Tăng gấp đôi thu nhập trong vòng 10 năm
Là một quốc gia có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhưng kinh tế Nhật Bản đã vươn lên hàng thứ 3 thế giới với nền nông nghiệp hiện đại. Nhờ việc áp dụng khoa học công nghệ và các thiết bị máy móc giúp tiết kiệm sức lao động nên dù chỉ có khoảng 3% dân số làm nông nghiệp nhưng đất nước mặt trời mọc vẫn cung cấp đủ lương thực cho dân số 127 triệu người và còn dư thừa để xuất khẩu.
Mặc dù nông nghiệp chiếm một phần tương đối nhỏ trong GDP và tổng số việc làm, đây vẫn là một lĩnh vực quan trọng vì lý do văn hóa, lịch sử và môi trường. Gạo, một sản phẩm đã tạo thành trụ cột cơ bản của xã hội truyền thống Nhật Bản. Thực tế, nó đã góp phần đáng kể vào việc hình thành chính sách nông nghiệp của nước này.
Nói chung, chính sách trên được vạch ra trong Kế hoạch hành động cơ bản về khu vực nông thôn, nông nghiệp và lương thực, vốn được xem xét 5 năm một lần. Chính phủ hiện tại đặt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập trong ngành nông nghiệp và thu nhập ở khu vực nông thôn trong vòng 10 năm. Thực tế, kể từ năm 1996, thu nhập của người nông dân đã cao hơn thu nhập của công nhân. Có thể nói, Nhật Bản quyết tâm đưa nông nghiệp trở thành ngành công nghiệp thứ 6 bằng sự kết hợp lĩnh vực chính với các ngành công nghiệp thứ cấp và tam cấp, như phân phối, chế biến hay du lịch nông nghiệp để tăng thêm giá trị.
Dẫu vậy, chính sách nông nghiệp có thể đối mặt với một số khó khăn. Hiện nay số người làm nông nghiệp ở Nhật Bản đã giảm xuống dưới 3 triệu người vào năm 2008 và từ đó tiếp tục giảm dưới 2 triệu người, vào khoảng 1,92 triệu người vào năm 2016. Đây là con số chỉ bằng 40% cách đây 1/4 thế kỷ. Bên cạnh đó, dân số già cũng là vấn đề đáng báo động. Gần một nửa nông dân ở Nhật có độ tuổi từ 70 trở lên trong khi số nông dân trẻ lại giảm mạnh. Số người làm nông dưới 30 tuổi chỉ chiếm 2,5% tổng nông dân.
Định hướng cải cách 4 điểm
Nổi tiếng bởi những quy định được coi là “rắn như đá”, nông nghiệp Nhật Bản trở thành mục tiêu chính để cải cách cơ cấu dưới thời chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính phủ đã thành lập một loạt các hội đồng chính sách để đề xuất các biện pháp khuyến khích tăng trưởng nông nghiệp. Chiến lược Hồi sinh của Nhật Bản được ra đời vào tháng 6.2014 đã đưa ra những định hướng rất rõ ràng. Trong đó, có 4 điểm chính được đặc biệt coi là mục tiêu chiến lược để phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đó là sửa đổi điều chỉnh sản xuất lúa; cải cách các ủy ban nông nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; đa dạng hóa các kênh phân phối cho sản phẩm sữa; xây dựng các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế để khuyến khích các nhà sản xuất tham gia vào lĩnh vực chế biến, phân phối cũng như mở rộng xuất khẩu nông nghiệp.
Ở điểm đầu tiên, sửa đổi điều chỉnh sản xuất gạo vốn luôn được coi là vấn đề trong ngành nông nghiệp Nhật Bản trong nhiều năm nay. Kế hoạch cơ bản là một chính sách duy trì giá gạo dựa trên thỏa thuận giữa các công ty nhằm kiểm soát giá, hạn chế tổng lượng gạo chủ yếu trong nước để bán trên thị trường. Việc chuyển đổi lương thực chủ lực là gạo sang các loại cây trồng khác được khuyến khích nhờ việc Chính phủ phân bổ sản lượng gạo và tiền trợ cấp.
Điểm thứ hai liên quan đến việc cải tổ các ủy ban nông nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp và HTX nông nghiệp. Nó được coi là trung tâm của chính sách cải cách nông nghiệp trong học thuyết Abenomics. Các Ủy ban nông nghiệp Nhật Bản hoạt động ở cấp thành phố, quản lý các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, như cho phép bán và cho thuê đất nông nghiệp dựa trên Luật Đất nông nghiệp, kiểm tra và trình ý kiến về các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác ngoài nông nghiệp, khảo sát và cung cấp hướng dẫn về đất nông nghiệp chưa sử dụng. Các thành viên của Ủy ban gồm những người được bầu từ nông dân và những người được lãnh đạo thành phố bổ nhiệm. Các thành viên được bầu là thành phần chính của các Ủy ban, và điều này có thể dẫn đến việc các cuộc thanh tra của Ủy ban liên quan đến việc sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác ngoài nông nghiệp có xu hướng nhân nhượng vì họ bản thân là nông dân. Để ngăn chặn những xung đột lợi ích, chính quyền đã loại bỏ các thành viên được bầu của Ủy ban nông nghiệp và cho phép các nhà lãnh đạo thành phố chỉ định tất cả các thành viên Ủy ban. Hơn nữa, để đáp ứng với sự thay đổi vai trò của ủy ban từ “người bảo vệ Luật Đất nông nghiệp” thành “người bảo vệ đất nông nghiệp”, Nhật Bản đã thành lập các ủy ban mới chuyên xúc tiến tối ưu hóa sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ mà ủy ban nông nghiệp giao.
Trong khi đó, cải cách các tập đoàn sản xuất nông nghiệp bao gồm việc nới lỏng các điều kiện hoạt động và nhân sự của tập đoàn. Chẳng hạn, quyền bầu cử của các thành viên tập đoàn đã được nới lỏng. Trước đây, những người không phải nông dân chỉ có thể chiếm “một phần tư tổng số quyền biểu quyết” nhưng điều này đã được thay đổi thành “ít hơn một nửa tổng số quyền biểu quyết”.
Tại điểm cải cách thứ hai, việc thay đổi các HTX nông nghiệp được coi là quan trọng nhất. Ra đời từ thế kỷ XIX, đặc trưng của HTX nông nghiệp Nhật Bản là khả năng thực hiện đa nhiệm vụ. Một HTX cấp địa phương có thể kinh doanh hàng loạt các dịch vụ kinh tế - xã hội như: Cung cấp nguyên liệu đầu vào, tổ chức thị trường đầu ra, cho vay tín dụng, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ y tế, đi lại, nhà ở… Do đó, HTX nông nghiệp có quyền lực và ảnh hưởng rất lớn tới nông nghiệp lẫn nền chính trị. Thực tế, sự phản đối của các HTX nông nghiệp có thể tác động rất lớn đối với việc đạt được Hiệp định Thương mại tự do TPP mà chính quyền của Thủ tướng Abe đang xúc tiến. Vì vậy, những cải cách của ông sẽ đặc biệt tập trung vào những điều khoản liên quan đến Liên đoàn HTX nông nghiệp toàn quốc của Nhật Bản (viết tắt là JA-Zenchu). Đây là tổ chức đưa ra các định hướng, hỗ trợ thiết thực giúp các HTX hoạt động hiệu quả và phát triển.
Tiếp đến, ở điểm cải cách thứ 3, Chính phủ tập trung vào đa dạng hóa các kênh phân phối các sản phẩm sữa. Thực chất, đây cũng là một phần trong cải cách các HTX nông nghiệp. Hiện nay, tới 97% sữa nguyên liệu sản xuất tại Nhật được đưa vào phân phối qua các tổ chức sản xuất sữa tươi được chỉ định thành lập tại 9 khu vực trên toàn quốc. Cải cách mới sẽ giúp nông dân chủ động hơn trong việc tìm đường ra thị trường cho các sản phẩm sữa của mình.
Cuối cùng, cải cách thứ 4 tập trung vào xây dựng chuỗi giá trị gia tăng quốc tế và trong nước. Ngày nay, bên cạnh việc nông dân mở rộng sang các ngành công nghiệp thứ cấp và tam cấp, có rất nhiều ví dụ về các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thứ cấp và tam cấp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc hợp tác với nông dân để xây dựng chuỗi giá trị. Hiện nay, xuất khẩu nông sản của Nhật Bản đang tăng đều. Nhật Bản đặt mục tiêu đưa giá trị xuất khẩu nông sản, lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm tăng lên 1 nghìn tỷ yen vào năm 2020, sau khi đã tăng tới 67% từ 449,7 tỷ yen năm 2012 lên 750,3 tỷ yen vào năm 2016.
Mặc dù 4 điểm cải cách nông nghiệp của Nhật Bản vẫn chưa hoàn thành nhưng chúng đã vẽ ra tương lai phát triển sắp tới cho ngành nông nghiệp nước này.
Theo Thái Anh/Báo Đại biểu Nhân dân