|
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Tarzana, bang California, Mỹ ngày 2/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo kênh CNN, ông Jeffrey Sachs, Giáo sư và Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia nhận định rằng phần lớn ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ lẽ ra có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, nền văn hóa chia rẽ về chính trị, kinh tế, đề cao quyền tự do cá nhân đã khiến nhiều người chết vì COVID-19.
Với trên 330 triệu dân, COVID-19 đã gây ra tỷ lệ tử vong ở Mỹ là 2.048 người/1 triệu dân. Đây là một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Chỉ một số quốc gia Nam Mỹ và vài quốc gia châu Âu có tỷ lệ tử vong cao hơn Mỹ.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong này cao một cách gây sốc, nhất là khi Mỹ sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 để ngăn ngừa tử vong. Thay vì phản ứng có trật tự và hệ thống với đại dịch, Mỹ đã lúng túng và không thống nhất ngay từ đầu.
Theo Giáo sư Sachs, nhiều người đã được cứu sống nếu Mỹ thực hiện các biện pháp y tế công cộng cơ bản cho tới khi có vaccine, như bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, quy trình xét nghiệm-truy vết-cách ly, đóng cửa các sự kiện đông người.
Đây chính là biện pháp mà Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand… đã thực hiện triệt để. Tỷ lệ tử vong tính trên một triệu dân ở những nước này chỉ bằng một phần rất nhỏ trong tổng ca tử vong của Mỹ. Các nước trên đều có chưa đầy 50 ca tử vong/1 triệu dân, tức chưa bằng 1/40 tỷ lệ tử vong ở Mỹ. Nếu Mỹ giữ tỷ lệ tử vong ở mức 50/1 triệu dân thay vì con số thực tế là 2.048 thì bây giờ, Mỹ đã cứu được trên 683.000 người.
Ngay cả khi Mỹ có vaccine COVID-19, các chính trị gia, điển hình là phe Cộng hòa, và nhiều người dân đã yêu cầu không xâm phạm quyền tự do cá nhân. Họ không muốn đeo khẩu trang, muốn tự do tham gia các cuộc tụ tập đông người, muốn tự do lựa chọn có tiêm vaccine không và hậu quả là tự do lây lan virus cho người khác.
Nhiều người phe cánh hữu đã coi các biện pháp bảo vệ này là cuộc tấn công quyền tự do. Do đó, ở nhiều bang, các chính quyền không yêu cầu đeo khẩu trang tại trường học ngay cả khihọc sinh phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Hậu quả là các ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở trẻ em Mỹ khi năm học bắt đầu. Viện Nhi khoa Mỹ cho biết số ca mắc mới hằng tuần hiện đã lên tới 243.373 ca, tăng khoảng 240% kể từ tháng 7 vừa qua.
Cho đến giữa tháng 9, trên 5 triệu trẻ em tại Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm 15,1% tổng số trường hợp mắc bệnh ở Mỹ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, những trẻ từ 12 tuổi trở lên đều đủ điều kiện tiêm vaccine COVID-19, nhưng tỷ lệ tiêm chủng cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 thấp hơn so với các nhóm tuổi lớn hơn.
Trong khi đó, người nghèo, người da màu, nhân viên làm việc trên tuyến đầu liên tục phải làm việc trong bối cảnh không được bảo vệ tại nơi làm việc – nơi mà nhiều người chế giễu ngay cả yêu cầu cơ bản nhất là đeo khẩu trang.
Mỹ đã xảy ra nhiều trường hợp nhân viên y tế bị lạm dụng, đe dọa giết, nhân viên bảo vệ bị bắn chết vì yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang.
Giáo sư Sachs cho rằng Mỹ đã chứng tỏ mình là nơi có khái niệm tự do rất kỳ cục khi tự do không gắn vưới trách nhiệm.
|
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Maryland, Mỹ ngày 17/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong những tuần gần đây, điều này được thể hiện rõ ở những bang như Florida, Texas, nơi mà các thống đốc phe Cộng hòa phản đối các biện pháp phòng dịch cơ bản. Thống đốc Ron DeSantis ở Florida và Greg Abbott ở Texas đã ngăn cản các học khu áp dụng yêu cầu đeo khẩu trang.
Thực tế trên cho thấy chia rẽ đảng phái, chính trị đã ảnh hưởng tới quá trình Mỹ chống dịch COVID-19, khiến người dân phải trả giá bằng mạng sống.
Trong 7 ngày qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ tiếp tục ở mức trung bình 1.900 ca/ngày.
Các chuyên gia cho rằng virus đang nhắm tới nhóm 71 triệu người Mỹ còn lại chưa tiêm phòng. Phần lớn các ca nhập viện và tử vong là những người chưa được tiêm phòng, trong khi chỉ có một số người đã tiêm mà vẫn mắc bệnh (ca vượt rào) và hầu như chỉ có triệu chứng nhẹ. Tiến sĩ Bruce Vanderhoff, chỉ đạo chuyên môn tại Cơ quan y tế bang Ohio, cảnh báo những người chưa tiêm về nguy cơ nhập viện và tử vong là hiện hữu, đồng thời kêu gọi nhóm này thay vì ngồi đó tính toán phần trăm nguy cơ thì hãy thực hiện một việc đơn giản, an toàn và hiệu quả là đi tiêm phòng.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ William Moss tại Đại học Johns Hopkins, nhiều cộng đồng cư dân có tỷ lệ tiêm phòng thấp lại là những nơi có tỷ lệ người mắc tiểu đường và béo phì cao. Những yếu tố này kết hợp với sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến tỷ lệ tử vong tăng nhanh. Tiến sĩ Moss cho rằng đây thực sự là một thất bại về mặt xã hội, khiến các bệnh viện quá tải, các phòng chăm sóc đặc biệt không còn giường và khiến số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ cao đến mức như hiện tại.
Theo Thùy Dương/Báo Tin tức