Một số kinh nghiệm từ công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước

(Mặt trận) - Mặt trận Lào Xây dựng đất nước là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong xã hội, là điểm tựa của chế độ dân chủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Gần 40 năm đổi mới đất nước Lào, cũng là bấy nhiêu thời gian Mặt trận Lào Xây dựng đất nước không ngừng phát triển, đổi mới. Một trong những nội dung được quan tâm phát triển, đổi mới nói trên là công tác giám sát và phản biện xã hội. Tuy vậy, đến nay đây vẫn là vấn đề khó mà Mặt trận Lào chưa có nhiều kinh nghiệm. Để đổi mới, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước vẫn đang nỗ lực từng bước phấn đấu vươn lên.

Theo quan điểm của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Lào Xây dựng đất nước, giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu khách quan mang tính phổ biến với bất cứ thiết chế nhà nước dân chủ nào, trong đó có nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Thực tế nhiều năm trước đây với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, việc kiểm tra, giám sát quyền lực của Đảng, Nhà nước chủ yếu vẫn là “tự kiểm tra, giám sát”. Nói cách khác, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện chủ yếu bằng chính ngay thiết chế của Đảng, Nhà nước, ít có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân mà Mặt trận Lào Xây dựng đất nước là chủ thể đại diện.

Theo quy định được ghi trong Luật và Điều lệ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước thì Mặt trận Lào là một bộ phận trong hệ thống chính trị của chế độ dân chủ nhân dân Lào có vai trò, chức năng giám sát hoạt động các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật từ trung ương đến cơ sở. Đây là công việc rất quan trọng được giao cho các cơ quan Ủy ban Mặt trận các cấp, mỗi cơ quan Ủy ban Mặt trận lại có các ban chuyên môn đảm nhận.

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước có Ban Thường trực là cơ quan giúp việc giữa 2 kỳ Đại hội thực hiện theo chỉ đạo của Uỷ ban và theo hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Thanh tra Trung ương và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Cơ quan giúp việc là Ban Thường trực có trách nhiệm chủ động chuẩn bị các nội dung cần giám sát, phản biện cũng như tập hợp ý kiến cử tri và quần chúng nhân dân nói chung trình ra Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tại mỗi kỳ họp để cho ý kiến và quyết định.

Hiến pháp năm 2015 (sửa đổi) của nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào khẳng định: Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào là Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực là của Nhân dân.

Đại hội XI của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (năm 2021) khẳng định: Để nâng cao khả năng lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng, tăng cường đại đoàn kết nhân dân cả nước, vững vàng đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc, gìn giữ và phát triển Tổ quốc theo hướng bền vững tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách vững chắc, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và của Nhân dân là một nhiệm vụ và là nguyên tắc lãnh đạo quan trọng của Đảng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục cải tiến và phát triển chế độ dân chủ nhân dân nhằm xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động giám sát của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước góp phần làm cho đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước luôn đúng đắn, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune tại cuộc Hội đàm giữa Đoàn đại biểu Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Đoàn đại biểu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước (Hà Nội - tháng 4/2023)  

Hiện nay, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ giúp nâng cao vị thế Mặt trận Lào mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Cụ thể chỉ trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã tham mưu cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng 31 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; 39 văn bản về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; tham mưu giúp Ban Bí thư, Bộ Chính trị giám sát 69 cấp uỷ và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương…

Phương thức giám sát đã được quan tâm đổi mới, từng bước đa dạng hoá các hình thức giám sát như không chỉ giám sát trên cơ sở kế hoạch, chương trình theo định kỳ hàng tháng, hàng năm mà có thể giám sát trực tiếp khi có vấn đề phát sinh do đơn khiếu nại, tố cáo của nhân dân hoặc báo chí phản ánh. Còn phải kể đến sự phối hợp giám sát ngày một nhiều hơn, tốt hơn giữa Mặt trận với các ban chuyên môn của Quốc hội và bước đầu đã có những kết quả tích cực.

Qua thực tế cho thấy, công tác giám sát của Mặt trận Lào hướng tập trung vào các nội dung, lĩnh vực như: Giám sát việc thực hiện Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở; giám sát việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt trong bộ máy của Đảng, Nhà nước; giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng; giám sát việc thực hiện chuyển đổi chủ trương không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường; giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đại biểu dân cử…

Song song với giám sát, công tác phản biện xã hội của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước bước đầu được quan tâm, tạo điều kiện. Ban Thường trực cùng các ban tư vấn đã tập hợp được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức đại diện cho đông đảo các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội làm tăng tính thiết thực và hàm lượng trí tuệ trong mỗi ý kiến phản biện xã hội, nhất là với các nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.

Phản biện xã hội của Ban Thường trực, các ban tư vấn, cộng tác viên của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước không chỉ được tổ chức đa dạng, phong phú mà phương thức hoạt động đã linh hoạt hơn, phù hợp với yêu cầu thực tế như phản biện thông qua các hội nghị, hội thảo; qua thu thập lấy ý kiến của nhân dân; qua tập hợp ý kiến từ các tổ chức thành viên.

Đặc biệt phải kể đến hình thức đối thoại trực tiếp giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền với Mặt trận. Do Mặt trận tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, vì thế mà môi trường dân chủ được mở rộng hơn, quyền làm chủ của nhân dân không ngừng được phát huy tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người dân được nói lên tiếng nói của mình.

Thông qua đó, Đảng và Nhà nước có thể lắng nghe, tiếp thu, trả lời; thậm chí có thể giải quyết trực tiếp ngay vụ việc, vấn đề nếu có thể. Rõ ràng, phương thức phản biện xã hội mang tính nhân dân rộng rãi này đã và đang là một điểm sáng mới trong hoạt động, công tác của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước.

Nội dung của công tác phản biện xã hội của Mặt trận Lào cho thấy đều hướng tập trung vào việc Đảng, Nhà nước phải trả lời câu hỏi có cần thiết hay không ban hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị; thực hiện các chương trình, dự án.

Ở cấp Trung ương, một số chương trình, dự án lớn của Chính phủ như thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường; nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; đề án xây dựng trụ sở làm việc mới cho chính quyền các cấp đều được đem ra trao đổi, thảo luận để tìm ra phương án tốt nhất, có lợi cả về kinh tế tài chính.

Bên cạnh Mặt trận đứng ra chủ trì, công tác phản biện xã hội còn phát huy được vai trò chủ động từ các tổ chức thành viên như Hội Nông dân Lào phản biện việc ban hành nghị quyết “Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Đoàn Thanh niên phản biện việc ban hành nghị quyết “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”; Hội Liên hiệp Công đoàn Lào phản biện nghị quyết “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Lào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Còn phải kể đến vai trò của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Lào đã tập hợp, phát huy rất có hiệu quả đội ngũ trí thức, nhà khoa học có chuyên môn sâu tham gia được nhiều ý kiến có chất lượng vào những công việc ích nước, lợi dân này.

Trong dịp chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ XI, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước còn tổ chức nhiều cuộc họp, gặp mặt với hàng trăm nhân sỹ, trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia phản biện phát huy dân chủ, quyền làm chủ đóng góp được nhiều nhất ý kiến có chất lượng chuẩn bị cho các văn kiện Đại hội của Đảng.

Đây là những việc làm rất thiết thực để Mặt trận Lào Xây dựng đất nước tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần đáng kể nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước. Sự tham chính, tham nghị đầy trách nhiệm của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước như nói trên không chỉ giúp làm tăng vị thế, uy tín của Mặt trận Lào mà còn góp phần thiết thực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Điều rất cơ bản hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước không dừng ở tham gia đóng góp được nhiều ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền mà còn tạo ra bầu không khí dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Về bản chất thì thực hiện giám sát và phản biện xã hội cũng chính là mở rộng dân chủ, là tạo điều kiện đưa nhân dân tham gia vào công việc quản lý nhà nước và xã hội, cũng tức là phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Điều rõ ràng là, dân chủ xã hội chủ nghĩa những năm qua ở nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào không ngừng được mở rộng; tính tích cực xã hội của quần chúng nhân dân theo đó cũng được tăng cường, phát huy; quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội cho thấy càng gắn bó, gần gũi hơn đúng như thông điệp “Đảng nói thì dân tin; chính quyền làm thì dân ủng hộ; Mặt trận, đoàn thể vận động thì dân theo”.

Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn cho thấy không chỉ đổi mới nội dung mà phương thức hoạt động của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước cũng được đổi mới một bước. Bên cạnh những hoạt động chung mang tính liên minh chặt chẽ trên cơ sở phát huy vai trò của Mặt trận giữa các tổ chức thành viên vẫn có những hoạt động riêng phản ánh lợi ích, quyền lợi theo từng giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các giới, thành phần xã hội khác nhau. Nói cách khác, phương thức hoạt động của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước được thực hiện dựa trên cơ sở giữ vững nguyên tắc phối hợp và thống nhất hành động chung, song linh hoạt và tôn trọng tính độc lập của từng tổ chức, đúng như Điều lệ Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, việc đã làm được, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Lào Xây dựng đất nước những năm qua vẫn còn có mặt hạn chế. Một số nội dung, vấn đề; phương thức tổ chức giám sát và phản biện xã hội lựa chọn chưa đúng, chưa trúng, chưa thật cụ thể và sát thực. Tiêu biểu như Luật Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã đề ra “Uỷ ban Mặt trận Lào Xây dựng đất nước thực hiện giám sát... đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước”1 nhưng do thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể nên rất khó thực hiện. Một số nội dung, vấn đề đưa ra giám sát, phản biện xã hội nhưng chưa có chuẩn bị, đầu tư thoả đáng; chưa thu hút được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức giỏi tham gia.

Quan điểm của Đảng Nhân dân cách mạng Lào: “Cán bộ, đảng viên; cơ quan và đoàn thể phải thật sự xem trọng các ý kiến của quần chúng nhân dân”2 chưa phải đã được tất cả cán bộ, đảng viên thấm nhuần và thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Tính chủ động của Mặt trận chưa thật cao, vẫn còn tư tưởng chờ đợi yêu cầu giám sát và phản biện xã hội từ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Một số cơ quan Đảng, Nhà nước còn chưa coi trọng những ý kiến phản biện xã hội, góp ý của Mặt trận; coi ý kiến của Mặt trận chỉ như một kênh tham khảo.

Ở khía cạnh khác cho thấy, bản thân Đảng, Nhà nước cũng chưa có những quy định cụ thể có giá trị pháp lý tôn trọng ý kiến của Mặt trận. Đây là các nguyên nhân tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội. Có không ít nội dung, vấn đề nêu ra phản biện xã hội nhưng kết quả chỉ dừng ở một số kiến nghị, góp ý chung chung do chưa phân biệt rõ ràng giữa góp ý kiến, kiến nghị với phản biện xã hội. Nói cách khác, còn đồng nhất phản biện xã hội với góp ý kiến, kiến nghị mà chưa thấy được yêu cầu cao cũng như sự khác nhau bởi tính chủ động “tranh biện” cao, nhằm khẳng định vấn đề hoặc phản bác vấn đề với đầy đủ luận cứ khoa học sắc bén để đi đến tận cùng chân lý thuyết phục các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thực trạng nói trên có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, cơ bản và quyết định nhất vẫn là nhân tố con người. Công tác giám sát và phản biện xã hội là vấn đề mới, có yêu cầu cao, nhưng đội ngũ cán bộ Mặt trận Lào lại chưa có sự chuẩn bị thật cần thiết. Hầu hết đội ngũ cán bộ của Mặt trận Lào được đào tạo từ nhiều nguồn, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rất khác nhau. Những kiến thức về Mặt trận nói chung, đặc biệt kiến thức về công tác giám sát và phản biện xã hội chưa được đào tạo, trang bị một cách đầy đủ, cơ bản và hệ thống.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền đang là cuộc vận động lớn, xu hướng phát triển tất yếu khách quan của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Theo đó, cần phải làm cho Mặt trận Lào Xây dựng đất nước thực sự là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn, có đủ sức mạnh tham chính, tham nghị, nhất là hướng làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Làm được như vậy, Mặt trận Lào Xây dựng đất nước đã góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước Lào hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và thịnh vượng.

Chú thích:

1.  Quốc hội nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào: Luật Mặt trận Lào Xây dựng đất nước. Nxb. Quốc gia Lào, Viêng Chăn, 2010, tr. 20.

2.  Đảng Nhân dân cách mạng Lào: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb. Quốc gia Lào, Viêng Chăn, 2016, tr. 65, 66.

VŨ HẢI VÂN - Tiến sĩ, Học viện An ninh nhân dân 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều