũng là biểu tượng của sự may mắn. Lễ hội sống động này mang đến một trải nghiệm văn hóa Trung Hoa đặc biệt từ những chiếc đèn lồng khổng lồ cho đến những món ăn vô cùng hấp dẫn, đây quả là một bữa tiệc cho các giác quan. Những chiếc đèn lồng vô cùng ấn tượng, khắc họa những hình tượng trong thần thoại và truyền thuyết Trung Hoa, được các thợ thủ công tới từ Trung Quốc làm bằng tay ngay tại chỗ. Những mẫu đèn lồng được công chúng yêu thích gồm có đèn lồng Thần Tài và đèn 12 Con Giáp.
Với vô số các hoạt động bên lề, từ các trò tàu lượn cho đến các hoạt động hóa trang, mang đến những trải nghiệm nhiều màu sắc cho người dân và du khách. Các màn biểu diễn kinh kịch và các chương trình biểu diễn đường phố khác góp phần làm trọn vẹn thêm trải nghiệm đa dạng này.
Giống như hầu hết các quốc gia giàu truyền thống và văn hóa trên thế giới, Mông Cổ có rất nhiều lễ hội đặc trưng trong những ngày đầu xuân mới. Nhiều lễ hội trong số này được đánh giá là di sản phi vật thể và giữ tầm quan trọng trong văn hóa Mông Cổ hiện nay. Tsagaan Sar thường diễn ra vào đầu tháng 2 là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Mông Cổ. Trong văn hóa hiện đại, dịp lễ hội này là thời gian người dân Mông Cổ gặp gỡ gia đình và bạn bè cũ. Nếu trong năm qua họ có xung đột hay nợ nần thì thời gian này chính là dịp để xin lỗi và bắt đầu các mối quan hệ mới hoặc trả nợ. Người đứng đầu gia đình thường tổ chức một bữa tối, mọi thành viên cùng quây quần bên bữa ăn và trao đổi quà tặng nhau. Họ cũng mặc những trang phục truyền thống đẹp nhất. Người lớn tuổi nhận được lời chúc từ con cháu. Họ cầm những dải lụa dài có tên gọi Khadag để tượng trưng cho mối quan hệ ràng buộc. Các món ăn truyền thống như thịt cừu, gạo, sữa đông, đuôi cừu và các sản phẩm bơ sữa khác được phục vụ trong dịp lễ hội này.
Lễ hội Nauryz hay lễ hội mùa xuân thường diễn ra vào giữa tháng 3 do những người dân du mục ở phía Tây Mông Cổ tổ chức. Nauryz có nghĩa là những ngày mới, nó tượng trưng cho sự tốt lành, hạnh phúc, tình bạn và tình yêu. Lễ kỷ niệm này thúc đẩy tính cộng đồng của người dân.
Trong lễ hội Nauryz, tại các thành phố những buổi hòa nhạc dân gian, cuộc diễu hành và thi đấu vật diễn ra sôi động, thu hút đông đảo người dân. Người dân tin rằng lễ hội này sẽ đem lại hạnh phúc trong cả một năm. Một ngày trước khi lễ hội diễn ra, tất cả những thùng chứa trong nhà đều được đổ đầy sữa, ngũ cốc và nước suối để tượng trưng cho sự thịnh vượng của mùa thu hoạch.
Hầu hết các lễ hội ở Việt Nam đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng. Từ mùng 3 Tết, các lễ hội đầu xuân bắt đầu diễn ra, thu hút nhiều người dân tham gia. Các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc và yếu tố vùng miền, được tổ chức rộng rãi từ Bắc tới Nam.
Lễ hội chùa Hương được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội đông và kéo dài nhất ở Việt Nam. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được thưởng ngoạn không gian của non nước xinh đẹp với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Lễ hội ở đền Trần, Nam Định được xem là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất cả nước. Đa số du khách đến đây hành lễ đều mong muốn xin hoặc mua được một tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp và học hành, thi cử đỗ đạt. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần... để phục vụ khách tham quan.
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh) để tưởng nhớ, tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc. Mọi công việc cho Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sáng sớm ngày mùng 4 nhưng phải đến đúng 9 giờ sáng, hai quả pháo lớn tượng trưng cho pháo Nhất, pháo Nhì được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người trong sự chứng kiến và háo hức của hàng nghìn khách thập phương. Tưng bừng nhất là màn rước pháo; các hoạt động văn hoá thể thao xung quanh khu vực diễn ra hội làng cũng không kém phần sôi nổi như hát quan họ, hát tuồng cùng các cuộc so tài môn cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, chọi gà…
Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng kéo dài hết tháng 3 âm lịch. Du khách đổ về Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng. Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam.
Lễ hội núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh diễn ra từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng, còn được gọi là lễ hội Linh Sơn Thánh Mẫu và là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam. Phần đông du khách đến cầu nguyện mong Thánh Mẫu phù hộ gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi.
Ngoài ra, còn các lễ hội truyền thống khác ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam như lễ hội bà Chúa Kho, hội Lim, lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội), lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)…
Hồng Nhung biên dịch