|
Doanh nhân Indonesia quảng cáo sản phẩm tại một sự kiện ở Banda Aceh. Ảnh: EPA-EFE |
Theo Bloomberg, trước tác động của cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch COVID-19, không có thị trường nào có thể dễ dàng vượt qua năm 2022 mà không gặp trở ngại. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á - từ Indonesia, đến Hàn Quốc, Philippines - đang gặt hái những thành quả sau 1/4 thế kỷ chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng kinh tế mới, tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở châu lục này vào cuối những năm 1990.
Ngay cả khi đồng USD tăng giá, các loại tiền tệ mới nổi của châu Á vẫn hoạt động tốt hơn so với những đồng tiền truyền thống - như đồng yên và đồng euro. Trái phiếu của khu vực này đã nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi trong một năm thị trường toàn cầu chao đảo trong tình trạng suy giảm kéo dài.
Theo giới chuyên gia, châu Á có lợi thế về cả khả năng quản lý tốt và gặp nhiều may mắn. Có nhiều nguyên nhân khiến lạm phát trong khu vực duy trì ở mức thấp hơn so với những khu vực khác trên thế giới. Một phần là nhờ các nhà hoạch định chính sách châu Á không những thiết lập được nguồn dự trữ ngoại hối kỷ lục mà còn triển khai chúng ở mức cân đối. Ngoài ra, chính sách tài khóa thận trọng và quản lý khủng hoảng bình tĩnh cũng là chuẩn mực của nhiều quốc gia châu Á. Dù khoản dữ trự này đã giảm với tốc độ nhanh nhất từng ghi nhận, nhưng con số vẫn cao hơn so với cuối thập kỷ trước.
Nhà kinh tế trưởng Jerome Haegeli tại Tập đoàn bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) bình luận: “Các quốc gia châu Á mới nổi đang dẫn đầu trong cuộc đua duy trì lạm phát ở mức thấp. Họ có thể tránh được tình trạng ‘đình lạm’ - hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao. Chúng tôi cho rằng hầu hết các quốc gia châu Á vẫn có thể đạt được khả năng cạnh tranh”.
Chỉ số Bloomberg về trái phiếu của các nền kinh tế châu Á mới nổi đã ghi nhận tổng khoản lỗ khoảng 9% trong năm nay, tương đối thấp so với Mỹ, nơi báo cáo khoản lỗ 11%, trong khi các thị trường mới nổi toàn cầu giảm hơn 16%.
Đây cũng chính là nguyên nhân thu hút các nhà đầu tư toàn cầu quay trở lại châu Á. Ấn Độ và Indonesia đã báo cáo dòng vốn trái phiếu nước ngoài ròng vào tháng 8, dòng vốn đầu tiên “rót” vào nước này sau ít nhất 6 tháng. Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận những khoản ngân sách đổ vào nước này lần đầu tiên kể từ tháng 5. Ông Galvin Chia, chiến lược gia tại Ngân hàng đầu tư Natwest Markets của Singapore, cho biết trái phiếu nước ngoài vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19 ở hầu hết các nền kinh tế châu Á. Điều này cho thấy nguy cơ các dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi là rất thấp, ngay cả khi các điều kiện vĩ mô thắt chặt trở lại.
|
Khách du lịch dạo một khu chợ ở Bangkok hôm 17/9. Thái Lan đang đặt mục tiêu đón 8 triệu người nước ngoài trong năm nay để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối đã cạn kiệt. Ảnh: EPA-EFE |
Trong khi đó, chuyên gia Haegeli chỉ ra rằng giá nhập tại các nhà máy ở châu Á tương đối thấp cũng là minh chứng cho thấy triển vọng đầu tư tốt ở khu vực. Điều này một phần được thúc đẩy bởi vận may của châu Á khi tránh được những cú sốc chi phí hàng hóa tồi tệ nhất. Hơn nữa, vùng Đông Á cũng ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hay lúa mì của Ukraine hơn so với nhiều quốc gia phương Tây.
Ngoài ra, các nền kinh tế châu Á đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể, giúp hạn chế tác động của thị trường hỗn loạn trong năm nay. Dù một số báo cáo chỉ ra rằng nguồn dự trữ này có thể giảm xuống, nhưng chúng vẫn ở trên mức vào cuối năm 2019. Các nền kinh tế châu Á mới nổi đang nắm giữ tổng tài sản ở mức 2,6 nghìn tỷ USD, sau khi đạt đỉnh trên 2,8 nghìn tỷ USD vào tháng 10.
Đặc biệt, Đông Nam Á đang cho thấy khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô. Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng suy giảm ở Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia dự báo cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở khu vực Bắc Á - đặc biệt là hai nền kinh tế lớn Trung Quốc và Nhật Bản - có thể trở thành “gót chân Achilles” của khu vực.
Theo chỉ số đánh giá mức độ dễ tổn thương của các quốc gia châu Á - dựa trên ngân sách hiện tại, dự trữ ngoại hối và “vùng đệm” lợi nhuận của JPMorgan - Thái Lan và Nhật Bản là một trong những quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất, theo sau là Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Nomura Nhật Bản cũng chỉ ra trong số 30 nền kinh tế lớn trên thế giới, có tới 7 quốc gia được đánh giá ít bị tổn thương hơn trước các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có các nước châu Á - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ.
Ông Jin Yang Lee, Giám đốc đầu tư về nợ công tại Singapore nhận định: “Châu Á có những vùng đệm để vượt qua cơn bão lạm phát. Nhìn chung, châu Á đã thận trọng hơn nhiều trong việc thiết lập chính sách trước những thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế của đất nước”.
Hải Vân/Báo Tin tức