Nhiệm vụ hàng ngày của kỵ binh, cụ thể là cảnh sát kỵ binh, phần lớn là làm nhiệm vụ mang tính nghi thức nhưng cũng được điều động để đảm bảo an ninh trật tự nhờ tính linh động, lợi thế chiều cao. Họ có thể ngăn chặn tội phạm và thực hiện vai trò duy trì trật tự cần tầm nhìn rõ.
Kỵ binh Ấn Độ diễu hành. Ảnh: Indiaexpress
Với chiều cao và tầm nhìn tốt khi ngồi trên ngựa mà cảnh sát có thể quan sát khu vực rộng hơn, cũng như giúp người ở khu vực rộng có thể thấy cảnh sát, từ đó góp phần làm chùn bước tội phạm, đồng thời giúp người dân tìm cảnh sát dễ dàng khi cần.
Cảnh sát kỵ binh có thể làm nhiệm vụ đặc biệt từ tuần tra công viên, khu vực hoang dã - những nơi việc sử dụng phương tiện cơ giới sẽ không khả thi hoặc gây tiếng ồn, cho tới nhiệm vụ chống bạo động - tình huống mà những con ngựa to lớn có thể thị uy những người mà cảnh sát muốn giải tán.
Cảnh sát kỵ binh có thể lao tới bắt giữ kẻ gây rối trong đám đông. Ví dụ như ở Anh, cảnh sát kỵ binh hay xuất hiện ở các trận bóng đá.
Ngày nay, đội kỵ mã số 61 của quân đội Ấn Độ là lực lượng kỵ binh lớn nhất thế giới vẫn còn hoạt động. Đội kỵ mã này được thành lập năm 1951 từ các đội kỵ binh Gwalior, Jodhpur và Mysore. Mặc dù chủ yếu được triển khai vì mục đích nghi thức, nhưng trung đoàn kỵ binh này có thể phục vụ mục đích an ninh nội bộ hoặc đảm nhận vai trò cảnh sát theo yêu cầu.
Trung đoàn kỵ binh số 61 và vệ sĩ của Tổng thống thường diễu hành ở New Delhi hàng năm. Sự kiện này có lẽ là cuộc tập hợp lớn nhất của lực lượng kỵ binh truyền thống trên thế giới.
Nguồn gốc của trung đoàn kỵ binh số 61 bắt đầu từ thời Anh. Vệ sĩ của tổng trấn và các đơn vị kỵ binh khác từ các tiểu vương quốc Ấn Độ là một phần của lực lượng quân chủng đế quốc. Sau khi độc lập, vệ sĩ của tổng trấn trở thành đơn vị vệ sĩ của Tổng thống thuộc quân đội Ấn Độ. Sau khi chính quy hóa Quân đội Ấn Độ năm 1951, các đơn vị kỵ binh khác được cải tổ và đặt tên mới. Tháng 10/1953, các đơn vị này được kết hợp và tạo thành trung đoàn mới mang tên kỵ binh số 61. Các quan chức quân đội cho biết trung đoàn kỵ binh số 61 là một phần quan trọng của truyền thống quân đội Ấn Độ. Đại tá Rajesh Patty nhấn mạnh: “Trung đoàn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của quân đội Ấn Độ.
Trung đoàn đã xuất sắc trong thực hiện vai trò nghi thức, vai trò hoạt động và vai trò hỗ trợ. Trung đoàn nhỏ này đã mang về nhiều giải thưởng. Không những thế, trung đoàn còn nổi tiếng toàn thế giới”.
Cảnh sát kỵ binh ở Tokyo. Ảnh: Reddit
Còn tại Nhật Bản, Sở Cảnh sát Tokyo là một trong ba lực lượng cảnh sát ở Nhật Bản có đơn vị cảnh sát kỵ binh. Đây là một đơn vị liên kết với một trong những lực lượng thuộc cảnh sát giao thông có 23 thành viên và 16 con ngựa.
Ngoài việc tham gia các sự kiện an toàn giao thông và ngăn chặn tội phạm ít nhất 300 lần/ năm, đơn vị này còn phụ trách giám sát trẻ em trên các tuyến đường tới trường.
Cảnh sát kỵ binh thuộc Sở Cảnh sát Tokyo được thành lập tháng 9/1903. Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, có một thời gian đơn vị này làm nhiệm vụ xử lý vi phạm luật giao thông. Khi đó, cảnh sát kỵ binh truy tìm gắt gao người vi phạm luật giao thông. Dần dần, ngựa được thay bằng mô tô cảnh sát.
Đơn vị cảnh sát kỵ binh thường bổ sung ngựa mới sau khi tuyển chọn con khỏe mạnh, nền tính trong số những con từng là ngựa đua từ các câu lạc bộ cưỡi ngựa ở khu vực Kanto. Mỗi con có giá hơn 9.000 USD. Ngoài Sở cảnh sát thủ đô, cảnh sát tỉnh Kyoto và trụ sở vệ binh Hoàng gia cũng có lực lượng cảnh sát kỵ binh.
Tại Canada, có 7 thành phố sử dụng cảnh sát kỵ binh, trong đó có các thành phố như lớn như Montreal, Toronto, Vancouver… Riêng đơn vị cảnh sát kỵ binh Toronto có 40 thành viên và 25 con ngựa.
Finley-Kellough làm cảnh sát ở Toronto đã 17 năm và từng đi tuần bằng ô tô, xe đạp và giờ là ngựa. Cô kể về một ngày làm việc: “Chúng tôi tới nhận ca tuần tra và được giao ngựa. Sau đó, chúng tôi dọn chuồng ngựa, quét lối đi, chải lông ngựa và cưỡi ngựa đi tuần”. Ngoài ra, cảnh sát cũng phải cho ngựa ăn, trải ổ rơm mới, làm sạch đinh và chăm sóc móng ngựa.
Cảnh sát kỵ binh Canada. Ảnh: locallove.com
Mỗi con ngựa phải mất 6 tháng huấn luyện để phục vụ trong đơn vị cảnh sát kỵ binh. Từ vụ tai nạn khiến một con ngựa mất mắt trong bạo loạn ở Queen’s Park năm 2010, ngựa của cảnh sát đã được bảo vệ kỹ lưỡng, trang bị đồ bảo hộ chống bạo loạn đầy đủ, kể cả mũ bảo hiểm
Ngoài việc tuần tra, cảnh sát kỵ binh Toronto còn làm nhiệm vụ tìm người mất tích nhờ những lợi thế mà chỉ ngựa mới mang lại, ví dụ như có thể di chuyển trên mọi địa hình. Cảnh sát kỵ binh Toronto rất phù hợp với nhiệm vụ truy tìm trộm vì họ có thể nhanh chóng kiểm tra sân sau và đường nhỏ - nơi trộm thường ẩn nấp.
Cảnh sát Toronto còn dùng ngựa để đi phát phiếu phạt cho lái xe vi phạm hay không chú ý an toàn trên đường. Finley-Kellough nói: “Khi ai đó bị dừng lại ở đèn đỏ và thậm chí còn không biết có ngựa ở cạnh đó, họ không thể cãi với chúng tôi rằng họ đang chú ý tới giao thông”.
Tuy nhiên, ngựa ở đơn vị cảnh sát kỵ binh Toronto không phải lúc nào cũng chỉ giúp cảnh sát kiểm soát đám đông, tìm kẻ xấu hay phát phiếu phạt lái xe. Ngựa còn được coi là “đại sứ” với cộng đồng vì chúng là ví dụ về hoạt động duy trì trật tự công cộng và xây dựng cộng đồng. Finley-Kellough nói: “Đó là một cách duy trì trật tự rất khác biệt. Chúng tôi rất dễ tiếp cận. Không ai tự nhiên tới chỗ cảnh sát ngồi trong ô tô, nhưng khi chúng tôi ngồi trên lưng ngựa, người dân cảm thấy như được mời tới gần và chào hỏi”.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức