Hoa Kỳ
Từ hồ Great Lakes đến sông Colorado, từ Puget Sound đến vịnh Chesapeake, những dòng sông, suối, hồ và các nguồn nước khác ở Hoa Kỳ nơi con người bơi lội, câu cá, đua thuyền kayak hay thưởng ngoạn thiên nhiên đều cung cấp nguồn nước sạch cho con người. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng những vùng nước này như là cống thoát nước riêng của mình.
Vào tháng 1/2014, 10.000 gallon hóa chất đã tràn ra sông Elk ở Tây Virginia, gây ra hậu quả là 300.000 người dân không có nước sạch để sử dụng. Chỉ một tháng sau, một đường ống dẫn nhiên liệu của Công ty Duke Energy sụp đổ, 39.000 tấn tro than đã lan rộng trên diện tích hơn 100 km khắp dòng sông Dan ở North Carolina. Và chỉ 6 tháng sau đó, tảo độc (tảo có chứa xyanotoxin - một chất độc cực mạnh) đã bùng phát ở khu vực Toledo, Ohio khiến hơn 400.000 người dân xung quanh không có nước uống.
Vỡ đường ống nhiên liệu Duke Energy (Ảnh: Environment America)
Bên cạnh đó, những lỗ hổng trong luật pháp Hoa Kỳ đã khiến các công ty, tổ chức trong các ngành công nghiệp có thể làm ô nhiễm nguồn nước. Điều này đã khiến 3,2 triệu km sông suối bị đặt trong tình trạng nhiễm bẩn, 117 triệu người dân Hoa Kỳ bị đe dọa không có nước sạch để uống, hơn 20 triệu mẫu đất ngập nước và khiến ngôi nhà của hàng triệu loài chim và cá có nguy cơ bị phá hủy.
Những công ty dầu khí lớn với hàng ngàn km đường ống nhiên liệu chạy qua các vùng đất ngập nước, các công ty khai thác than hay các trang trại quy mô lớn thải ra hàng triệu tấn chất thải động vật mỗi năm đều là những mối đe dọa trực tiếp đến nguồn nước trên khắp Hoa Kỳ.
Do đó, quốc gia này đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Hoa Kỳ khuyến khích các hoạt động nông nghiệp thông minh và khuyến khích người nông dân sử dụng các loại phân bón và thuộc trừ sâu hữu cơ phân hủy sinh học. Bên cạnh đó là việc sử dụng các kỹ thuật như phương pháp nông nghiệp tự túc toàn diện, trồng trọt không cày hay hồ lắng bùn cát có thể giúp ngăn chặn dòng chảy ô nhiễm tiếp cận nguồn nước sạch.
Xả thải ra sông hồ (Ảnh: Environment America)
Việc nâng cấp những nhà máy xử lý nước thải đã lỗi thời hay năng suất xử lý đã giảm là một trong nhiều giải pháp giảm thiểu và xử lý ô nhiễm nước thải mang lại sức ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Giải pháp này không làm mất quá nhiều chi phí, chẳng hạn như tiểu bang Maryland đã dành một khoản thuế trị giá 3 USD cho các hóa đơn dịch vụ xử lý nước thải để giúp tài trợ cho việc nâng cấp các nhà máy xử lý đã cũ của tiểu bang này.
Ngoài ra, bảo vệ rừng cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước. Những cánh rừng hoạt động như miếng bọt biển hấp thụ, giữ và lọc nước mưa trước khi nước chảy ra sông, suối hay hồ gần đó. Khi rừng bị chặt phá, hệ sinh thái rừng chết đi sẽ không thể cung cấp khả năng lọc nước mưa. Nước mưa sẽ chảy thẳng ra sông, suối mang theo đất bẩn, trầm tích và kim loại ô nhiễm.
Không những vậy, việc giảm phát thải những hóa chất độc hại như thủy ngân từ các nhà máy điện có thể giúp loại bỏ lượng thủy ngân xâm nhập vào hệ thống nước hay việc nâng cấp các nhà máy xử lý nước có thể lọc các hóa chất và dược chất.
Singapore
Đảo quốc Singapore không có hồ tự nhiên và chỉ có diện tích đất nhỏ để thu nước mưa. Tuy nhiên, trong 4 thập kỷ qua, Singapore đã chứng tỏ sự thành công của mình trong việc cung cấp nước sạch và quản lý nước thải.
Ô nhiễm nước ở Singapore chủ yếu do 4 yếu tố chính. Yếu tố đầu tiên là vị trí của các khu thương mại và công nghiệp, từ những năm 1960 đa số các khu sản xuất công nghiệp được đặt ở phía Nam và Tây Nam đất nước. Yếu tố thứ hai là do những người kinh doanh đều sử dụng nước trong hoạt động kinh doanh của mình, sau đó thải nước bẩn ra môi trường. Yếu tố thứ ba là do chất thải của động vật từ các nông trại. Theo ước tính, các nông trại ở Singapore nuôi 600.000 con lợn, chúng thải ra 3 triệu gallon chất thải mỗi ngày. Lượng chất thải nông nghiệp này đều được đổ ra những con sông xung quanh. Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình.
An ninh nước từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu mang tính của quốc gia của Singapore vì một nửa lượng nước sạch hiện tại được nhập khẩu từ đất nước láng giềng Malaysia. Chiến lược của Singapore trong việc quản lý nước bao gồm việc xây dựng các nhà máy khử muối từ nước biển, phát triển hệ thống xử lý nước mưa hiệu quả và tái chế nước thải.
Nhà máy xử lý nước thải NEWater (Ảnh: The Rakyat Post)
Nước mưa được thu thông qua một mạng lưới các kênh rạch, sông, ao và hồ chứa với mục tiêu thu gom được hai phần ba lượng nước mưa trên cả nước. Nhưng hy vọng lớn nhất của Singapore nằm ở công nghệ màng chắn trong xử lý nước thải có tên gọi là “NEWater”. Thông qua hàng loạt các rào chắn và màng lọc, các chất rắn, vi sinh vật và các chất gây ô nhiễm sẽ được giải phóng khỏi nước thải. Sau một thập kỷ, công nghệ này đã đáp ứng được 30% nhu cầu về nước của Singapore và theo kế hoạch khối lượng này sẽ tăng gấp 3 lần tới năm 2060.
Bên cạnh đó, lĩnh vực xử lý nước thải của Singapore cũng nhận được sự hỗ trợ lớn khi hợp tác với Nhật Bản trong việc cung cấp các nhà máy nước công nghiệp tái chế.
Hà Lan
Hà Lan tập trung xử lý nước thải tràn ra ngoài từ cống rãnh khi có mưa lớn. Nước cống không qua xử lý sẽ hòa vào nước mưa chảy vào sông hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.
Hệ thống xử lý nước thải của Hà Lan (Ảnh: Dutch Water Sector)
Đồng thời các yếu tố khác có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước như chất gây ô nhiễm có trong khí thải ô tô, ô nhiễm khuếch tán, đất bị nhiễm chất ô nhiễm trong thời gian dài, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã được Hà Lan quan tâm để ngăn chặn chúng xâm nhập vào nguồn nước. Hà Lan cũng đưa ra những chính sách về phát triển nông nghiệp hướng tới việc xây dựng nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường đặc biệt là môi trường nước.
Trong Kế hoạch Quốc gia về quản lý nước của Hà Lan, mỗi lưu vực sông đều có một kế hoạch quản lý được soạn thảo riêng. Kế hoạch nêu ra chất lượng nước hiện tại và những biện pháp cần thiết để cải thiện chất lượng này.
Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch toàn diện về quản lý nước, được chia thành 10 biện pháp lớn và 38 biện pháp chi tiết. Kế hoạch bao gồm 4 hành động chính đó là: Kiểm soát xả thải chất ô nhiễm, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và công nghiệp cũng như bảo tồn và tái sử dụng các nguồn tài nguyên; đẩy mạnh các tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng các cơ chế thị trường, thực thi luật pháp; tăng cường quản lý và đảm bảo an toàn môi trường nước và làm rõ trách nhiệm cũng như khuyến khích sự tham gia của đông đảo người dân.
Cá chết trên con sông bị ô nhiễm ở Trung Quốc (Ảnh: Business Insider)
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch này đến năm 2020 là: Chất lượng môi trường nước của Trung Quốc sẽ dần được cải thiện; giảm đáng kể tỷ lệ nước bị ô nhiễm nặng lên đến 70% trên 7 con sông lớn của Trung Quốc; nâng cao 93% chất lượng nước uống đô thị; giảm lượng nước ngầm xuống cấp và kiểm soát ô nhiễm nước ngầm; nâng cao chất lượng môi trường vùng ven biển; cải thiện môi trường nước đô thị ở các vùng trọng điểm. Đến năm 2030, mục tiêu của Trung Quốc là cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.
Kế hoạch mới của Trung Quốc cũng đặt ra những quy định chặt chẽ về việc kiểm soát đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm bằng các giới hạn về xả thải cùng việc giám sát chặt chẽ hơn từ chính quyền địa phương. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng bao gồm giấy và bột giấy; da; nhuộm vải; thuốc nhuộm; lưu huỳnh, arsen, thuốc trừ sâu…
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường nước. Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, sương mù có thể là yếu tố gián tiếp giúp giảm ô nhiễm môi trường nước. Những chiến dịch chống sương mù trước đây có thể đã làm tăng các cơn gió mùa, tăng hiện tượng phù dưỡng (là một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat và phốt phát từ các loại phân bón hoặc nước cống rãnh bị thải vào môi trường nước), tạo môi trường cho tảo phát triển, gây ô nhiễm môi trường nước và dẫn đến phá hủy hệ sinh thái thủy sinh.
Hồng Nhung