Một số vấn đề về mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế hiện nay

Trong lịch sử thế giới hiện đại, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế đều chi phối đến các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hai chủ nghĩa này đều có những sắc thái mới và tương tác biện chứng, tác động mạnh mẽ đến đời sống quốc tế và chính trị nội bộ các quốc gia, dân tộc. Do đó, nhận thức đúng đắn mối quan hệ này sẽ góp phần giúp các quốc gia, dân tộc vừa bảo đảm lợi ích của mình, đồng thời, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn nhân loại.

Chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa dân tộc cực đoan - hai biểu hiện trái ngược nhau trong quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế

Chủ nghĩa dân tộc (nationalism) không phải là một khái niệm mới. Trong lịch sử loài người, chủ nghĩa dân tộc đã manh nha hình thành từ khi các “dân tộc” ra đời. Chủ nghĩa dân tộc có thể được xem xét ở nhiều khía cạnh, như một loại tình cảm dân tộc, một loại hình tư tưởng, một quá trình xây dựng dân tộc, một hành động tập thể…

Chủ nghĩa dân tộc với tư cách là tình cảm dân tộc, là tình cảm trung thành, tình yêu, sự gắn bó với dân tộc mình. Tình cảm này được hình thành nhờ những yếu tố chung như nguồn gốc và đặc điểm nhân chủng, lịch sử chung, cùng khu vực cư trú, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo… Đó là những yếu tố khiến các cá nhân cảm thấy giống nhau, gắn bó với nhau trong cộng đồng. Tình cảm dân tộc có thể được nhận thấy thông qua quá trình cố kết dân tộc và quốc gia thành những cộng đồng khác nhau, thông qua những mối quan hệ khác nhau giữa người cùng dân tộc với người khác dân tộc và thông qua bản sắc dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc với tư cách là một loại hình tư tưởng (một hệ tư tưởng hay ý thức hệ), đó là những tư tưởng về quyền tự quyết, quyền tự trị, quyền bảo vệ bản sắc và các giá trị riêng của mỗi dân tộc. Trên phương diện quan hệ quốc tế, tư tưởng dân tộc được phản ánh trong tư tưởng lập quốc hay khẳng định chủ quyền quốc gia, trong sự bảo đảm và phát triển lợi ích quốc gia. Theo Từ điển Bách khoa của Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là “hệ tư tưởng chính trị và biểu hiện tâm lý đòi hỏi quyền lợi độc lập, tự chủ và phát triển của cộng đồng quốc gia dân tộc” (1).

Chủ nghĩa dân tộc với biểu hiện là một phong trào chính trị: John Breuilly - giáo sư về chủ nghĩa dân tộc và dân tộc tại Trường Kinh tế London (Anh) - cho rằng: “Chủ nghĩa dân tộc là phong trào chính trị nhằm hướng đến hoặc thực hiện quyền lực nhà nước và biện minh cho các hành động như vậy với các lý lẽ mang tính dân tộc chủ nghĩa” (2). Theo ông, các lý lẽ mang tính dân tộc chủ nghĩa là học thuyết chính trị dựa trên ba khẳng định cơ bản: Một là, sự tồn tại của dân tộc với đặc điểm rõ ràng và đặc biệt; hai là, các quyền lợi và giá trị của dân tộc này được ưu tiên so với các quyền lợi và giá trị khác; ba là, dân tộc phải độc lập, điều này đòi hỏi ít nhất phải đạt được chủ quyền về chính trị.

Theo nghĩa này, chủ nghĩa dân tộc còn là quá trình xây dựng hoặc tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó có thể là quá trình thống nhất quốc gia gắn liền với tên tuổi của các nhân vật lịch sử; hoặc quá trình tái thống nhất đất nước sau chiến tranh; hay các phong trào giành độc lập của các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân.

Chủ nghĩa dân tộc với đặc điểm là một hiện tượng văn hóa - xã hội, là sự tích hợp của những thần thoại và biểu tượng truyền thống. Dưới góc nhìn văn hóa, Anthony D. Smith - nhà xã hội học lịch sử người Anh - nhận xét, chủ nghĩa dân tộc là loại hình của văn hóa, gồm tư tưởng, ngôn ngữ, huyền thoại, biểu tượng, ý thức trong sự tương liên với toàn cầu (3). Ở khía cạnh này, S. Kramer (4) khẳng định, mặc dù chủ nghĩa dân tộc có nguồn gốc từ các cuộc cách mạng chính trị nhưng nền tảng cơ bản vẫn là văn hóa. Ông lập luận rằng, chủ nghĩa dân tộc với ý tưởng là các quốc gia nên đại diện cho các dân tộc thống nhất về văn hóa; và chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng văn hóa nói lên khát vọng sâu sắc của con người nhằm kết nối với bên ngoài.

Trên cơ sở nghiên cứu các định nghĩa của các học giả trong nước và quốc tế về chủ nghĩa dân tộc, có thể nhận định, chủ nghĩa dân tộc (nationalism) là một thứ tình cảm, một loại hình tư tưởng, một phong trào thực tiễn hay một hiện tượng văn hóa liên quan đến sự sinh tồn, phát triển và quyền lợi của dân tộc, được tạo ra trên cơ sở tình yêu, lòng trung thành và sự quan tâm sâu sắc của các thành viên đối với lợi ích dân tộc mình.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Australia Anthony Albanese tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm "Bộ Tứ" ở Thủ đô Tokyo, tháng 5-2022_Ảnh: TTXVN
Một khái niệm liên quan đến chủ nghĩa dân tộc là Chủ nghĩa quốc tế (internationalism). Khái niệm này để chỉ mối quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc. Chủ nghĩa quốc tế ra đời khi chủ nghĩa tư bản hình thành, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất có trình độ xã hội hóa cao theo xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Chính nền sản xuất đại công nghiệp đã tạo ra một nền sản xuất, trao đổi và tiêu dùng mang tính quy mô toàn cầu. Điều này phá bỏ mọi hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia, tạo nên một thị trường thế giới thống nhất, khiến các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau, thúc đẩy sự liên kết. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các quốc gia còn xuất phát từ những vấn đề mà từng quốc gia, dân tộc riêng lẻ không thể tự giải quyết được, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế, như bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, chống bất bình đẳng giới…

Biểu hiện cho mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế được thể hiện qua hai dạng thức của chủ nghĩa dân tộc, đó là chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chủ nghĩa dân tộc chân chính xuất phát từ tình cảm, lòng trung thành đối với đất nước nhưng không vì thế mà xem dân tộc mình ưu việt hơn dân tộc khác, do đó chủ nghĩa dân tộc chân chính biểu hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc chân chính là nền tảng, động lực cho tự do, độc lập, quyền tự quyết và phẩm giá của các dân tộc trước những áp bức, thống trị và bất công; là cơ sở để xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.  

Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan “là xu hướng tư tưởng tuyệt đối hóa giá trị dân tộc mình, đặt dân tộc mình ở vị trí cao nhất trong toàn bộ hệ thống giá trị, đi đến chỗ khoa trương, bài ngoại, tự phụ, coi dân tộc mình cao hơn tất cả và gây thiệt hại cho dân tộc khác” (5). Chính vì thế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan dễ dẫn đến xu hướng biệt lập, cục bộ, vị kỷ, chống lại xu hướng hợp tác, liên kết và hội nhập quốc tế, thậm chí có thể thúc đẩy xu hướng chiến tranh, xâm lược. Do đó, nó làm cản trở sự giao thoa và hợp tác quốc tế, làm suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.

Biểu hiện của mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế hiện nay

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế không đơn giản là mối quan hệ có hai chiều đối lập, mà còn là mối quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau, được thể hiện ở các xu hướng:

Một là, xu hướng bành trướng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nước lớn dẫn đến quá trình quốc tế hóa một cách ép buộc. 

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn có xu hướng bành trướng dẫn đến quá trình quốc tế hóa một cách ép buộc, thông qua quá trình xâm lược thuộc địa, xâm lăng về kinh tế, chính trị, văn hóa. Với tư tưởng phân biệt giữa một dân tộc “ưu tú, vĩ đại, khuôn mẫu” với các quốc gia - dân tộc khác “man di, mọi rợ, lạc hậu, cần được khai hóa, đô hộ”, thậm chí phải bị tiêu diệt..., quá trình quốc tế hóa này đã tạo ra một sự liên kết giữa quốc gia một cách không tự nguyện mà chỉ xuất phát từ phía chủ quan của quốc gia bá quyền. Trong lịch sử hiện đại, các nước thực dân, đế quốc với những cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa trên danh nghĩa “khai hóa văn minh” chính là biểu hiện của xu hướng này. Ngược lại với chủ nghĩa đế quốc, quốc tế hóa chủ nghĩa cộng sản về mặt lý thuyết dựa trên cơ sở tự nguyện giữa các quốc gia, dân tộc.

Hiện nay, biểu hiện của xu hướng bành trướng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan là chủ nghĩa sô-vanh, chủ nghĩa bá quyền.

Về chính trị, các nước lớn tìm cách áp đặt luật lệ lên các nước nhỏ, bỏ qua luật pháp quốc tế hoặc tạo ra một luật chơi riêng có lợi cho mình. Các nước lớn ràng buộc các nước nhỏ bằng những hiệp định song phương, can thiệp để thay đổi thể chế, thậm chí nếu cần sẽ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Về kinh tế, các nước lớn muốn thông qua “sự lệ thuộc” về kinh tế để áp đặt về chính trị. Trong cuốn “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” (xuất bản năm 2004), John Perkins đã chỉ ra, Mỹ tìm cách xây dựng một đế chế của riêng mình nhằm đưa các nước đang phát triển và kém phát triển vào vòng xoáy nợ nần để đặt ra những yêu cầu về kinh tế, chính trị ràng buộc và có lợi cho Mỹ. Bên cạnh đó, các nước lớn còn có thể tự đặt ra những luật chơi kinh tế chung cho toàn cầu.

Về văn hóa - xã hội, các nước lớn tìm cách áp đặt hệ giá trị, tư tưởng đối với các nước nghèo và đang phát triển nhằm tạo ra một “chuẩn mực chung” cho thế giới. Một khối lượng lớn các sản phẩm văn hóa từ các nước phát triển du nhập vào các nước đang phát triển. Thực tế cho thấy, văn hóa, lối sống của Mỹ và các nước phương Tây đang lan tràn ở nhiều nước.

Hội nhập quốc tế là do sự phát triển khách quan của lực lượng sản xuất, thể hiện mối liên hệ giữa các quốc gia. Rõ ràng, trong quá trình toàn cầu hóa, các nước mạnh với những lợi thế của mình sẽ có ảnh hưởng lớn đến phần còn lại của thế giới, thông qua đó truyền bá các “giá trị” của nước mình và chủ nghĩa tự do nhằm duy trì ưu thế quân sự và thúc đẩy lợi ích kinh tế. Như vậy, có thể thấy, chủ nghĩa quốc tế đang bị lợi dụng nhằm phục vụ cho những mưu tính của chủ nghĩa quốc gia - dân tộc cực đoan.

Tất nhiên, cũng cần nhìn nhận xu hướng này trong tính hai mặt của nó. Đó là khi các nước lớn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong quá trình toàn cầu hóa, vừa tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để các nước đang và kém phát triển có thể tận dụng để vươn lên. Tiếp thu các thành tựu khoa học - công nghệ cũng như các giá trị văn hóa tiên tiến… là một trong những mặt tích cực mà các nước đang và kém phát triển cần nắm bắt trong xu thế khách quan này.

Hai là, chủ nghĩa dân tộc nước nhỏ chống lại xu hướng quốc tế hóa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan nước lớn.

Xu hướng này có nguồn gốc từ chủ nghĩa quốc gia - dân tộc nhằm bảo vệ quyền sinh tồn, phát triển như một thực thể chính trị độc lập và chống lại xu hướng “quốc tế hóa” của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Với tư tưởng các dân tộc dù lớn hay nhỏ, dù phát triển hay kém phát triển… đều có quyền bình đẳng, mục tiêu của xu hướng này là bảo vệ lãnh thổ, không gian sinh tồn, bảo vệ tộc người - nòi giống, bảo vệ độc lập, tự do và quyền được phát triển, bảo vệ bản sắc…

Hiện nay, biểu hiện của xu hướng này chính là chống xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Bởi toàn cầu hóa không chỉ mang lại những tác động tích cực mà còn có cả những tác động tiêu cực. Toàn cầu hóa đang đặt các nước đang và kém phát triển trước những thách thức lớn; làm trầm trọng thêm bất công xã hội, tăng khoảng cách giàu nghèo trong từng nước và giữa các nước với nhau. Chính các mặt tiêu cực này đã khiến chủ nghĩa dân tộc kinh tế ở cả các nước đang và kém phát triển trỗi dậy.

Bên cạnh đó, theo nhiều quan điểm, toàn cầu hóa còn được xem là quá trình phương Tây hóa mà cốt lõi là “Mỹ hóa” về mặt văn hóa, trong đó lối sống phương Tây được truyền bá và thực hiện một cách phổ biến. Điều này khiến các phương thức sống khác cùng với hệ thống các giá trị và hình mẫu văn hóa khác, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc, đứng trước nguy cơ bị xói mòn, hòa tan. Điều này tất yếu dẫn đến chủ nghĩa dân tộc văn hóa của các nước nhỏ cần tìm cách bảo vệ bản sắc dân tộc mình trước làn sóng “xâm lăng” của văn hóa phương Tây.

Ba là, xu hướng chủ nghĩa dân tộc nước lớn chống lại xu thế quốc tế.

Thực tế chính trị trong một thế giới toàn cầu hóa cho thấy, một đảng phái hay chính quyền nào đó sẽ nhận được sự tín nhiệm cao của người dân nếu nhận thức đầy đủ, toàn diện vấn đề chủ nghĩa dân tộc trong đường lối, chính sách. Có những quốc gia sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một “lá bài” để đạt được lợi ích thông qua hành vi đề cao lợi ích quốc gia, chỉ quan tâm đến quyền lợi của quốc gia, dân tộc mà không quan tâm, thậm chí làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác. Từ đó, chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, không gắn lợi ích dân tộc với quốc tế. Có thể thấy, do đặt lợi ích nước Mỹ lên trên hết, nên chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đường lối thực dụng, đặc biệt về kinh tế, đã hạn chế quan tâm đến các vấn đề toàn cầu. Do vậy, trong giai đoạn Tổng thống Donald Trump cầm quyền, ông đã có những quyết định rút Mỹ khỏi một số tổ chức quốc tế cũng như các hiệp ước quốc tế, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc…

Xu hướng này còn biểu hiện ở tư tưởng “phản toàn cầu hóa”, theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Thực tế, không riêng Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ đã trở thành xu hướng trên toàn cầu kể từ năm 2008, khi các quốc gia sử dụng các chính sách mới nhằm hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nội địa trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài dưới nhiều hình thức khác nhau (áp dụng hạn ngạch, nâng thuế nhập khẩu, gia tăng các yêu cầu kỹ thuật…). Theo Tổ chức Cảnh báo thương mại toàn cầu (GTA), thương mại toàn cầu đang nghiêng theo xu hướng bảo hộ. Chỉ số đo lường tác động của chính sách bảo hộ thương mại tại mỗi quốc gia đều dương trong giai đoạn từ năm 2009 tới tháng 8-2018. Con số không ngừng gia tăng cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng (6).

Ngoài ra, xu hướng này còn thể hiện ở tư tưởng bài ngoại, chống nhập cư. Hàng loạt đảng phái, phong trào nổi lên gần đây ở châu Âu cho thấy rõ điều này. Như vậy, chính chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã dẫn đến việc không thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế. Do vậy, các quốc gia hiện nay cần hướng đến chủ nghĩa dân tộc chân chính thiết lập nên chủ nghĩa quốc tế trên cơ sở của thế giới quan hiện đại: hòa bình, hữu nghị, dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền tự quyết, độc lập và hội nhập quốc tế để cùng phát triển. Chủ nghĩa quốc tế dựa trên chủ nghĩa dân tộc chân chính chính là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của quốc gia trong mối quan hệ với lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; luật pháp quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế mà không làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia - dân tộc khác.

Giải quyết mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế ở Việt Nam hiện nay

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, đóng góp trách nhiệm vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76_Ảnh: TTXVN
Trong thời đại Hồ Chí Minh, sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng chính là bài học thành công của cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử.

Thứ nhất, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng để giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế.

Cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kiên định lựa chọn con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng quốc tế. Tinh thần quốc tế trong sáng của Người thể hiện ở sự kết hợp hài hòa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế, đoàn kết với nhân dân các nước vì mục tiêu giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, đoàn kết với nhân loại tiến bộ, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới” (7). Qua đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.

Thứ hai, kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Điều này được thể hiện rõ nhất qua đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đó là “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” (8); “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (9).

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã làm rõ mối quan hệ mật thiết và biện chứng giữa độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII đề ra phương châm: “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (10). Đây là phương châm phù hợp với đường lối đối ngoại mà Việt Nam đã đề ra; đồng thời khẳng định giá trị của đối ngoại Việt Nam là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, hội nhập quốc tế, sẵn sàng tham gia đóng góp cho cộng đồng quốc tế cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam cũng được thể hiện qua tư duy về lợi ích quốc gia - dân tộc. Kim chỉ nam cho tư duy và hành động của Việt Nam là trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời hài hòa với lợi ích của các đối tác, lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” (11). Việc “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” không phải là xem nhẹ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, càng không phải bỏ qua trách nhiệm quốc tế.

Cần xác định rõ rằng, ngày nay, mọi việc làm vì tiến bộ và phát triển chung của nhân loại đều là đưa nhân loại tiến gần hơn đến chủ nghĩa xã hội. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, mong muốn là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế vì độc lập, hòa bình và tiến bộ chính là làm tốt nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” (12).

Trong môi trường quốc tế với sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cường quyền, Đảng ta đã khẳng định Việt Nam không theo chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, hẹp hòi, mà thúc đẩy lợi ích trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Các nguyên tắc này bao gồm: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; hợp tác bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đó là những nguyên tắc phổ quát và tiến bộ mà toàn thể nhân loại đang nỗ lực gìn giữ và thực hiện.

Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới cho thấy, đường lối đối ngoại nhất quán và những đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế đã chứng minh tính đúng đắn của sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Tiến trình hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam trở thành một bộ phận gắn kết với thế giới. Thực tiễn những đóng góp của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận, đất nước đạt được vị thế chưa từng có trên trường quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận về kinh tế và cô lập về chính trị - ngoại giao, đến nay, cục diện đối ngoại Việt Nam được mở rộng với quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới của 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 đối tác. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, 17/20 nước thuộc Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) và toàn bộ các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thứ ba, tiếp tục phát huy giá trị chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Để đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, bảo đảm sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, cần nhận thức mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế vô sản một cách khách quan, khoa học để không rơi vào tư duy siêu hình. Một mặt, không rơi vào “chủ nghĩa quốc tế hư vô” mà quên đi một thực tế và cũng là quy luật rằng, giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo các đảng cộng sản cần phải gánh vác trách nhiệm giải phóng quốc gia - dân tộc của mình và xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa trên đất nước mình. Mặt khác, không rơi vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vị kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia - dân tộc mà quên đi nghĩa vụ quốc tế.

Hai là, cần phân biệt rõ chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chủ nghĩa quốc tế vô sản nếu được kết hợp với chủ nghĩa dân tộc chân chính sẽ tạo ra sức mạnh thúc đẩy quá trình phát triển của mỗi nước trên thế giới.

Ba là, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi đặt lợi ích dân tộc lên trên hết nhưng lại tách rời Đảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc, tách rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, có những quan điểm cho rằng, lực lượng nào lãnh đạo không quan trọng, miễn là đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; không có chủ nghĩa xã hội vẫn có độc lập dân tộc (?!). Đây là quan điểm hết sức sai lầm, phản động và tác động tiêu cực đến việc thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.

Bốn là, cần đấu tranh phản bác một số luận điểm xuyên tạc, sai trái rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vì coi trọng hệ tư tưởng mà “bỏ quên” lợi ích quốc gia, dân tộc trong việc giải quyết một số vấn đề về biên giới lãnh thổ (?!). “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc” dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi luôn là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta khi mở rộng quan hệ đối ngoại với tất cả các nước trên thế giới.

Tựu trung, mối quan hệ giữa quốc gia, dân tộc và quốc tế là mối quan hệ không thể tách rời. Do vậy, cần “luôn kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản” (13). Nếu tinh thần yêu nước không chân chính và tinh thần quốc tế không trong sáng thì có thể dẫn đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa sô-vanh, biệt lập, kỳ thị chủng tộc hoặc chủ nghĩa bành trướng, bá quyền. Tất cả những khuynh hướng lệch lạc ấy có thể dẫn đến sự suy yếu, rạn vỡ, thậm chí là đổ vỡ của một quốc gia - dân tộc hay một nhà nước đa quốc gia, dân tộc, phá vỡ tình đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh chung... Bài học thành công của việc kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của Đảng ta được thể hiện rõ trong kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Bài học đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong kỷ nguyên của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cũng như trong một thế giới đang biến chuyển sâu sắc./.

Theo TS. NGUYỄN THỊ THU HUYỀN - TRẦN CHÍ TRUNG/Tạp chí Cộng sản

--------------------

(1) Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn
(2) Phạm Thu Trang: “Chủ nghĩa dân tộc: Quan điểm và một số yếu tố tác động trong điều kiện hiện nay”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, 10-2017, tr. 13
(3) Xem: Anthony D. Smith: National Identity (Tạm dịch: Bản sắc dân tộc), Penguin, London, 1991, tr. 70 - 79, 91
(4) Lloyd S. Kramer là một nhà sử học và nhà giáo dục người Mỹ, được biết đến với một số công trình về chủ nghĩa dân tộc, như Nationalism Political Cultures in Europe and America 1775 - 1865 (Tạm dịch: Chủ nghĩa dân tộc văn hóa chính trị ở châu Âu và châu Mỹ 1775 - 1865) và Lafayette in Two Worlds: Public Cultures and Personal Identities in an Age of Revolutions (Tạm dịch: Lafayette ở hai thế giới: Văn hóa công cộng và bản sắc cá nhân trong thời đại cách mạng).
(5) Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (chủ biên): Sổ tay thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế - Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013
(6) Chủ nghĩa bảo hộ đe dọa kinh tế toàn cầu, Tạp chí tài chính onlinehttps://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/chu-nghia-bao-ho-de-doa-kinh-te-toan-cau-312242.html, ngày 3-9-2019
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr. 272
(8), (9), (10), (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 161, 162, 162, 161-162
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 84
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.13, tr. 477

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều