|
An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa. ẢNH: EARTH |
Quy mô của khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng toàn cầu hiện nay là rất lớn. WFP ước tính trong số 79 quốc gia nơi tổ chức này hoạt động, có hơn 345 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao trong năm 2023. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm 2020 và cao hơn 200 triệu người so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Ít nhất có 129.000 người dự kiến sẽ phải chịu đựng nạn đói ở Burkina Faso, Mali, Somalia và Nam Sudan.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), khoảng 2,4 tỷ người, chủ yếu là phụ nữ và người dân ở khu vực nông thôn không được tiếp cận thường xuyên với thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn trong năm vừa qua. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn ở mức báo động. Trong năm 2021, có 22,3% (tương đương 148,1 triệu) trẻ em bị còi cọc; 6,8% (45 triệu) trẻ em bị gầy còm và 5,6% (37 triệu) trẻ bị thừa cân. Các khu vực nông thôn vốn tự cung, tự cấp lương thực trước đây như châu Phi và châu Á giờ đây ngày càng phụ thuộc vào thị trường thực phẩm quốc gia và toàn cầu.
Hơn thế, bất kỳ tiến bộ mong manh nào trong nỗ lực giảm tác động của mất an ninh lương thực đều ít có khả năng xảy ra do sự thiếu hụt của các nguồn tài trợ, cắt giảm hỗ trợ. Cộng đồng toàn cầu đối mặt với việc khó lòng đạt được một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững đó là đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người.
WFP đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mà số người nghèo đói cùng cực đang tiếp tục gia tăng với tốc độ mà nguồn tài chính khó có thể bù đắp kịp, bên cạnh đó chi phí cung cấp, vận chuyển nguồn lương thực được hỗ trợ đang ở mức cao nhất từ trước tới nay do giá lương thực và nhiên liệu tăng. Theo báo cáo vào tháng 9/2023 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), lạm phát giá lương thực ở các quốc gia vẫn ở mức cao trên toàn cầu, cụ thể, tại các quốc gia có thu nhập thấp lạm phát là 52,6%; ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp là 86%; và 64% ở các nước có thu nhập trung bình cao; nhiều nước đang phải đối mặt với lạm phát giá lương thực hai con số. Ngoài ra, 73,2% các quốc gia có thu nhập cao cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát giá lương thực ở mức cao. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nằm ở châu Phi, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á. Trên thực tế, lạm phát giá lương thực đã vượt quá lạm phát chung ở 81% trong số 162 quốc gia có cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thực phẩm và CPI tổng thể.
So với thống kê ngày 27/7/2023, chỉ số giá sản phẩm nông nghiệp và ngũ cốc lần lượt đóng cửa ở mức thấp hơn 6% và 10%, chỉ số giá xuất khẩu cũng đóng cửa ở mức tương tự. Sự sụt giảm chỉ số giá ngũ cốc là do giá ngô và lúa mì lần lượt thấp hơn 13% và 24% kể từ lần cập nhật trước. So với cùng kỳ năm trước, giá ngô và lúa mì cũng thấp hơn lần lượt là 28% và 31%. Tuy nhiên, giá gạo tiếp tục có xu hướng tăng kể từ tháng 5 năm nay và cao hơn tới 31%. So với tháng 1/2021, giá ngô thấp hơn 6%, giá lúa mì thấp hơn 12%, trong khi giá gạo cao hơn 16%.
Trong Ấn bản xuất bản vào tháng 9/2023 của Hệ thống Thông tin Thị trường Nông sản đã nêu bật những thay đổi gần đây trên thị trường nông sản, vốn bị chi phối bởi các hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Giá lúa mì tiếp tục đối mặt với áp lực giảm do xuất khẩu dồi dào ở Biển Đen trước khi có thỏa thuận chấm dứt, đồng thời với việc chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, triển vọng sản xuất đậu tương và ngô trên toàn cầu trong năm nay khá tích cực, một số nguồn cung dự kiến sẽ tăng trở lại bất chấp điều kiện thời tiết khô hạn ở Argentina và một số khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Vào tháng 7 vừa qua, Ấn Độ ra tuyên bố cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati và vào cuối tháng 8, nước này tuyên bố hạn chế hơn nữa đối với việc xuất khẩu gạo basmati, việc này đã gây gián đoạn và tăng giá gạo trên thị trường toàn cầu. Báo cáo Giám sát Thị trường nhấn mạnh sẽ gia tăng gần đây của giá đầu vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chi phí liên quan đến các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch như phân bón hữu cơ khoáng và những lo ngại liên quan đến an ninh lương thực toàn cầu.
|
WFP phân phát lương thực cho người dân Nam Sudan. ẢNH: REUTERS |
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, người dân ở các quốc gia phát triển chi tiêu khá thấp cho thực phẩm trong tổng chi phí của các hộ gia đình. Vào năm 2021, chi tiêu cho thực phẩm dao động từ gần 7% ở Hoa Kỳ đến khoảng 17% ở Nhật Bản. Thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Hoa Kỳ đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1975 so với giá tiêu dùng nói chung và giá tiêu dùng chung tăng nhanh hơn so với giá thực phẩm. Chia nhỏ chi tiêu của người dân Hoa Kỳ, chi cho nhà ở là khoản chi lớn nhất chiếm 34%, tiếp theo là vận tải (16%); bảo hiểm cá nhân và lương hưu (12%); chăm sóc y tế (9%); thực phẩm (7%) và giải trí chiếm 5%.
Bức tranh này lại hoàn toàn khác ở các nước đang phát triển, nơi chi tiêu cho thực phẩm chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng chi tiêu của người dân. Tỷ lệ này dao động từ khoảng 16% ở Brazil đến khoảng 60% ở Nigeria. Điều này cho thấy người dân ở các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương lớn không chỉ bởi lạm phát giá lương thực mà còn bởi tình trạng mất an ninh lương thực.
Đối với hầu hết bộ phận người dân ở các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, đây là hậu quả do mức thu nhập thấp, các yếu tố thúc đẩy chi tiêu cho thực phẩm tăng cao vượt xa khả năng chi trả đồng thời với việc thiếu hụt các nguồn cung sẵn có. Thế giới khó lòng giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực chỉ bằng cách sản xuất nhiều lương thực hơn.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân lớn thứ hai gây ra khủng hoảng lương thực, mất an ninh lương thực toàn cầu, làm suy yếu khả năng nuôi sống bản thân và gia đình của một bộ phận dân cư. Khí hậu biến đổi phức tạp, khó dự đoán đã hủy hoại mùa màng, giảm thu nhập của người dân. Mặc dù, WFP đã huy động được số tiền kỷ lục là 14 tỷ USD vào năm 2022 nhưng vẫn còn kém xa so với mức 40 tỷ USD mà tổ chức này cần hàng năm để hỗ trợ những người đang đối mặt với nạn đói trên thế giới.
Nếu biến đổi khí hậu là yếu tố lớn thứ hai gây ra nguy cơ mất an ninh lương thực thì xung đột là yếu tố lớn nhất hiện nay. 70% số người trong tình trạng thiếu đói trên thế giới đang sinh sống ở khu vực có xung đột và bạo lực. Đáng chú ý là xung đột vũ trang ở Ukraine đã gây ra hiệu ứng lan tỏa khắp toàn cầu, làm tăng giá ngũ cốc và phân bón, cuộc xung đột diễn ra gây hạn chế và gián đoạn hoàn toàn khả năng tiếp cận những đầu vào thiết yếu để sản xuất thực phẩm cho phần còn lại của thế giới. Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp gần 1/3 lượng lúa mì, lúa mạch và hơn 70% lượng dầu hướng dương trên toàn cầu. Nga cũng là nước sản xuất phân bón lớn nhất thế giới.
Bất ổn chính trị gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và hệ thống phân phối lương thực toàn cầu, nó cũng tác động đến lượng cung cần thiết mà các tổ chức viện trợ như WFP cần, tổ chức này vốn phụ thuộc vào nguồn cung của các quốc gia để hỗ trợ cho hàng triệu người nghèo đói.
Phần đáng buồn của cuộc khủng hoàng lương thực, mất an ninh lương thực toàn cầu nằm ở chỗ những thành tựu trước đại dịch đã bị xói mòn. Trước đại dịch và cuộc xung đột Ukraine, châu Phi đã có cuộc Cách mạng Xanh của riêng mình. Nông dân trên khắp lục địa này đã tăng sản lượng một số loại cây trồng lên 76% (từ năm 2004-2019) nhờ tăng cường phát triển, tiếp cận thị trường và sử dụng nguồn hạt giống tốt hơn. Giờ đây, sự tăng trưởng và tiến bộ này đang bị đe dọa bởi những cú sốc về khí hậu như lũ lụt, hạn hán cũng như chi phí vật tư nông nghiệp tăng.
Trước thực tế mất an ninh lương thực hiện nay, theo WFP, cần có sự phối hợp giữa các chính phủ, tổ chức tài chính, khu vực tư nhân và các đối tác để giảm thiểu cuộc khủng hoảng lương thực. Tất nhiên, việc ngăn chặn các cuộc xung đột trên thế giới và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn nhất trong việc chấm dứt nạn đói, cải thiện an ninh lương thực. Nhưng WFP cho biết: “Chỉ có ý chí chính trị mới có thể chấm dứt xung đột ở những nơi như Yemen, Ethiopia, Nam Sudan và nếu không có cam kết chính trị vững chắc nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu như đã ký kết trong Thỏa thuận Paris thì các nguyên nhân chính gây ra nạn đói sẽ tiếp tục gia tăng”.
Trong bối cảnh bất ổn về an ninh lương thực trên thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn bảo đảm xuất khẩu gạo, góp phần ổn định an ninh lương thực. Ngày 5/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Nhung