Mỹ ngừng chương trình DACA, người gốc châu Á rối bời

Sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, 15 bang và đặc khu Colombia đã chính thức nộp đơn khởi kiện trong thời điểm nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ngay sau đó.

Người dân phản đối việc ngừng chương trình DACA tại thành phố New York

Đứng trước nỗi lo bị trục xuất sau tuyên bố ngừng chương trình DACA bảo vệ  cho các di dân trẻ của Tổng thống Donald Trump, cộng đồng người gốc châu Á tại Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ nên xem xét lại những lợi ích mà DACA mang lại cho nền kinh tế xứ cờ hoa. 
        
Giấc mơ ngoài tầm với

Theo NBC News, trong số 800.000 di dân trẻ được DACA bảo vệ, số lượng người gốc Á chiếm khoảng 10%. Chiếm đa số trong con số 10% là những người gốc Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ và Pakistan. Nếu DACA bị hủy bỏ, tương lai của những di dân trẻ này là chỉ là con số 0 trên đất Mỹ. Tờ Korea Herald của Hàn Quốc cho biết, khoảng 10.000 di dân trẻ gốc Hàn Quốc không có giấy tờ hợp pháp tại Mỹ đang đối mặt với tương lai xám xịt này. 

Nhiều tổ chức của cộng đồng châu Á tại Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ trước cái mà họ gọi là sự tàn nhẫn đối với những di dân trẻ đang sống trên đất Mỹ được gắn mác là “di dân bất hợp pháp”. Họ cho rằng những di dân trẻ này không có lỗi khi đến Mỹ một cách bất hợp pháp mà do những tính toán của người lớn. Sau tuyên bố ngừng chương trình DACA với mục đích bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng, ông rất đồng cảm với những người di dân nhưng vẫn kêu gọi Quốc hội thông qua kế hoạch cải cách chính sách nhập cư sâu rộng - điều mà giới lập pháp Mỹ từng cố gắng và thất bại vô số lần trong nhiều thập kỷ qua. 6 tháng được cho là thời điểm quyết định về số phận của các di dân trẻ này. Mọi việc đang chờ vào sự phản ứng của giới lập pháp Mỹ. 

Trước và kể từ sau khi thắng cử, Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh ông sẽ thực hiện những biện pháp cứng rắn để trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ, đồng thời siết chặt thủ tục nhập cảnh đối với những người vào Mỹ một cách hợp pháp (thông qua visa du lịch, giấy phép làm việc hoặc các loại hình khác). Người gốc Latinh và người theo đạo Hồi là hai nhóm thu hút được nhiều sự chú ý hơn cả với sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với 7 nước Hồi giáo và tuyên bố xây tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, với hơn 17 triệu người Mỹ gốc châu Á (trong đó có cả những người sinh ra ở Mỹ) nỗi lo sợ mình sẽ là mục tiêu tiếp theo đã dần hiện hữu khi DACA được nằm trong danh sách quyết định của Quốc hội Mỹ. Họ cảm thấy giấc mơ Mỹ ngày càng nằm ngoài tầm với. Các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người nhập cư gốc Á ở Mỹ cho rằng, dưới thời ông Donald Trump,  khái niệm “người nhập cư có thể trục xuất” giờ rộng hơn rất nhiều so với dưới thời các tổng thống trước. 

Tổn hại nền kinh tế

Sau quyết định của Tổng thống Donald Trump, 15 bang và đặc khu Colombia đã chính thức nộp đơn khởi kiện trong thời điểm nhiều cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra ngay sau đó.

Ngay cả các đồng minh của ông Donald Trump trong đảng Cộng hòa và cộng đồng doanh nghiệp cũng lên tiếng quan ngại và cho rằng chính sách này sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế trong khi không giữ được các giá trị của nước Mỹ. Thị trưởng New York  Bill de Blasio tuyên bố: “Chúng tôi cảnh báo ông Donald Trump rằng không nên đe dọa người dân của chúng tôi. Thành phố New York sẽ đấu tranh để bảo vệ  họ”. Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman khẳng định, người nhập cư là “nguồn sống” của bang New York và quyết định của Tổng thống Donald Trump đã hủy hoại cuộc sống của 42.000 người dân New York. Ông Schneiderman cảnh báo, việc bãi bỏ DACA sẽ gây tổn thất kinh tế to lớn cho New York. Phòng Thương mại Mỹ cũng cho rằng đảo ngược DACA và trục xuất nhiều người là đi ngược lại nguyên tắc cơ bản, lợi ích tốt nhất của nước Mỹ.

Phần lớn giới doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, cũng lên tiếng phản đối lại việc đảo ngược DACA. Nhóm phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump bao gồm các giám đốc điều hành của Amazon, Apple, Microsoft, Facebook và Alphabet.

Giới chuyên gia nhận định rằng, sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, khả năng Quốc hội vốn đang bị chia rẽ của nước Mỹ sẽ còn phải mất nhiều tháng để đạt một thỏa thuận về vấn đề cải cách chính sách nhập cư. Đây chỉ là cuộc đụng độ mới nhất giữa ông Donald Trump và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã lên án nhiều chính sách của vị tổng thống của mình như lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo hay quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Theo Thanh Hằng/Báo Sài Gòn Giải phóng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều