Chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm người mất tích tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Văn Hiếu/TTXVN phát
Suốt 10 ngày, 9 cán bộ, huấn luyện viên cùng 6 chú chó nghiệp vụ đã dũng cảm đối mặt với sự nguy hiểm từ hàng trăm ngôi nhà nghiêng đổ, len lỏi vào từng khe hở giữa những khối bê tông có thể sập xuống bất kỳ lúc nào với hy vọng có thể tìm thấy nạn nhân bị vùi lấp dưới đống đổ nát.
Dù là một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Bộ đội Biên phòng, từng tham dự các kỳ hội thao quân sự quốc tế Army Games và trải qua nhiều chiến dịch cứu hộ, cứu nạn ở Việt Nam, song đây là lần đầu tiên, Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng thực hiện sứ mệnh nhân đạo quốc tế tại một địa bàn xa xôi, cũng là lần đầu tiên cứu hộ sau thảm họa động đất. Đối diện với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ có lúc xuống tới âm 10 độ C, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn, địa hình tìm kiếm hiểm trở, phức tạp, song khi tận mắt chứng kiến khung cảnh hoang tàn, đổ nát quy mô lớn ở thành phố Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, nhìn thấy những người thân của các nạn nhân đứng quanh hiện trường, mong mỏi tìm thấy người nhà, Thiếu tá Trần Quốc Hương, Đội trưởng Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn cùng các đồng đội hiểu rằng trách nhiệm của đội là hết sức quan trọng. Bởi vậy, ngay khi đặt chân đến vùng đất bi thương Antakya, các cán bộ, huấn luyện viên thuộc lực lượng “mang quân hàm xanh” đã nhanh chóng triển khai chiến thuật cứu hộ, cứu nạn, sử dụng chó nghiệp vụ tiến hành trinh sát, rà soát từng ngõ ngách, tìm kiếm các vị trí khả năng có nạn nhân. Đội sử dụng chó nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng trở thành lực lượng mũi nhọn trong việc xác định, tìm kiếm vị trí nạn nhân, góp phần đáng kể vào thành công trong công tác cứu nạn, cứu hộ của toàn đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
Tâm sự với các phóng viên TTXVN đi cùng đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hatay, Đại úy biên phòng Nguyễn Văn Nghĩa, Đội phó Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, xúc động nói rằng mọi nỗ lực tìm kiếm đều được tiến hành trong sự khẩn trương, gấp gáp, bởi các anh hiểu rằng phía sau những giọt nước mắt là niềm mong ngóng của thân nhân người bị nạn và sự thấp thỏm hy vọng.
Đại úy Nguyễn Văn Nghĩa nhớ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có nhiều câu chuyện để lại cho cá nhân anh cũng như toàn đoàn rất nhiều ấn tượng. Đó là ngày 18/2, đoàn công tác Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với đoàn Bahrain gặp một người dân bị sập nhà cửa cầu cứu lực lượng cứu hộ đưa thi thể của các thành viên gia đình ra khỏi đống đổ nát. Đội đã sử dụng chó nghiệp vụ để đánh hơi và tìm được 8 thi thể nạn nhân. Hay như giây phút xúc động lúc đoàn Việt Nam cùng lực lượng cứu hộ nước bạn tìm thấy và đưa thi thể của hai mẹ con ra khỏi ngôi nhà bị sập tại thành phố Antakya. Người thân của họ đã không ngừng nói lời cảm ơn trong nước mắt.
Đồng hành, hỗ trợ các thành viên trong đội hoàn thành nhiệm vụ chính là những chú chó nghiệp vụ trung thành và thiện chiến. Theo Thiếu tá Hương, nhờ sự tinh nhạy trong quá trình được huấn luyện, các chú chó nghiệp vụ có thể nhanh chóng phát hiện vị trí có hơi người trên khoảng không gian rộng lớn với khói bụi bao phủ, trong các tòa nhà đổ sập, dưới hàng tấn lớp bê tông sắt thép đổ nát. Tất cả các vị trí có người đều do những chú chó nghiệp vụ phát hiện. Giữa những đống đổ nát sau thảm họa động đất, các chú chó nghiệp vụ leo trèo, luồn lách mọi kẽ hở có thể len vào, theo sát là huấn luyện viên. Khi xác định đúng vị trí có nạn nhân, những chú chó sủa, đào bới liên tục để các huấn luyện viên cắm cờ, đánh dấu vị trí và báo cáo đội cứu hộ sử dụng máy móc chuyên dụng đào bới đưa nạn nhân ra ngoài. Trong sứ mệnh đặc biệt này, Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng đã xác định chính xác 31 điểm, 15 vị trí và tìm kiếm được 38 thi thể nạn nhân. Kết quả đó đã khẳng định năng lực của cán bộ, huấn luyện viên, cho thấy tác dụng của chó nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một địa bàn hoàn toàn mới, với nhiều khó khăn.
Những ngày tham gia chiến dịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong giá lạnh và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chó nghiệp vụ vẫn được các huấn luyện viên quan tâm, chăm sóc như những người bạn đặc biệt. Để phát huy tối đã hiệu quả việc sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm các nạn nhân, hằng ngày, các huấn luyện viên thức dậy sớm hơn cả đoàn để dắt các chú chó nghiệp vụ ra ngoài, cho chúng dần thích nghi với thời tiết lạnh giá. Cứ mỗi khi có thời gian nghỉ ngơi, các thành viên trong đội tranh thủ dành thời gian động viên, chăm sóc, vỗ về “những người bạn bốn chân” để cùng nhau cố gắng thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Hình ảnh các huấn luyện viên mang “quân hàm xanh” cùng những "người bạn bốn chân" khéo léo, thận trọng khom mình, len lỏi vào mọi khe hở hẹp giữa những khối bê tông vỡ vụn và các thanh sắt bị vặn xoắn lại của các tòa nhà đổ nát để tìm người mất tích, dẫu cho hiểm nguy, thực sự gây xúc động, để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế. Trải lòng về những kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến công tác đặc biệt này, Thiếu tá Hương nhắc đến hình ảnh những người dân xúc động đặt tay lên phía ngực trái để bày tỏ lòng cảm kích, và dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, họ vẫn chia sẻ với các thành viên trong đội từng hộp sữa, chai nước, những thứ đã trở nên rất quý hiếm ở đây, như một sự tri ân.
Mang trên vai quân hàm màu xanh lá của Bộ đội Biên phòng, với lòng nhiệt huyết, tinh thần quả cảm, trách nhiệm, những cán bộ, huấn luyện viên trong Đội sử dụng chú chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã để lại những tình cảm thân thương, gần gũi trong lòng người dân nước bạn. Họ xứng đáng là những sứ giả nhân đạo mang “quân hàm xanh” Bộ đội Biên phòng Việt Nam.
Theo Hải Linh - Trường Duỵ-Dương Hoa-Phương Oanh (TTXVN/Báo Tin tức)