Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới

Sau 10 ngày mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên. 
 Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine chính là lời tuyên chiến với Moskva. Ảnh: AFP
Tờ Bloomberg dẫn số liệu của trang cơ sở dữ liệu Castellum.ai chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu cho biết kể từ khi Mỹ và các đồng minh châu Âu bắt đầu “tổng tấn công” vào ngày 22/2, Nga đã trở thành mục tiêu của 2.778 lệnh trừng phạt mới, nâng tổng số lên trên 5.530. Con số này đã vượt qua Iran - quốc gia phải đối mặt với 3.616 lệnh trừng phạt trong suốt một thập kỷ qua với nguyên nhân chủ yếu là do chương trình hạt nhân.

Sức ép từ lệnh trừng phạt đối với Nga đã tăng lên gần như mỗi ngày. Cuối tuần qua, đã có thêm hai công ty của Mỹ là American Express và Netflix tham gia vào danh sách các doanh nghiệp tuyên bố rút khỏi hoặc tạm ngừng hoạt động ở Nga.

Ông Peter Piatetsky, người đồng sáng lập Castellum.ai nhận xét: “Đây chính là cuộc chiến tranh hạt nhân tài chính và là sự kiện trừng phạt lớn nhất trong lịch sử. Từ một phần của nền kinh tế toàn cầu, Nga đã trở thành mục tiêu lớn nhất của các biện pháp trừng phạt tài chính trong vòng chưa đầy hai tuần”.

Các biện pháp trừng phạt Nga cho thấy sự thống nhất giữa Mỹ và các đồng minh khi quyết tâm tận dụng sức mạnh kinh tế nhằm buộc Moskva phải dừng chiến dịch tại Ukraine.

 Giá dầu thế giới tiếp tục đà tăng trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình hình tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm vào Nga. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nhìn nhận loạt lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh phương Tây giống như tuyên chiến đối với Moskva. 

Sau Nga và Iran, danh sách các quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất gồm có Syria, Triều Tiên, Venezuela, Myanmar và Cuba. Các biện pháp này nhắm vào các cá nhân, công ty và thậm chí là bắt giữ du thuyền và máy bay riêng. 

trước cuộc xung đột tại Ukraine, nhiều lệnh trừng phạt Nga của Washington bắt nguồn từ cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như tấn công những người bất đồng chính kiến ở Nga và nước ngoài.

Castellum.ai cho biết phần lớn các lệnh trừng phạt chống lại Nga tính từ ngày 22/2 là nhằm vào các cá nhân với 2.427 lệnh cấm vận, trong khi đó có 343 lệnh cấm vận nhằm vào các thực thể, thường là các công ty hoặc cơ quan chính phủ.

Quốc gia dẫn đầu về số lượng biện pháp trừng phạt Nga là Thụy Sĩ với 568 lệnh cấm vận. Xếp sau đó là Liên minh châu Âu (EU) với 518 lệnh cấm vận và Pháp với 512 lệnh cấm vận. Mỹ đã áp đặt 243 hành động trừng phạt đối với Nga. 

Dữ liệu đó cũng cho thấy một trong những điều gây ngạc nhiên nhất về các chế độ trừng phạt cho đến nay: các quốc gia châu Âu lâu nay vẫn cảnh giác hơn về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lại đang dẫn đầu về số lượng, thậm chí vượt qua Mỹ trong một số trường hợp. 

Các quan chức cấp cao cho biết một ví dụ điển hình về điều đó chính là quyết định loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT - động thái mà Mỹ chần chừ. 

Trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 6/3, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ và các đối tác của họ đang phối hợp xem xét khả năng cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời đảm bảo về một nguồn cung dầu khác trên thị trường thế giới. 

Ông Edward Fishman, người phụ trách chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, khẳng định cuộc tấn công kinh tế chống lại Nga hiện nay chắc chắn là một chiến dịch trừng phạt có quy mô lớn nhất trong lịch sử. 

Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều