|
Khách du lịch đón lễ Giáng sinh trong thời tiết ấm áp ở Rome, Italy, ngày 25/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Cơ quan Khí tượng thủy văn Séc (CHMU) thông báo trong ngày 1/1 đã đo được mức nhiệt 19,6 độ C tại Javornik thuộc vùng Olomouc. Đây là nhiệt độ trong tháng 1 cao nhất lịch sử từng được ghi nhận tại Séc, phá vỡ kỷ lục 18,8 độ C được thiết lập ở Vanov thuộc Usti nad Labem vào ngày 29/1/2002.
Có tới 80% số trạm quan trắc của CHMU ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục trong vòng 30 năm qua tại khu vực phụ trách. Tại Nam Moravia của Séc, từng ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua là âm 27,5 độ C vào giữa tháng 12/20222, đã đo được mức nhiệt cao kỷ lục 19,4 độ C trong ngày đầu năm mới 2023.
Trong đêm Giao thừa 31/12, Séc cũng đón nhận không khí nóng kỷ lục khi nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở thủ đô Praha đạt 18,2 độ C. CHMU lý giải nguyên nhân khiến thời tiết tại Séc ấm bất thường là do ảnh hưởng của luồng không khí nóng từ khu vực Tây Bắc châu Phi.
|
Khách du lịch đón lễ Giáng sinh trong thời tiết ấm áp ở Rome, Italy, ngày 25/12/2022. Ảnh: THX/TTXVN |
Cũng trong ngày 1/1, Cơ quan Khí tượng thủy văn Ba Lan (IMGW) cho biết đã đo được mức nhiệt 18,7 độ C ở Glucholaze thuộc miền Nam nước này. Trong đêm Giao thừa, một số khu vực ở miền Tây Ba Lan cũng chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục lên tới 16,9 độ C. IMGW đánh giá mức nhiệt trung bình trong ngày 1/1 là 14 độ C, tương ứng với giá trị trung bình của tháng 5 hoặc tháng 9.
Tại khu vực sân bay quốc tế Chopin ở thủ đô Vacsava của Ba Lan thậm chí còn đo được nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 18,9 độ C. Theo IMGW, đây là kỷ lục mới về nhiệt độ trong tháng 1 ở Ba Lan, đồng thời dự báo thời tiết có thể tiếp tục ấm hơn.
Tại Nga, hãng tin Ria Novosti dẫn thông tin từ Trung tâm thời tiết Phobos cho biết thủ đô Moskva đã ghi nhận mức nhiệt 4,5 độ C trong ngày 1/1, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao nhất trong ngày đầu năm mới 4,2 độ C từng đo được hồi năm 1973.
Giới khoa học đánh giá hiện tượng nóng lên toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến châu Âu nói chung trải qua năm 2022 nóng kỷ lục. Các quốc gia Tây Âu như Đức, Italy và Anh cũng ghi nhận năm 2022 có mức nhiệt trung bình cao kỷ lục và hạn hán kéo dài, ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp cũng như sản xuất thủy điện.
TTXVN