|
Người dân nhận lương thực cứu trợ tại Ayod, Nam Sudan ngày 6/2/2020. Ảnh TTXVN |
Để chấm dứt nạn đói trên toàn cầu hiện nay không chỉ là vấn đề nguồn cung, bởi chúng ta đã sản xuất ra lượng lương thực có thể đủ nuôi sống mọi người trên hành tinh, mà vấn đề nằm ở việc tiếp cận và cung cấp thực phẩm dinh dưỡng ngày càng bị cản trở bởi nhiều thách thức: đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, giá cả tăng cao và căng thẳng quốc tế. Mọi người trên khắp thế giới đang phải chịu hiệu ứng Domino do những thách thức không biên giới gây ra.
Trên thế giới hiện có hơn 80% người nghèo cùng cực sống ở các vùng nông thôn và nhiều người sống dựa vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Họ thường là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do thiên tai và do con người, cũng như chịu thiệt thòi do sự phân biệt giới, dân tộc và địa vị xã hội. Cần có một cuộc đấu tranh để những người này có thể tiếp cận với đào tạo, tài chính, đổi mới và công nghệ.
Có tới 828 triệu người thiếu đói, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt từ 135 triệu lên 345 triệu kể từ năm 2019. Tổng cộng 50 triệu người ở 45 quốc gia đang đứng trên bờ vực của nạn đói.
Trong khi nhu cầu lương thực tăng cao thì các nguồn lực lại chạm đáy, WFP đang yêu cầu một khoản 24 tỷ USD để cung cấp lương thực cho 153 triệu người trong năm 2022. Tuy nhiên, với nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng đang lớn hơn bao giờ hết.
Xung đột vẫn là một trong những nguyên nhân lớn gây ra khủng hoảng lương thực, hơn 60% người thiếu đói trên thế giới sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và bạo lực. Các xung đột đang diễn ra ở Ukraine là bằng chứng rõ ràng hơn về cách thức xung đột gây ra nạn đói, buộc người dân phải rời khỏi nhà và cướp đi nguồn thu nhập của họ.
Arif Husain - nhà kinh tế trưởng của WFP cho biết: “cuộc xung đột đã đổ thêm dầu vào lửa”. Bởi, Ukraine là nước sản xuất chính các mặt hàng như lúa mì, ngô và dầu hướng dương. Mặc dù, xuất khẩu trên toàn cầu đã bị hạn chế do xung đột nhưng ông Husain cho rằng, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu không phải do thiếu hụt thực phẩm mà do giá cả tăng cao. Đây thực chất là cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả.
Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực trong tháng 8 đạt trung bình 138,0 điểm, giảm 1,9% so với tháng 7 nhưng vẫn cao hơn 7,9% so với giá trị cùng kỳ trong năm 2021.
Giá phân bón cũng đang tăng, góp phần làm tăng giá lương thực. Nguyên nhân do Nga - quốc gia xuất khẩu 14% lượng phân bón trên toàn cầu đã hạn chế xuất khẩu.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi mô hình toàn cầu về thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, theo đó giá được dự báo sẽ giữ ở mức cao cho đến cuối năm 2024. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và lạm phát.
Sau khi xung đột ở Ukraine diễn ra, các chính sách liên quan đến thương mại do các nước áp đặt đã tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã phần nào trở nên tồi tệ hơn do ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại lương thực với mục tiêu tăng nguồn cung trong nước và giảm giá. Tính đến giữa tháng 9/2022, có 21 quốc gia đã thực hiện 30 lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 6 quốc gia thực hiện 11 biện pháp hạn chế xuất khẩu.
|
Lạm phát tăng cao khiến khủng hoảng càng trầm trọng.
ẢNH: AFP |
Lạm phát tăng cao cũng là nguyên nhân khiến khủng hoảng lương thực càng trầm trọng. Từ tháng 5 tới tháng 8/2022, lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. 93,3% các nước thu nhập thấp; 90,9% các nước thu nhập trung bình thấp và 93% các nước có thu nhập trên trung bình đã chứng kiến mức lạm phát trên 5%, nhiều quốc gia còn chứng kiến lạm phát 2 con số. Tỷ lệ các nước có thu nhập cao nơi lạm phát cao cũng tăng mạnh, với khoảng 85,7% quốc gia thu nhập cao chứng kiến tình trạng lạm phát giá lương thực tăng cao.
Một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng lương thực toàn cầu là thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng. Trung Quốc - nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới đã phải hứng chịu nhiều đợt thời tiết cực đoan, từ lũ quét đến hạn hán nghiêm trọng. Các tỉnh miền Trung và miền Nam nước này đã trải qua nhiều tuần nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ ở hàng chục thành phố vượt qua 40 độ C. Đợt nắng nóng kỉ lục này đã cản trở sản xuất nông nghiệp, gây nguy hiểm cho vật nuôi. Theo ông Bruno Carrasco - Tổng Giám đốc bộ phận Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu tại Ngân hàng Phát triển châu Á, các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Khoảng 60% nguồn cung lương thực tổng thể ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phụ thuộc vào nước mưa trong canh tác. Sản xuất lúa dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của nhiệt độ.
Là một phần của phản ứng toàn diện, toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang diễn ra, WB đang hỗ trợ tới 30 tỷ USD trong thời gian 15 tháng cho các lĩnh vực nông nghiệp, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội, nước sạch và thủy lợi. Nguồn ngân sách này được sử dụng để khuyến khích sản xuất lương thực và phân bón; tăng cường hệ thống lương thực; tạo thuận lợi cho thương mại lương thực và hỗ trợ các hộ gia đình, người sản xuất dễ bị tổn thương.
Một dự án có giá trị 300 triệu USD ở Bolivia sẽ góp phần tăng cường an ninh lương thực, tiếp cận thị trường và áp dụng các phương pháp nông nghiệp thông minh đáp ứng các thách thức về khí hậu.
Một khoản vay trị giá 315 triệu USD được WB hỗ trợ các quốc gia như Chad, Ghana và Sierra Leone tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực và cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống lương thực của các quốc gia này.
Dự án hỗ trợ khả năng phục hồi và an ninh lương thực khẩn cấp trị giá 500 triệu USD cũng được WB triển khai nhằm thúc đẩy các nỗ lực của Ai Cập trong việc đảm bảo các hộ gia đình nghèo và dễ bị tổn thương được tiếp cận với thực phẩm, giúp tăng cường khả năng chống chịu của đất nước đối với các cuộc khủng hoảng lương thực cũng như cải thiện chất lượng dinh dưỡng.
WB cũng cấp một khoản vay trị giá 130 triệu USD cho Tunisia nhằm giảm bớt tác động của cuộc xung đột tại Ukraine bằng cách tài trợ nhập khẩu lúa mì, hỗ trợ sản xuất sữa và hạt giống cho nông dân sản xuất nhỏ.
Dành cho khu vực Đông và Nam Phi, chương trình phục hồi hệ thống lương thực trị giá 2,3 tỷ USD do WB triển khai sẽ giúp các quốc gia trong khu vực tăng khả năng giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng cao. Chương trình sẽ tăng cường ứng phó với khủng hoảng lương thực giữa các cơ quan chính phủ, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực trung và dài hạn cho sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, mở rộng tiếp cận thị trường và tập trung nhiều hơn vào khả năng chống chịu của hệ thống lương thực trong hoạch định chính sách.
Một thế giới toàn cầu hóa là nơi mà các nền kinh tế, văn hóa, con người ngày càng trở nên kết nối với nhau. Một số người trong chúng ta dễ bị tổn thương bởi hoàn cảnh sống của họ. Khi ai đó bị bỏ lại phía sau có nghĩa sợi dây kết nối sẽ bị phá vỡ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân đó, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả mọi người.
Trước những cuộc khủng hoảng toàn cầu, hơn bao giờ hết cần có những giải pháp toàn cầu. Bằng cách hướng tới sản xuất hiệu quả hơn, chế độ dinh dưỡng tốt hơn, môi trường sống lành mạnh và cuộc sống chất lượng hơn, chúng ta có thể chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và xây dựng an ninh lương thực đảm bảo hơn bằng cách thực hiện các giải pháp tổng thể và bền vững nhằm phát triển trong dài hạn, tăng trưởng kinh tế toàn diện và khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng.
Các chính phủ, khu vực tư nhân, giới học thuật, xã hội dân sự và các cá nhân cần có sự hợp tác toàn diện với nhau để ưu tiên quyền của mọi người dân trên thế giới về lương thực, dinh dưỡng, hòa bình và bình đẳng. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta đều có thể hướng tới một tương lai bền vững và toàn diện bằng cách thể hiện sự đồng cảm và tử tế hơn trong hành động của chúng ta.
Hồng Nhung biên dịch